Phản hồi loạt bài Sạt lở - Người dân “sống trong sợ hãi”: Tái định cư… trên giấy!

Báo SGGP số ra các ngày 16, 17 và 18-7, đăng loạt bài Sạt lở - Người dân “sống trong sợ hãi” phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên nhiều tuyến sông, gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân ở TPHCM. Phản ứng rõ nhất của đa số hộ dân khi chúng tôi trở lại những khu vực này là: mong được sống ở những ngôi nhà an toàn và ổn định. Thế nhưng hiện nay, các dự án di dời, bố trí tái định cư cho người dân có nhà tại những khu vực có nguy cơ sạt lở vẫn còn nằm trên giấy.
Phản hồi loạt bài Sạt lở - Người dân “sống trong sợ hãi”: Tái định cư… trên giấy!

Báo SGGP số ra các ngày 16, 17 và 18-7, đăng loạt bài Sạt lở - Người dân “sống trong sợ hãi” phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép trên nhiều tuyến sông, gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng ngàn người dân ở TPHCM. Phản ứng rõ nhất của đa số hộ dân khi chúng tôi trở lại những khu vực này là: mong được sống ở những ngôi nhà an toàn và ổn định. Thế nhưng hiện nay, các dự án di dời, bố trí tái định cư cho người dân có nhà tại những khu vực có nguy cơ sạt lở vẫn còn nằm trên giấy.

Do tốc độ sạt lở nhanh, ngôi biệt thự này chỉ còn cách bờ sông chưa đầy 3m.

Do tốc độ sạt lở nhanh, ngôi biệt thự này chỉ còn cách bờ sông chưa đầy 3m.

Trở lại khu vực ấp 1 (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), nơi vừa xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi 5 căn nhà với diện tích hơn 600m² xuống sông, khiến người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Điều người dân mong mỏi nhất hiện nay là các dự án bố trí tái định cư cho các hộ có nguy cơ sạt lở sớm được triển khai để người dân di dời…

Qua khảo sát của UBND huyện Nhà Bè, trên địa bàn huyện có 418 hộ dân đang sinh sống gần bờ sông có nguy cơ sạt lở cao, buộc phải di dời khẩn cấp từ nhiều năm nay.

Phó ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Nhà Bè, ông Vũ Minh Châu cho biết, 418 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp là những trường hợp nhà dân nằm cách mé sông chỉ vài mét. Còn nếu áp dụng theo Quyết định 150 của UBND TPHCM (ban hành từ năm 2004 về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch địa bàn TPHCM) quy định hàng lang an toàn cách bờ sông từ 20-50m thì số hộ buộc phải di dời còn nhiều hơn gấp bội.

Theo ông Châu, các dự án bố trí tái định cư cho 418 hộ dân nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn huyện Nhà Bè đã có chủ trương triển khai hơn 4 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào hoàn thành. Ngay như gần cả chục hộ dân (37 nhân khẩu) tại ấp 1, xã Nhơn Đức bị mất nhà trong đợt sạt lở vừa qua, chính quyền địa phương cũng chỉ có phương án giải quyết tạm thời, hỗ trợ tiền để các hộ này tìm thuê nhà trọ ở tạm… chờ các dự án bố trí tái định cư hoàn thành.
 
Đáng lưu ý là UBND TPHCM đã phân cấp cho UBND huyện Nhà Bè thực hiện 2 dự án xây dựng khu di dời hộ dân ven sông bị sạt lở trên địa bàn huyện để bố trí tái định cư cho các hộ nguy cơ sạt lở cao.

Cụ thể, dự án xây dựng khu di dời tại xã Long Thới với diện tích 3,86 ha (dự kiến bố trí cho 118 hộ) và dự án xây dựng khu di dời tại xã Phước Lộc với diện tích 10,25 ha (bố trí cho 300 hộ).

Thế nhưng, gần 2 năm qua, kể từ khi TP phân cấp, các dự án di dời hộ dân có nguy cơ sạt lở cao vẫn còn… nằm trên giấy, đang trong giai đoạn khảo sát và thiết kế bản vẽ.

Mới đây, tháng 6-2009, UBND huyện Nhà Bè đã chấp thuận chủ trương giao lại 2 dự án trên cho Công ty cổ phần địa ốc Lam Giang và Trung tâm phát triển quỹ đất TP đầu tư thực hiện với mục đích chuyển nhượng quỹ nền đất đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho huyện phục vụ tái định cư theo giá bảo toàn vốn.

Hiện 2 dự án này đã tạm dừng chờ bàn giao từ Ban quản lý dự án huyện Nhà Bè sang các đơn vị nói trên và cũng chưa biết khi nào dự án được khởi công… Hàng ngàn người dân tiếp tục “sống trong sợ hãi” vì chưa biết về đâu.

 

53km bờ sông có nguy cơ sạt lở cao

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TPHCM, trên địa bàn TP có 62 điểm có nguy cơ sạt lở cao với 53km có nguy cơ “nhảy” sông bất cứ lúc nào. Tình hình sạt lở được nhận định ngày càng diễn biến phức tạp, sạt lở trên diện rộng, tập trung tại các quận, huyện như quận 8, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức; huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi.

Trong đó, huyện Nhà Bè có đến 26 vị trí có nguy cơ sạt lở, được xem là huyện “nóng” nhất về sạt lở hiện nay; tiếp đến là quận 9 có 9 điểm sạt lở kéo dài trên 18km bờ sông, rạch; huyện Cần Giờ có 11 điểm; quận Bình Thạnh có 10 điểm… với cấp độ sạt lở từ 5m đến hơn 10m chiều ngang.  

LÊ LONG

Sạt lở - Người dân “sống trong sợ hãi”
>> Bài 1: Tận diệt lòng sông
>> Bài 2: Sổ đỏ còn, đất đã trôi sông
>> Bài 3: Chống sạt lở - Công trình cấp bách, triển khai cầm chừng!

Tin cùng chuyên mục