Ô nhiễm kênh rạch TPHCM: Nhận diện những tiểu “Vedan”

Ô nhiễm kênh rạch TPHCM: Nhận diện những tiểu “Vedan”

Vì đâu những con kênh xanh xanh khi xưa nay đã đổi màu, đổi chất? Có lẽ ai cũng biết là do nước thải chưa qua xử lý từ những tiểu “Vedan” là các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp và cả nhà dân dọc hai bên kênh tha hồ xả thải trực tiếp xuống các con kênh một cách ngang nhiên, công khai bao nhiêu năm nay. Chính những tiểu “Vedan” đã tạo nên những sông “Thị Vải” chảy ngang dọc trong một đô thị thuộc loại bậc nhất của cả nước…

Xả thải công khai

Ô nhiễm kênh rạch TPHCM: Nhận diện những tiểu “Vedan” ảnh 1

Người dân hằng ngày vẫn phải qua lại ngang dòng kênh Nước Đen bị ô nhiễm nặng ở phường Bình Hưng Hòa,quận Bình Tân TPHCM. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Trong số hàng 100 km thuộc 5 tuyến kênh chính chạy qua khu vực các quận nội thành, ngoài một số tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một phần tuyến kênh Tàu Hủ, Ruột Ngựa chạy dọc theo đại lộ Đông Tây, một số đoạn của kênh Tân Hóa – Lò Gốm đã được giải tỏa hai bên bờ kênh, phần còn lại dọc hai bên bờ kênh là nhà dân san sát nhau.

Có nhà xây dựng trên đất ven kênh, nhưng đa số đều dựng cọc cơi nới, lấn chiếm ra lòng kênh và đương nhiên, toàn bộ rác, nước thải sinh hoạt hàng ngày của hàng trăm ngàn hộ dân sống hai bên kênh đều được thải trực tiếp xuống các con kênh.

Ngoài ra, trong nội thành còn khá nhiều cơ sở sản xuất, bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn. Theo số liệu mới nhất, toàn thành phố mới chỉ có 48 trong tổng số 139 bệnh viện - trung tâm y tế dự phòng có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, còn hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chưa di dời và chưa có hệ thống xử lý môi trường, tất cả vẫn đang hoạt động hàng ngày và công khai thải hàng ngàn mét khối nước ô nhiễm ra kênh rạch.

Ô nhiễm kênh rạch TPHCM: Nhận diện những tiểu “Vedan” ảnh 2

Một đoạn kênh Cầu Trắng bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải công nghiệp. Ảnh: QUỐC HÙNG

Riêng các kênh rạch khu vực ngoại thành, theo như lời một chuyên gia môi trường là “miễn bàn” về mức độ ô nhiễm.

Ông Nguyễn Trường Xuân, Giám đốc Công ty Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, cho rằng từ khi thành phố có chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm ở nội thành ra các khu công nghiệp tập trung và vùng phụ cận, nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm dạt ra ngoại thành để tiếp tục hoạt động.

Rõ ràng chẳng khác nào di chuyển ô nhiễm từ nơi này đi nơi khác, nhưng trớ trêu hơn là các cơ sở gây ô nhiễm lại di dời lên đầu nguồn các sông chảy về thành phố như sông Sài Gòn.

Có thể điểm mặt khá cụ thể như khu công nghiệp Lê Minh Xuân là nơi tập trung các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực gây ô nhiễm nhiều như xi mạ, tẩy nhuộm, thuộc da, nấu đồng… thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh rạch. Chỉ riêng nước súc rửa của 3 nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu trong khu công nghiệp này không xử lý mà xả thẳng ra kênh cũng đủ làm tôm, cá trong khu vực bị chết.

Theo số liệu điều tra công nghiệp của Chi cục Bảo vệ môi trường TP, ven kênh Thầy Cai - An Hạ, khu vực Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai có khoảng 300 cơ sở sản xuất nằm trong KCN và tiểu thủ công nghiệp. Hiện hệ thống xử lý nước thải của KCN Lê Minh Xuân chỉ xử lý khoảng 2.000m3/ngày đêm, nhưng lượng nước đưa vào phục vụ sản xuất tại đây khoảng 3.500m3/ngày đêm.

Chỉ cần một bài tính đơn giản cũng thấy còn một lượng nước khá lớn của KCN chưa qua xử lý được thải ra kênh, cộng với lượng nước của hầu hết các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp chưa qua xử lý đã làm ô nhiễm nguồn nước kênh rạch nơi đây. Tương tự, đoạn kênh này chảy qua KCN Tân Phú Trung cũng bị ô nhiễm khá nghiêm trọng với cùng những nguyên nhân nêu trên.

Qua địa bàn Hóc Môn, quận 12, rạch Bến Cát là một nhánh rạch nhỏ hợp giữa rạch Bến Đá và kênh Trần Quang Cơ ở đầu nguồn giáp ranh kênh Tham Lương – Vàm Thuật. Rạch này cũng đang ô nhiễm do nguồn nước thải từ KCN Tân Thới Hiệp và nước từ kênh Tham Lương – Vàm Thuật vốn đang ô nhiễm nặng đổ ra.

Thành phố đã có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư chu đáo để đón các doanh nghiệp di dời vào. Tuy nhiên, do giá cho thuê còn vượt khả năng của nhiều doanh nghiệp nên họ không chịu vào. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuê hoặc mua đất nông nghiệp bên ngoài không những rẻ hơn mà còn “né” được phí môi trường - một khoản tiền không nhỏ.

Ngoài ra, mặc dù hiện thành phố đã có 13/14 KCN, KCX có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng số doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống này và lượng nước thải đã qua xử lý là bao nhiêu, chắc không ai có thể nói chính xác được…

Xử lý vi phạm: Thiếu “cơ chế” hay thiếu trách nhiệm?

Công bằng mà nói, những năm qua chính quyền thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường TPHCM nói chung và cho hệ thống kênh rạch của thành phố nói riêng. Như việc giải tỏa hàng ngàn hộ dân hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rồi triển khai hệ thống xử lý nước thải ra kênh.

Ngoài ra, Dự án cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị kênh Tân Hóa – Lò Gốm do UBND TPHCM và cơ quan hợp tác kỹ thuật Bỉ cùng hợp tác thực hiện với số tiền hàng trăm triệu USD, dự án đại lộ Đông Tây đang làm thay đổi bộ mặt một số đoạn kênh Tàu Hủ, Ruột Ngựa… Tuy nhiên, chất lượng nước của các kênh rạch hầu hết vẫn chưa được cải thiện nếu không muốn nói nhiều nơi còn có xu hướng bị ô nhiễm nặng hơn.

Nguyên nhân do đâu? Đứng về góc độ của Ban quản lý các KCN, KCX, ông Ngô Anh Tuấn, Phó trưởng ban cho rằng, do việc quy định trách nhiệm kiểm tra xử lý chưa rõ ràng dẫn đến việc xử lý gặp nhiều vướng mắc. Bản thân lực lượng chức năng của Ban quản lý KCN, KCX chỉ dừng lại ở việc kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm, lập biên bản, sau đó đề xuất thanh tra môi trường của Sở TN-MT xử lý.

Một khó khăn nữa trong quá trình xử lý các đơn vị gây ô nhiễm là quy trình kiểm tra. Tất cả các cuộc kiểm tra doanh nghiệp đều phải lên lịch, thông báo cho doanh nghiệp, chính vì vậy doanh nghiệp có thể đối phó với đoàn kiểm tra.

Được biết, ngày 19-9-2008 vừa qua, Sở TN-MT đã đề xuất thành lập tổ kiểm tra liên ngành có chức năng kiểm tra đột xuất doanh nghiệp và đề xuất này đang được UBND TPHCM xem xét.

Về phần đơn vị chịu trách nhiệm quản lý môi trường là Sở TN-MT, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc sở đã nhiều lần “than” trong các cuộc họp bàn về môi trường rằng các chế tài chưa đủ sức răn đe đã không làm cho chủ đầu tư các khu công nghiệp, các doanh nghiệp “buộc” phải chấp hành, trong khi hệ thống kênh rạch thành phố đang từng ngày “chết dần, chết mòn” thì khu công nghiệp vẫn cứ thản nhiên xả nước thải…

Dù cơ quan quản lý có đưa ra bao nhiêu lời giải thích đi nữa, dư luận cũng đặt vấn đề rằng ô nhiễm là có thật, đã và đang tồn tại nhiều năm qua, các văn bản pháp quy cũng nhiều, các cơ quan có chức năng kiểm tra, xử lý về môi trường cũng không thiếu, vậy tại sao tình hình ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện?

Ngoài lý do về một số bất cập trong các quy định của pháp luật, có chăng tình trạng không ít bộ phận chức năng thiếu trách nhiệm hoặc đùn đẩy trách nhiệm, có hay không sự làm ngơ, bao che và đã có cơ quan, cá nhân nào bị xử lý vì thiếu trách nhiệm để môi trường bị tàn phá? 

CHIẾN DŨNG – QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục