Những làng ô nhiễm tại TPHCM - Sát thủ thầm lặng

Khói, bụi đen trời
Những làng ô nhiễm tại TPHCM - Sát thủ thầm lặng

Tránh khu dân cư đông đúc, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất gây ô nhiễm tìm ra khu vực ngoại thành, hẻo lánh. Thế nhưng, tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với chủ trương giãn dân ra ngoại thành khiến các khu vực ngoại thành cũng dần trở nên đông đúc. Đến lúc này, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của DN đã trở thành “sát thủ” âm thầm gây hại sức khỏe của người dân.

Khói độc phát sinh từ việc đốt chất thải nguy hại tại phường Long Bình, quận 9.

Khói độc phát sinh từ việc đốt chất thải nguy hại tại phường Long Bình, quận 9.

Khói, bụi đen trời

Phường Long Bình, quận 9 tập trung rất nhiều lò gạch thủ công, đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người đi đường và những hộ dân sống ở đây. Hàng ngày, những cột khói đen kịt, cuồn cuộn được xả ra và bụi trùm khắp khu phố. Những mái nhà, cây cối xung quanh lò gạch đều nhuộm một màu đen. Dọc theo đường Nguyễn Xiển, đường số 11, khu vực cầu Ông Tán (phường Long Bình), ấp Giãn Dân (phường Long Thạnh Mỹ), hàng chục lò gạch cũng đang thi nhau “nhả” khói. Tất cả các lò gạch này xây dựng theo công nghệ cũ, khí thải phát ra đậm đặc khiến người dân luôn sống trong môi trường ô nhiễm nặng nề. Không chỉ vậy, con đường xung quanh các lò gạch còn rơi vãi từng đống đất lớn khi các xe tải chở đất đến các lò. Nhiều rác thải, xà bần từ các lò gạch được đổ bịt kín nhiều đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Xiển. Mọi người qua lại con đường này đều phải lấy tay che miệng, bịt mũi. Chưa hết, người dân ấp Thái Bình 1 còn phải ngày ngày hít thêm khói, bụi tro đen đặc quánh của nhà máy sản xuất xi măng và nhựa nóng nằm trong khu cảng sát đường Nguyễn Xiển.

Cô Lê Thị Lụa, nhà ở phường Long Bình cho biết, mỗi khi các lò gạch đồng loạt hoạt động thì những nhà xung quanh phải đóng cửa để tránh khói. Chủ một số lò gạch dùng vỏ hạt điều, củi tạp, dầu cặn để đốt lò nên khói đen bốc lên cao, gây khó thở. Những nhà có trẻ em phải đi ở nhờ nơi khác. Vào những tháng gạch được giá, hàng chục lò hoạt động hết công suất khiến khói đen bao trùm phố phường, mùi khét lẹt như cao su, có lúc lại hăng hăng như mạt cưa, ngửi muốn đau đầu. “Gần đây, các lò gạch chuyển sang dùng vật liệu đốt giống như nhựa tái sinh. Khi đốt, vật liệu này cháy rất lâu và tỏa ra mùi hôi nồng nặc đến khó thở. Sống trong tình trạng này đã mấy chục năm nay, cửa luôn đóng mà cơm ăn, nước uống vẫn chan bụi”, chị Nguyễn Thị Tươi bức xúc.

Lục bình cũng... chết

Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh. Khu này hình thành từ năm 2000 với mục tiêu tiếp nhận những DN sản xuất gây ô nhiễm từ khu vực nội thành ra ngoài. Nhưng từ khi KCN đi vào hoạt động, toàn bộ người dân ở đây phải sống chung với môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Tâm điểm của ô nhiễm rơi vào phía Nam tỉnh lộ 10 thuộc các xã Phạm Văn Hai, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân...

Dòng kênh A ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) nước đen, nổi bọt. Ảnh: Đức Thành

Dòng kênh A ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) nước đen, nổi bọt. Ảnh: Đức Thành

Khu vực này rộng hàng ngàn hécta, với nhiều hệ thống kênh thủy lợi nội đồng đan xen và liên thông. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cống xả nước nằm trong KCN Lê Minh Xuân, dòng nước nâu đen, lợn cợn hàng tá chất dơ bẩn... cuồn cuộn chảy ra các kênh thủy lợi nội đồng rồi chảy đi khắp nơi.

Ông Trần Văn Năm, ở ấp 1, xã Tân Nhựt sinh sống gần 20 năm bên dòng kênh B bộc bạch, hiện chúng tôi không dám dùng nước ở kênh này để sinh hoạt mà chỉ dùng để tưới… rau! Chị Nguyễn Thị Sinh ở ấp 5, xã Lê Minh Xuân kể, trước kia, khi chưa có KCN Lê Minh Xuân nước kênh trong xanh, người dân bắt cá, tôm mỗi ngày. Nhưng giờ các kênh này, nước trở màu đen hôi thối không chịu nổi. Vào mùa khô, nước đen đặc quẹo đến lục bình cũng chết. Người dân ở đây rất khổ vì trồng cây gì hay nuôi con gì cũng không được. Thậm chí có người khi xuống các kênh rạch mò cua, bắt ốc, đến khi lên bờ người cứ đỏ tấy cả lên và ngày càng lở loét.

Câu chuyện ô nhiễm không dừng lại ở đó. Cách đây 2 năm, người dân một phen hú vía vì bỗng dưng lá cây dọc kênh dẫn chất thải của KCN Lê Minh Xuân bị bạc màu. Nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa được xác định và chuyện ô nhiễm trên dường như cũng đã chìm xuồng. Điều đáng nói cho đến nay, những người dân tại đây vẫn tiếp tục phải hứng chịu chất thải ô nhiễm phát sinh từ hoạt động sản xuất của KCN và cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân. Người dân cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị những tình trạng cũng không có gì thay đổi.

Kiến nghị - chuyện cũ nói mãi

Bức xúc trước thực tế nhiều người dân đang phải sống chung với chất thải, Tổng Lãnh sự quán Pháp và người dân phường Long Bình quận 9 gửi đơn thư kêu cứu đến cơ quan chức năng. Thế nhưng, cho đến nay tình trạng ô nhiễm khu vực này chưa thấy cải thiện.

Bà Trương Thị Bé, chủ quán giải khát trên đường Nguyễn Xiển kể, trong khi chờ cơ quan chức năng can thiệp, nhiều người dân đã tự cứu mình bằng cách đứng ra cản đường không cho xe tải chạy. Người dân yêu cầu các chủ lò gạch tưới nước để chống bụi bay vào nhà, nhưng rồi đâu lại vào đấy. “Hiện chúng tôi chỉ còn biết giăng bạt, treo màn, đóng cửa để chống bụi” - bà Bé cho biết.

PGS-TS Lê Thanh Hải, Viện Tài nguyên và Môi trường khẳng định, chất thải tại phường Long Bình quận 9 như sát thủ thầm lặng. Nó sẽ giết dần, giết mòn sức khỏe người dân nếu không được khắc phục ngay. Những chất thải nguy hại bao gồm như kim loại nặng, chì, bazơ, axít, HCl… hòa tan cùng nước mưa thấm vào đất, nguồn nước ngầm tầng nông, gây tích lũy độc tố mà vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm cũng không xử lý hết được. Riêng những chất thải bị đốt, tạo khí độc nếu người dân hít phải rất có thể sinh ra các bệnh như ung thư, thai nhi dị tật và các bệnh đường hô hấp.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục