Thừa Thiên - Huế: “Máu rừng” âm ỉ chảy

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bị đốt phá một cách không thương tiếc để khai thác gỗ “xóa nhà tạm” hoặc biến thành rừng trồng của tư nhân. Một bộ phận khác lén lút khai thác gỗ ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đến nay, có xã ở Nam Đông không còn rừng tự nhiên.
Thừa Thiên - Huế: “Máu rừng” âm ỉ chảy

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bị đốt phá một cách không thương tiếc để khai thác gỗ “xóa nhà tạm” hoặc biến thành rừng trồng của tư nhân. Một bộ phận khác lén lút khai thác gỗ ở rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Đến nay, có xã ở Nam Đông không còn rừng tự nhiên.

Tan hoang rừng phòng hộ

Từ trung tâm xã đi đường 74 đến khe Ba Xoa, lần lên đỉnh núi La Ngà, chúng tôi đến được rừng phòng hộ đầu nguồn ở xã Hương Sơn. Dọc con đường xuyên từ chân núi đến đỉnh núi La Ngà in hằn từng vệt mòn do thường xuyên vận chuyển gỗ, đây đó ngổn ngang những cây gỗ nằm cheo leo trên khoảng rộng đất rừng bị chặt đốt. Trên đỉnh núi La Ngà, hàng chục hécta rừng bị tận diệt không thương tiếc, thay vào đó là cây keo dại. Những cây gỗ lớn bị đốn hạ chưa kịp vận chuyển còn nằm ngổn ngang, có thân cây 2 người ôm không hết. Án ngữ ngay trên đỉnh núi La Ngà là lán trại của những gia đình bấy lâu phát rừng làm rẫy. Ông A Viết Bột, thôn A Mứt, xã Hương Sơn, cho biết: Ngày nào họ cũng dùng trâu kéo gỗ từ đỉnh núi La Ngà xuống tập kết ở khu vực sông suối. Ban đêm dùng trâu vận chuyển gỗ về nhà để tránh lực lượng kiểm lâm. Chính vì vậy rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp dần.

Thừa Thiên - Huế: “Máu rừng” âm ỉ chảy ảnh 1

Gỗ được tập kết dưới chân núi xã Thượng Nhật trước khi chuyển về xuôi

Không riêng tại núi La Ngà, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở các xã Thượng Quảng, Hương Hữu, Thượng Lộ… của huyện Nam Đông cũng đang bị tàn phá nặng nề suốt ngày đêm. Ông Nguyễn Thanh Phia, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật, cho biết, người dân đang lén lút khai thác rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Bạch Mã ở thượng nguồn sông Tả Trạch (giáp với Quảng Nam), sau đó tập kết gỗ về theo các sông suối. Còn ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thượng Long, cho hay: “Xã có 8 thôn, thôn nào cũng có người chuyên đi khai thác gỗ. Trong đó, có 5 xưởng mộc chuyên thu mua gỗ. Hiện những lâm tặc đang ngày đêm khai thác gỗ tại Tiểu khu 407, sau đó vận chuyển về bán cho các đầu nậu”. Tiểu khu 371 rừng phòng hộ ở Phú Mậu, Lò Than của xã Hương Phú cũng đang bị người dân chặt hạ lấn chiếm từng ngày, mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét.

Trên địa bàn huyện Nam Đông còn có Công ty TNHH Long Phụng chuyên khai thác gỗ hơn 20 năm qua, với số lượng khai thác gỗ mỗi năm rất lớn. Vào thời điểm mưa lũ liên tục như hiện nay, bãi tập kết gỗ của đơn vị này tại xã Thượng Nhật vẫn ngổn ngang hàng trăm mét khối gỗ tròn chưa kịp vận chuyển về xuôi. Một số người dân tại đây cho biết: “Khai thác kiểu này thì bao nhiêu gỗ tốt trên rừng cũng hết”. Hiện Công ty Long Phụng đang mở đường khai thác gỗ ở Tiểu khu 300 (xã Thượng Quảng) và Tiểu khu 409 (xã Thượng Long), khiến ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thượng Long, bức xúc: “Dân chặt một khúc gỗ thì bị bắt, còn Công ty Long Phụng khai thác ồ ạt gỗ rừng hàng chục năm qua, không sao. Hỏi rừng còn đâu”. (!)

Do đâu?

Người dân và lâm tặc đua nhau phá rừng vì được sự “bảo hộ” của dự án phát triển rừng cộng đồng, xóa đói giảm nghèo cho 40 xã miền núi đặc biệt khó khăn. Chỉ riêng xã Hương Sơn, từ 2008 đến 2012, được phép khai thác 545m3 gỗ. Ông Hồ Ánh Liên, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, cho biết: “176,2 ha rừng trong dự án thí điểm của Bộ NN-PTNT đối với xã Hương Sơn được giao cho hai thôn Ca Giăng và La Hia khai thác theo kiểu cộng đồng, chuyển thành rừng trồng, rừng sản xuất. Còn rừng khu vực khe Ba Xoa, thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông (BQLRPH Nam Đông). Vừa qua, BQLRPH Nam Đông đã giao đất rừng cho người dân theo Quyết định số 111/QĐ-UBND của UBND tỉnh, mục đích là để bảo vệ khu vực rừng phòng hộ trên tuyến đường 74, thuộc xã Hương Sơn. Chính vì thế phần lớn diện tích rừng phòng hộ ở đây đã biến thành rừng kinh tế”.

Thừa Thiên - Huế có tới 46 xã miền núi sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, đất rừng để phát triển kinh tế. Nhờ giao đất, giao rừng mà đời sống của đồng bào các dân tộc đã thay đổi; quản lý, bảo vệ và trồng rừng tốt hơn. Mới đây nhất, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 2.599 ha đất rừng của các đơn vị như BQLRPH Nam Đông, Ban Quản lý rừng Hương Thủy trả lại các địa phương để giao đất cho dân trồng rừng. Tuy nhiên, việc giao đất, giao rừng một cách ồ ạt, quản lý lỏng lẻo như vậy đã khiến rừng bị tàn phá nặng nề. Đó cũng là nguyên nhân lũ lụt ngày một nặng hơn.

Gỗ rừng vẫn tuồn về xuôi

Trong những ngày ở lại Nam Đông, chúng tôi bắt gặp nhiều đoàn xe chở gỗ về xuôi. Rất nhiều đầu nậu có mặt ở đây gom hàng. Một đầu nậu gỗ cho biết, ở đây chủ yếu là gỗ lim, kiền, gõ, đào… nên luôn được thị trường ưa chuộng. Người dân khai thác về giấu trong nhà, đêm đến mới chuyển đi, bất chấp chuyện ra khỏi huyện Nam Đông chỉ có một con đường độc đạo (tỉnh lộ 14) với hơn 4 trạm chốt của các đơn vị kiểm lâm.

Huyện Nam Đông có diện tích rừng tự nhiên 45.181 ha, tập trung ở các xã Thượng Quảng, Thượng Nhật, Hương Sơn… Trong đó BQL rừng phòng hộ Nam Đông quản lý 17.599 ha; huyện quản lý 17.055 ha. Bên cạnh đó nhiều diện tích rừng được giao cho cộng đồng và người dân quản lý.

Ông Cao Ngọc Thành,Trưởng Bộ phận Pháp chế Hạt Kiểm lâm Nam Đông, cho biết: 9 tháng đầu năm 2010, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 28 vụ vi phạm rừng, thu gần 32m3 gỗ các loại, xử lý hình sự một vụ vận chuyển lâm sản trái phép tái phạm... “Đúng là có tình trạng người dân khai thác rừng trái phép. Tuy nhiên diện tích rừng bị khai thác trái phép bao nhiêu, chưa thống kê được. Để tạo điều kiện cho các cán bộ ở xa đến huyện công tác, mỗi người được cấp phép khai thác 5m3 gỗ làm nhà”, ông Thành nói. Cũng chính vì việc cấp phép vận chuyển không có thời gian, thời điểm cụ thể nên rất nhiều người lợi dụng giấy cấp phép đó tuồn gỗ lậu về xuôi. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cánh rừng đầu nguồn ở Nam Đông bị chặt phá tả tơi.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng rừng bị phá, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho hay: “Hiện toàn huyện có 4.300ha rừng trồng (chưa tính cao su). Nhờ vậy đời sống người dân được nâng cao rõ rệt…”. Về việc người dân phá rừng, ông Chiến lại khẳng định: “Chuyện này trước đây rộ lên rất nhiều, nay chỉ có một số ít “lâm tặc” và người dân lén lút khai thác thôi...”(?).

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục