Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Trật tự lòng lề đường chưa thông

Chung tay xây dựng văn minh đô thị - Trật tự lòng lề đường chưa thông

Việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là một trong những nội dung quan trọng được Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị đề ra để tập trung giải quyết. Thế nhưng, đến thời điểm này, trật tự lòng lề đường tại TPHCM chưa chuyển biến tốt hơn...

Đường mẫu chưa mẫu mực

Minh chứng cho quyết tâm lập lại trật tự lòng lề đường tại TPHCM, Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị TP đã chọn 15 tuyến đường để xây dựng tuyến đường văn minh đô thị cấp TP, 63 tuyến đường để xây dựng tuyến đường văn minh cấp quận. Tiêu chí đầu tiên của những tuyến đường mẫu này là phải đạt chuẩn trật tự, vệ sinh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định hầu hết các tuyến này đều… không trật tự. Lề đường vẫn  chiếm dụng để buôn bán, để xe. Nếu như trước đây, tình trạng trên được “đổ lỗi” là do “lô cốt” án ngữ quá nhiều, đến thời điểm này số lô cốt đã giảm đáng kể nhưng tình trạng lòng lề đường bị chiếm dụng vẫn cứ diễn ra.

Tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường làm ảnh hưởng an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Ảnh: LÃ TUẤN ANH

Tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường làm ảnh hưởng an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Ảnh: LÃ TUẤN ANH

Chưa kể, tại những điểm nóng về chiếm dụng lòng lề đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán như tuyến đường Lý Thái Tổ, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Chí Thanh (quận 10), Cô Giang, Cô Bắc… (quận 1), công tác kiểm tra, xử phạt giống như… bắt cóc bỏ dĩa.
 
Tháng 10-2008, UBND TPHCM đã ban hành quyết định số 74 cho phép các địa phương quy hoạch sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để tổ chức giữ xe, kinh doanh buôn bán.

Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng gồm: Sở GTVT, Công an TPHCM đã phối hợp với các quận - huyện quy hoạch được 160 tuyến đường cho phép tổ chức giữ xe có thu phí; 110 tuyến đường cho phép kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa; 72 tuyến đường được đậu xe có thu phí…

Do chỗ để xe tại khu vực trung tâm thành phố quá khan hiếm, quyết định này được xem giải pháp tình thế nhằm lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè. Thế nhưng, sau gần 2 năm quyết định này ban hành, các quy hoạch trên vẫn chưa triển khai.

Nguyên nhân là do TPHCM vẫn chưa ban hành được mức thu phí đất công nên các địa phương chưa có cơ sở để triển khai thực hiện. Tại một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính TP khẩn trương xây dựng mức phí  để trình UBND TP. Tuy nhiên, quy định này cũng đang phải chờ xem xét tại kỳ họp HĐND TP thứ 19, khóa VII, dự kiến tổ chức vào tháng 8 tới.
 
Xe tăng, đường không nở
 
Trong khi giải pháp tạm thời vẫn đang triển khai ì ạch thì tình trạng xe tăng mà đường không nở đã khiến địa phương “đau đầu” về chuyện “quản” lòng lề đường.

Ông Thái Đức Độ, Chánh Thanh tra Xây dựng quận 1 cho biết: Nếu như năm 2005, UBND TPHCM cho phép UBND quận 1 quy hoạch thí điểm 5 tuyến đường để tổ chức đậu xe có thu phí dưới lòng đường thì nay đã tăng lên 33 tuyến đường nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

“Có quá nhiều nhà cao tầng tập trung tại khu vực trung tâm TP nhưng diện tích để xe không đảm bảo. Có những cao ốc cao vài chục tầng nhưng chỗ để xe chỉ một tầng, không đủ chỗ phục vụ người làm việc, cư ngụ trong tòa nhà đó chứ chưa nói đến chỗ để xe cho khách”, ông Độ nói.
 
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (Công an TPHCM) cảnh báo: Tính đến tháng 6-2010, lượng xe ô tô các loại trên địa bàn TPHCM là 426.956 xe và lượng xe mô tô, gắn máy là 4.276.000 xe; bình quân mỗi tháng tăng 21.300 xe gắn máy và 2.500 xe ô tô, trong khi đó diện tích mặt đường không nở ra.

“Đáng ngại nhất là sự gia tăng xe ô tô cá nhân quá nhanh. Với tốc độ xe ô tô tăng như hiện nay, chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới vì diện tích mặt đường không thể nào dung nạp nổi. Đã có những tuyến đường hiện nay thường xuyên bị ùn tắc xe ô tô - thượng tá Vân khẳng định.

ĐÔNG ANH

Tin cùng chuyên mục