Liên quan đến việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò: Khó khống chế nước thải công nghiệp từ Bình Dương

Liên quan đến việc xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò: Khó khống chế nước thải công nghiệp từ Bình Dương

Để xây dựng hồ điều tiết kết hợp xử lý nước kênh Ba Bò, sẽ phải có hàng trăm hộ dân của TPHCM và tỉnh Bình Dương buộc phải di dời. TPHCM cũng phải trích ngân sách vài trăm tỷ đồng. Điều này đã thể hiện sự nỗ lực của TP nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, với lựa chọn phương pháp xử lý nước kênh Ba Bò bằng hồ sinh học của Trung tâm Điều hành chống ngập TP thì liệu sự cố gắng trên có mang lại kết quả? PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước (ảnh), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM xung quanh vấn đề này. 


Phóng viên: Liên quan đến việc Trung tâm Điều hành chống ngập TP đề xuất biện pháp xây hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò, nhiều nhà khoa học đã cho rằng không hiệu quả. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: Việc nhiều nhà khoa học có ý kiến không đồng tình với giải pháp xử lý nước kênh Ba Bò bằng hồ sinh học cũng có lý do chính đáng, chủ yếu là xuất phát từ tình hình thực tế chất lượng nguồn nước hiện nay của con kênh này. Hiện thượng nguồn của kênh Ba Bò bắt đầu từ tỉnh Bình Dương rồi chảy xuống hạ nguồn là địa bàn Thủ Đức TPHCM. Tỉnh Bình Dương đã quy hoạch và cho phép 2 khu công nghiệp Sóng Thần được xả nước thải đã qua xử lý ra kênh Ba Bò. Điều đáng nói hiện chất lượng nguồn nước tại khu vực này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhưng trung tâm chống ngập cho rằng ban giám đốc của Công ty đầu tư cơ sở hạ tầng 2 khu công nghiệp Sóng Thần đã cam kết xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A?

Không nên chỉ dựa vào cam kết ban giám đốc Công ty đầu tư cơ sở hạ tầng của 2 khu công nghiệp Sóng Thần nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Vì trong quá trình hoạt động, mặc dù doanh nghiệp đã đầu tư xử lý nước thải nhưng vẫn không ngoại trừ xảy ra trường hợp sự cố. Nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vẫn thải ra môi trường.

Hơn nữa, nếu căn cứ vào điều kiện thực tế chất lượng nguồn nước kênh hiện nay thì tình trạng ô nhiễm tại kênh Ba Bò rất nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ mới xuất hiện gần đây mà là đã tồn tại hàng chục năm, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân TPHCM sống dọc kênh. Mức độ ô nhiễm ngày càng tăng theo mật độ đầu tư tại 2 khu công nghiệp Sóng Thần. Kết quả đo đạc nồng độ các chất ô nhiễm ở kênh Ba Bò luôn tăng thêm từ 1,2 – 1,6 lần mỗi năm.

Được biết, UBND TPHCM đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương nhằm bàn biện pháp xử lý triệt để việc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang xả thải gây ô nhiễm cho TPHCM?

Trước thực trạng ô nhiễm kênh Ba Bò ngày càng tăng, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống người dân TP, lãnh đạo TP đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương để yêu cầu tỉnh sớm có biện pháp kiểm soát chặt nguồn thải gây ô nhiễm. UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có cam kết xử lý triệt để đơn vị gây ô nhiễm kênh Ba Bò nhưng cho đến nay, thực trạng ô nhiễm kênh Ba Bò vẫn tăng.

Người dân TPHCM ở dọc 2 bờ kênh này đang từng ngày sống chung với ô nhiễm. Họ không chỉ phải chịu đựng mùi khí thải hôi thối nồng nặc phát sinh từ con kênh này mà đáng lo ngại hơn là nguồn nước ngầm khu vực này cũng đã bắt đầu có hiện tượng ô nhiễm. Nhiều khu vực đã bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn coli, sắt, axít… vượt tiêu chuẩn cho phép, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Vậy theo ông, liệu có biện pháp nào có thể xử lý được nước thải công nghiệp ô nhiễm thải ra từ các doanh nghiệp trên tỉnh Bình Dương và TPHCM nói chung?

Phải thừa nhận là để làm được điều này rất khó. Hiện chủ nguồn thải là doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại tỉnh Bình Dương. Còn TPHCM chỉ là nơi hứng chịu hậu quả của việc ô nhiễm và đang tìm cách khắc phục, từng bước giảm thiểu tác hại việc ô nhiễm này lên người dân. Trong trường hợp cơ quan chức năng TP nếu có phát hiện doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương xả chất thải không đạt tiêu chuẩn cho phép thì cũng không thể xử lý được, bắt buộc phải chuyển sang cơ quan có chức năng của tỉnh Bình Dương. Điều đáng lo ngại là trong khi chờ xử lý trường hợp vi phạm môi trường trên thì hiệu quả đầu tư hồ sinh học để xử lý nước kênh Ba Bò của TP đã bị vô tác dụng. Còn nếu trên địa bàn TP thì có thể xử lý được.

Có thể nói, việc TP đầu tư xây dựng dự án này không ngoài mục đích cải thiện môi trường sống cho người dân. Mặc dù TP không phải là chủ thể gây ra hiện trạng ô nhiễm kênh Ba Bò. Tuy nhiên, về phía chủ đầu tư cần phải nghiên cứu, khảo sát kỹ hơn thực tế hoạt động sản xuất cũng như khả năng kiểm soát chất thải công nghiệp của tỉnh Bình Dương. Không nên chỉ dựa vào cam kết của Ban giám đốc Công ty đầu tư Khu công nghiệp Sóng Thần để đưa ra giải pháp chưa thực sự phù hợp với thực tế.

ÁI VÂN


 

Tin cùng chuyên mục