Nhà máy nước Tân Hiệp “kêu cứu”

Nhà máy nước Tân Hiệp thuộc Tổng Công ty Cấp nước TPHCM vừa “kêu cứu” với các tỉnh thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nước cấp tại nhà máy đang bị suy giảm. Trong nguồn nước lấy vào để xử lý thành nước cấp phục vụ sinh hoạt, nhiều chất ô nhiễm đã có nồng độ ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép.

Nhà máy nước Tân Hiệp thuộc Tổng Công ty Cấp nước TPHCM vừa “kêu cứu” với các tỉnh thành thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nước cấp tại nhà máy đang bị suy giảm. Trong nguồn nước lấy vào để xử lý thành nước cấp phục vụ sinh hoạt, nhiều chất ô nhiễm đã có nồng độ ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép.

Nhiều chất thải vượt tiêu chuẩn cho phép

Theo Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế TPHCM, kết quả kiểm tra chất lượng nguồn nước đầu vào lấy tại Trạm bơm Hòa Phú (Nhà máy nước Tân Hiệp) thuộc sông Sài Gòn cho thấy, nồng độ pH, oxy hòa tan không nằm trong giới hạn cho phép. Các chất như sắt tổng cộng, phenol, amoni đều vượt quá tiêu chuẩn và có dấu hiệu bị nhiễm coliform nặng.

Cụ thể nồng độ sắt tại trạm bơm Hóa An là 1,5mg/l trong khi tiêu chuẩn cho phép là 1mg/l; pH là 5,8 thấp hơn tiêu chuẩn yêu cầu 6 - 8,5; oxy hòa tan chỉ đạt 2,2mg/l thấp hơn tiêu chuẩn yêu cầu phải đạt ít nhất lớn hơn 5mg/l; phenol là 10,8 (tiêu chuẩn cho phép 0,005mg/l); amoni là 0,4mg/l (tiêu chuẩn cho phép 0,2mg/l); vi sinh là 5.400 MPN/100ml (tiêu chuẩn cho phép 5.000 MPN/100ml).

Đáng lo ngại hơn, chất lượng nguồn nước ngầm tại điểm thu nước của Công ty TNHH một thành viên nước ngầm Sài Gòn dùng để xử lý phục vụ nước cấp sinh hoạt còn bị ô nhiễm nặng hơn. Nguồn nước tại đây không chỉ bị ô nhiễm sắt tổng cộng mà còn bị ô nhiễm chất mangan.

Cụ thể, nồng độ mangan cho phép trong nguồn nước sử dụng nước cấp cho tối đa là 0,5mg/l, nhưng thực tế trong nguồn nước ngầm lên đến là 0,84mg/l. Cá biệt, nồng độ sắt đo được lên tới 16,4mg/l trong khi tiêu chuẩn cho phép cao nhất là 5mg/l.

Trước thực tế chất lượng nguồn nước đang bị suy giảm, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã kiểm tra chất lượng nguồn nước sinh hoạt sau khi đã được nhà máy nước xử lý. Kết quả cho thấy chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân vẫn đạt tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, theo đại diện Nhà máy nước Tân Hiệp, mặc dù nguồn nước cấp vẫn đạt tiêu chuẩn cho phép nhưng nếu chất lượng nguồn nước vào vẫn tiếp tục bị gia tăng ô nhiễm thì rất khó để xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn.

Bởi lẽ, nếu tăng hóa chất để xử lý hết các chất ô nhiễm thì sẽ xử lý được hết các chất ô nhiễm nhưng sự tương tác giữa hóa chất xử lý với các chất ô nhiễm sẽ làm phát sinh ra chất độc khác (THMs). Chất độc này nếu vượt tiêu chuẩn cho phép sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân.

Đây cũng chính là lý do mà tại sao chất lượng nguồn nước thu vào để xử lý làm nước cấp được quy định rất chặt chẽ là phải đạt tiêu chuẩn loại A1.

Khó kiểm soát chất lượng nguồn thải ô nhiễm

Lý giải nguyên nhân khiến cho nguồn nước ngầm của Công ty TNHH một thành viên nước ngầm Sài Gòn bị ô nhiễm là do đường ống cống nước thải đổ vào khu vực bảo vệ nước giếng khoan. Riêng nguồn nước cấp của Nhà máy nước Tân Hiệp bị suy giảm, Trung tâm Y tế dự phòng TP cho là do nguồn thải từ hoạt động sản xuất không đạt tiêu chuẩn cho phép.

Hiện các cơ quan chức năng rất khó để xác định được nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước vì phần lớn thải ra sông theo các đường ống ngầm. Trong trường hợp phát hiện được nước thải tại các cống xả trên không đạt tiêu chuẩn thì cũng không thể xác định được là do doanh nghiệp nào gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng Quản lý môi trường (Sở TN-MT) cũng khẳng định, nhiều khi doanh nghiệp không xả thải thẳng ra sông Sài Gòn mà xả thải vào hệ thống kênh rạch, rồi từ kênh rạch đổ ra sông. Do vậy, trong trường hợp phát hiện nguồn nước thải không đạt tiêu chuẩn thì phải truy ngược xem đó là do nước thải của doanh nghiệp nào xả ra. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, để làm được điều này cũng rất khó.

Đại diện Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết, điều đáng lo ngại nhất là hiện chưa có phương án nào để chủ động bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp. Đơn cử như trường hợp Công ty San Miguel Pure Foods Vietnam bị vỡ đập hồ chứa nước thải, khiến toàn bộ nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm chất lượng nguồn nước, đặc biệt là đoạn sử dụng nước mặt phục vụ cấp sinh hoạt cho người dân trên địa bàn thành phố.

Biện pháp duy nhất để ứng phó với sự cố trên, đảm bảo nước cấp sinh hoạt đạt tiêu chuẩn quy định, ngoài việc Nhà máy nước Tân Hiệp yêu cầu Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng xả nước để pha loãng nồng độ các chất ô nhiễm thì không còn cách nào khác.

Về lâu dài cách làm này rất bị động và không đạt hiệu quả. Trường hợp mùa khô, mực nước hồ Dầu Tiếng cạn thì việc xả nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục