Hơn 700 tỷ đồng xây dựng hồ điều tiết và sinh học-Có cải tạo được nước kênh Ba Bò?

Khi nhà đầu tư và tư vấn đá chân nhau...
Hơn 700 tỷ đồng xây dựng hồ điều tiết và sinh học-Có cải tạo được nước kênh Ba Bò?

TPHCM đã chấp thuận giao cho Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP thực hiện dự án điều tiết chống ngập, đồng thời xử lý nước thải kênh Ba Bò. Tổng số vốn đầu tư dự án trên (theo đề nghị của trung tâm) dự kiến hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều chuyên gia khoa học và các cơ quan chức năng liên quan cho rằng xây dựng hồ sinh học không thể xử lý được nước thải kênh Ba Bò, thậm chí là lãng phí vì vô tác dụng.

Nước kênh Ba Bò trắng xóa, nổi bọt bốc mùi hôi. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nước kênh Ba Bò trắng xóa, nổi bọt bốc mùi hôi. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Khi nhà đầu tư và tư vấn đá chân nhau...

Lý giải cho việc chọn phương án xử lý nước thải kênh Ba Bò bằng phương pháp hồ sinh học, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho rằng việc xây dựng này dựa vào kết quả phân tích chất lượng nước tại lưu vực kênh Ba Bò. Theo đó, nguồn nước thải ra kênh bao gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Trong đó, nước thải công nghiệp chủ yếu là của 2 KCN Sóng Thần 1 và 2 (tỉnh Bình Dương) nhưng đã xử lý đạt tiêu chuẩn loại A. Còn nước thải sinh hoạt là của gần 10.000 hộ dân sống khu vực lân cận.

Kết quả phân tích nước thải kênh cho thấy chất lượng nước kênh Ba Bò chủ yếu là ô nhiễm hợp chất hữu cơ, không có kim loại nặng nên có thể chọn 1 trong 2 công nghệ cần thiết ứng dụng là bùn hoạt tính hoặc hồ sinh học. Không cần thiết áp dụng những công nghệ phức tạp khác.

Tuy nhiên, trong công văn trình UBND TPHCM ông Trần Minh Dũng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết, hiện có mâu thuẫn trong đánh giá chất lượng nước kênh Ba Bò giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.

Cụ thể theo báo cáo của chủ đầu tư, việc xây dựng hồ sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt cho 10.000 hộ dân sinh sống dọc kênh, còn nước thải công nghiệp đã được xử lý tại nguồn. Trong khi đó, theo báo cáo của đơn vị tư vấn, trong nước thải của kênh vẫn tồn tại nhiều hóa chất đặc trưng của nước thải công nghiệp. Cụ thể, các chất như ammoni, TSS, Fe, tổng lượng hữu cơ… đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 - 4 lần. Chất hoạt tính bề mặt cao hơn tiêu chuẩn 2,6 lần, có khi lên đến 10,4 lần. Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định rằng nước kênh Ba Bò vừa bị ô nhiễm nước thải công nghiệp, vừa bị ô nhiễm nước thải sinh hoạt. Ngoài ra, nồng độ coliform vượt tiêu chuẩn cho phép 1.400 lần…

Lượng ô nhiễm vào ban đêm cao hơn ban ngày 3-4 lần, có khi lên đến 16 lần. Đó là chưa kể, kênh Ba Bò còn là nơi tiếp nhận nước thải công nghiệp của một số doanh nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Thủ Đức (TPHCM) thải ra…

Mặt khác, ông Dũng nhấn mạnh, công suất xử lý nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung của 2 KCN Sóng Thần 1 và 2 chỉ có 8.000m³/ngày là quá ít, không phù hợp thực tế sản xuất. Do đó, không ngoại trừ sẽ có một lượng nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn, sẽ đổ vào hồ sinh học, phá hỏng công nghệ xử lý hồ sinh học… Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP, cũng khẳng định, hiện nước thải kênh Ba Bò bị ô nhiễm chủ yếu là do nước thải công nghiệp (90%)

Hơn 700 tỷ đồng sẽ... trôi sông?

PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, cho biết thêm, trong giải pháp xử lý chất thải, hồ sinh học là công đoạn cuối cùng, tức công đoạn mà nước thải gần như đã xử lý đạt tiêu chuẩn, chỉ còn lại một số ít chất hoàn toàn không độc hại, có khả năng phân hủy sinh học. Hồ sinh học tuyệt đối không thể xử lý các chất như dầu mỡ, hữu cơ khó phân hủy, kim loại, thậm chí là coliform…

Thông thường, trước khi nước thải chuyển tới hồ sinh học phải được xử lý hóa lý, keo tụ, xử lý vi sinh. Tuy nhiên, nước thải kênh Ba Bò gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt nên không có cách gì hồ sinh học có thể xử lý được. Thậm chí là vô tác dụng trong trường hợp chất lượng nước thải có nồng độ ô nhiễm cao.

PGS-TS Nguyễn Đình Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM, nhấn mạnh, hồ sinh học có khả năng xử lý được nước thải kênh Ba Bò trong trường hợp các cơ quan chức năng phải quản lý được chất lượng nước thải từ đầu nguồn. Trong đó, phải luôn chắc chắn rằng nước thải của 2 KCN và các doanh nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Thủ Đức phải xử lý nước thải luôn đạt tiêu chuẩn loại A trước khi thải ra môi trường. Điều đáng nói là làm được điều này còn khó hơn “lên trời”.

Trên thực tế, chất lượng nước kênh Ba Bò bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay là do nước thải công nghiệp xử lý không đạt tiêu chuẩn, thậm chí là chưa qua bất kỳ công đoạn xử lý nào, cứ vô tư xả thẳng ra kênh.

Ông Nguyễn Văn Phước khẳng định, việc bắt các doanh nghiệp phải luôn đảm bảo xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường là rất khó. Các biện pháp mạnh, chế tài nhằm buộc doanh nghiệp thực hiện được điều này cũng chưa chặt chẽ. Do đó, vẫn còn tồn tại rất nhiều doanh nghiệp lén lút thải bỏ nước thải chưa qua xử lý vào các kênh rạch nói chung và kênh Ba Bò nói riêng.

Theo quan điểm của Sở TN-MT, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP cần thiết phải tính toán đến phương án nước thải đầu vào có hàm lượng ô nhiễm cao hơn nhiều so với khảo sát, đánh giá ban đầu. Trong đó, không ngoại trừ trường hợp nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Sóng Thần xảy ra sự cố, không hoạt động được và xả nước thải trực tiếp ra kênh.

Biện pháp hiệu quả nhất là phải xây dựng thêm 2 bể trước và sau hồ sinh học. Bể trước sẽ có tác dụng xử lý hóa lý, keo tụ các hóa chất của chất thải công nghiệp sau đó mới chuyển vào hồ sinh học và kết thúc là toàn bộ nước thải phải chuyển qua bể lắng. Ngoài ra, trung tâm nên chủ động có giải pháp xử lý khối lượng rác từ thượng nguồn kênh đổ về và xây dựng một trạm quan trắc nước hồ, nước dưới đất xung quanh hồ sinh học để theo dõi chất lượng nước trong và ngoài hồ…

Có thể nói, hơn 700 tỷ đồng đầu tư cải tạo chất lượng nước kênh Ba Bò là số tiền không nhỏ. Đây cũng được coi là đóng góp của nhân dân nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình. Vì vậy nếu chủ đầu tư không tính toán kỹ giải pháp, hiệu quả đầu tư thì sẽ gây tổn thất rất lớn cho ngân sách thành phố nói riêng và tài sản của người dân nói chung.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục