Biến đổi khí hậu và cuộc chiến sinh tồn - Bài 1: Dải đất Sơn Tinh

Biến đổi khí hậu và cuộc chiến sinh tồn - Bài 1: Dải đất Sơn Tinh

LTS: Một tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra ở Copenhagen (COP 15), 24 nhà báo từ 3 miền đất nước của Việt Nam đã tham dự hội thảo “Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vùng ven biển”, đi tìm hiểu thực tế tại vùng lấn biển nhiều nhất Việt Nam ở Kim Sơn - Ninh Bình. Chuyến đi do Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) và Oxfam tổ chức, nhằm thông qua báo chí, góp thêm tiếng nói từ những người dân đang phải gánh chịu các bất thường của thời tiết, đến các nguyên thủ quốc gia, các nhà lập pháp, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đây là một trong số các bài viết nhằm “góp thêm tiếng nói” đó.


180 năm qua, vùng ven biển huyện Kim Sơn, Ninh Bình cứ mỗi ngày một lấn dần ra biển. Lấn riết, giờ có thêm một huyện! Tuy nhiên, điều này có vẻ gì đó… chưa ổn lắm, bởi hiện nay gần như cả thế giới đang đối mặt với một vấn đề ngược lại với Kim Sơn: biển lấn. Thực tế là, trong khi vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang ngày càng toàn cầu hóa, các “chàng Sơn Tinh” ở dải đất này cũng ngày mỗi ngày một khó mưu sinh.

Nơi Nguyễn Công Trứ... “đẻ” đất

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cứ nhắc đi nhắc lại mãi rằng, cả cái huyện Kim Sơn (Ninh Bình) này là do cụ Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ “đẻ” ra. Mà thật vậy. Về Kim Sơn, hỏi dân ở đây ai cũng nhận rằng như thế. Có người bảo, thời cụ Trứ đã tiến hành 4 lần quai đê lấn biển. Có người bảo mới có 3. Nhưng tựu trung ai cũng nhận rằng, đất này ngày xưa là vùng bãi bồi cửa biển, nhờ năm 1829, Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức mộ đinh, khai khẩn, quai đê giữ đất rồi đặt nên huyện Kim Sơn. Tên giữ đến tận bây giờ.

Tên thì được giữ nguyên từ ngày ấy, nhưng đất Kim Sơn giờ khác lắm rồi. So với 180 năm trước, khi huyện Kim Sơn được “cấp giấy khai sinh”, bây giờ Kim Sơn đã rộng gấp 3 lần. Con cháu của Doanh điền sứ đã thêm 3 lần thực hiện quai đê lấn biển. “Chúng tôi về đây năm 1957-1958. Việc đầu tiên thực hiện là quai đê lấn biển. Làm nhiệt tình, hăng hái lắm. Tiểu đoàn thủy lợi của Nông trường Bình Minh toàn là quân chủ lực vừa mới hạ sao”, ông Trần Trung Đính, 82 tuổi, cựu sĩ quan bộ đội Cụ Hồ, nguyên Bí thư Đảng ủy Nông trường Bình Minh, “đương kim” lão ông của thị trấn Bình Minh, nhớ lại.

Lần quai đê mà ông Đính nhắc tới được hoàn thành vào năm 1959, 6 tháng sau khi khởi công. Kim Sơn được thêm 823ha đất, chiều dài khoảng 10km, lấn vòng cung ra biển theo hình lưỡi liềm. Lúc đó, toàn bộ đất mở mang, khai khẩn được thuộc về Nông trường Bình Minh. Bây giờ, Bình Minh là thị trấn.

“Là thị trấn đặc biệt nhất của cả nước, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của thị trấn chúng tôi vẫn do Công ty Nông nghiệp Bình Minh quản lý và khai thác. Thị trấn có 1.161 hộ, phần lớn người dân sống nhờ nông nghiệp. Công ty Nông nghiệp Bình Minh giao đất cho dân cấy sạ. Mỗi sào Bắc bộ (360m2) như vậy thu 50kg lúa” - ông Phạm Văn Nghiêm, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Minh, khái quát.

Theo ông Nghiêm, thị trấn Bình Minh mới bắt đầu trồng lúa được từ sau năm 1980, tức là mất khoảng 20 năm ngọt hóa kể từ khi những người lính “hạ sao” như ông Đính quai đê lấn biển thành công. Đất lấn biển là đất phù sa sông bồi đắp mà thành, nên khi ngọt hóa thành công, lúa trồng cứ xanh mướt mắt. “Ngày trước, nông dân ở đây hầu như chẳng phải bón phân cho lúa. Nước tưới cũng lấy từ biển. Trong con nước lên của thủy triều, những nông dân kinh nghiệm chọn lấy vùng nước đỏ, đục ngầu phù sa mà lấy. Đó là nước ngọt của sông” - ông Nghiêm kể.

Những câu chuyện của ông Nghiêm là có cơ sở. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Kim Sơn cùng với Hải Hậu (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) là những đơn vị đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha của đồng bằng Bắc bộ. Kinh tế nông nghiệp của Kim Sơn giữ vị trí quan trọng, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng lúa của tỉnh Ninh Bình, một trong những “vựa lúa” của đồng bằng sông Hồng. Đáng tiếc là, việc trồng lúa ở Bình Minh bây giờ không còn được như trước.

“Những năm gần đây nước mặn xâm nhập vào ngày một sâu hơn, nông dân huyện gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Các đợt triều lên cũng không còn tìm thấy những cơn sóng đỏ quạch phù sa để lấy nước tưới lúa như ngày trước. Chúng tôi thấy rất nhiều bất thường khác của thời tiết: thời gian chiếu sáng của nắng tăng, nhiệt độ tăng dần, mùa đông bớt, sâu bệnh gia tăng…”, Chủ tịch thị trấn Phạm Văn Nghiêm buồn bã nói.

Với một chủ tịch thị trấn như ông Nghiêm, trước các hiện tượng này, một câu hỏi tại sao có lẽ là quá khó. Chỉ có điều, với những người dân địa phương đang khốn đốn với bất thường của biển và trời, chuyện mùa màng - sinh kế, không hỏi chủ tịch, hỏi ai?

Đê Bình Minh 3 đang được các “Sơn Tinh” thời nay hối hả xây dựng, tiếp tục lấn biển ở Kim Sơn - Ninh Bình. Ảnh: VÂN HÀ

Đê Bình Minh 3 đang được các “Sơn Tinh” thời nay hối hả xây dựng, tiếp tục lấn biển ở Kim Sơn - Ninh Bình. Ảnh: VÂN HÀ

Biển và bờ

Theo các nhà khoa học, dù Kim Sơn, Ninh Bình là một vùng đất đặc biệt, dù sự bồi tụ hàng năm của sông Càn và sông Đáy vẫn giúp nơi đây lấn ra biển 80-100m mỗi năm, nhưng ở chiều hướng ngược lại, sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng vẫn khiến nước biển “tấn công” vùng đất này theo chiều ngược lại. Đặc biệt, do là một vùng đất thấp ven biển, Kim Sơn nằm trong các khu vực dễ bị tổn thương, ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu.

TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhận định: “Tại khu vực ven biển nước ta đang có hàng loạt vấn đề cần được giải quyết như thiên tai có nguồn gốc biển (bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường…), ngập lụt, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn, ô nhiễm và suy thoái môi trường… Theo nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới, biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ làm trầm trọng các vấn đề trên”.

Một vấn đề quan trọng khác là nước biển, theo tính toán của các nhà khoa học, có thể dâng tới cả mét trong vòng 100 năm nữa. Mà cần gì tới 1m, chỉ cần 40-70cm là nếu không có đê, cả vùng đồng bằng rộng lớn của Kim Sơn sẽ chìm trong nước. Mà cũng chẳng riêng gì Kim Sơn, các chuyên gia có nhiều kịch bản khác nhau, nhưng nếu mực nước biển dâng 1m, dự báo “bèo bèo” thì Việt Nam cũng có thể có hơn 5% diện tích bị chìm trong nước, làm ảnh hưởng đến 11% dân số, 7% sản lượng nông nghiệp và làm giảm 10% GDP.

Theo các chuyên gia nước ngoài, nếu sử dụng số liệu địa hình số để mô phỏng ngập lụt do nước biển dâng 1m, thì đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mekong là 2 khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Các kết quả mô phỏng của Viện Nghiên cứu quản lý biển sử dụng mô hình số độ cao cũng cho kết quả tương tự. Và vì vậy, vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, “cuộc chiến” giữa biển và bờ đã là cuộc chiến của thế giới, của quốc gia…

Nhưng, khi các nhà khoa học nói về những biến đổi của thời tiết ở tầm vĩ mô như vậy, khi ở Copenhagen, Đan Mạch, các đoàn đại biểu đến từ 192 quốc gia và hơn 110 nhà lãnh đạo trên thế giới bắt đầu Hội nghị cấp cao LHQ về biến đổi khí hậu, thì ở vùng biển Kim Sơn, cuộc chiến giữa biển và bờ vẫn tiếp diễn, theo cách cha ông đã làm từ gần 200 năm trước. Lần này, sau khi đã lấn biển thành công với đê Bình Minh 1 để tạo nên thị trấn, sau khi, gần 20 năm trước quân đội lại giúp dân lấn biển thành công lần thứ 2 với đê Bình Minh 2 để tạo nên 3 xã Kim Đông, Kim Hải, Kim Chung, một con đê Bình Minh 3 lại đang hối hả được xây dựng…

Trên thế giới, “Thủy Tinh” đang gầm gừ dâng nước. Ở vùng đất thấp và nhỏ của huyện Kim Sơn này, các “Sơn Tinh” liệu có an cư lạc nghiệp với những vùng đất mới được nữa chăng?

Khi chúng tôi đến vùng lấn biển nhiều nhất Việt Nam này, đồng bằng Bắc bộ đang gặp một cơn đại hạn. Theo các chuyên gia, hơn 100 năm qua, khu vực này mới có một lần hạn hán lớn thế này. Nguyên nhân, theo họ, một phần do biến đổi khí hậu và những bất thường của thời tiết hiện nay.

Còn tại địa phương, ông Đinh Văn Đức, Phó Chánh văn phòng Sở NN-PTNT Ninh Bình, cho biết: “Trong những năm gần đây, tại Ninh Bình các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, ngập úng xói lở xâm nhập mặn có dấu hiệu gia tăng. Các sự khác thường của thời tiết đã làm mùa mưa bão có chiều hướng đến sớm và kết thúc muộn hơn. Nắng nóng kéo dài làm xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa, sứa rêu làm môi trường ô nhiễm… khiến các đầm nuôi tôm sú bị chết hàng loạt”.

Trong cái xu thế chung đáng buồn ấy, nhiều người dân ở dải đất “Sơn Tinh” mà chúng tôi gặp, nét khắc khổ hằn rõ trên khuôn mặt. Năm nay, lúa, cói, tôm đều bại nhiều hơn thắng…

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục