TPHCM - Những công trình trọng điểm: Biến rác thành vàng

Biến rác thành vàng. Đó là những gì mà UBND TPHCM đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm thay đổi nhận thức của người dân về rác. Theo đó, hiện rác đã trở thành nguồn nguyên liệu có tính cạnh tranh cao. Nhiều doanh nghiệp dù rất muốn đầu tư vào xử lý rác thải, tái chế rác thành sản phẩm có ích nhưng phải xếp hàng chờ đến lượt vì nguồn nguyên liệu rác đã hết.
TPHCM - Những công trình trọng điểm: Biến rác thành vàng

Biến rác thành vàng. Đó là những gì mà UBND TPHCM đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm thay đổi nhận thức của người dân về rác. Theo đó, hiện rác đã trở thành nguồn nguyên liệu có tính cạnh tranh cao. Nhiều doanh nghiệp dù rất muốn đầu tư vào xử lý rác thải, tái chế rác thành sản phẩm có ích nhưng phải xếp hàng chờ đến lượt vì nguồn nguyên liệu rác đã hết.

  • Mở cửa mời đầu tư

Để có thể giải quyết vấn nạn rác đô thị, ngay từ năm 1999, UBND TPHCM đã mở của kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác đô thị. Vào thời điểm đó không ít nhà đầu tư đã đến TP tìm hiểu. Tuy nhiên, rất ít nhà đầu tư chịu ở lại do họ cho rằng rác của TP quá bẩn, khó tái chế. Mãi đến năm 2003, còn 2 đơn vị là Công ty cổ phần Vietstar và Công ty TNHH Xử lý rác Việt Nam (VWS) chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác. Mọi thủ tục đầu tư đã được xúc tiến. Tuy nhiên, phải đến năm 2007 - đối với dự án đầu tư của VWS và năm 2009 - đối với dự án Công ty cổ phần Vietstar mới đi vào hoạt động.

Một góc khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Bình Chánh.Ảnh: CAO THĂNG
Một góc khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Bình Chánh.Ảnh: CAO THĂNG

Từ tiền đề này đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền, khuyến khích các nhà đầu tư khác rót vốn vào lĩnh vực xử lý chất thải. Tính đến nay đã có 8 dự án đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư liên hệ với sở để xin phép đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, tất cả đều phải xếp hàng chờ vì khối lượng rác từ nay đến hết 2015 đã được giao đủ cho các nhà đầu tư hiện hữu. Cụ thể, VWS 3.000 tấn/ngày, Công ty cổ phần Vietstar 1.200 tấn/ngày, Công ty Thành Công 500 tấn/ngày, Công ty Tâm Sinh Nghĩa 1.000 tấn/ngày và Công ty Môi trường đô thị 1.800 tấn/ngày.

Định hướng lâu dài của TPHCM, phát triển nhanh về kinh tế nhưng phải bền vững. Trong đó, yếu tố bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Do vậy, trong kế hoạch bảo vệ môi trường, nhất thiết phải từng bước đổi mới công nghệ xử lý rác thải, biến rác thải thành nguồn tài nguyên cần khai thác, tái chế, tái sử dụng nhằm giảm diện tích đất sử dụng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính… Theo kế hoạch đến năm 2020, công nghệ xử lý rác phải đạt tỷ lệ 40% chôn lấp hợp vệ sinh, 10% đốt, 40% làm phân compost và 10% tái chế và tái sử dụng.

  • Những hạt sạn

Ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh, nhìn chung về xử lý rác thải đô thị của TPHCM đến năm 2015 đã tạm ổn. Tuy nhiên, phải thấy rằng hiện công nghệ xử lý vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Việc áp dụng công nghệ phải phụ thuộc hoàn cảnh kinh tế của từng địa phương. Với nước ta, hoàn cảnh kinh tế còn nghèo, đất rộng thì công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh hơn. Còn những nước phát triển, công nghệ đốt rác hoặc công nghệ xử lý rác hiện đại sẽ nhiều hơn. Chính vì thế, mục tiêu TP đưa ra đến năm 2020 là còn 40% khối lượng rác phải chôn lấp.

Không chỉ vậy, xung quanh các dự án xử lý rác đang hoạt động vẫn còn nhiều bất cập. Ông Davis Dương, Tổng giám đốc VWS cho biết, dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2007, nhưng vành đai cây xanh cách ly chưa có. Hiện đang có những nhà dân nằm ngay cạnh bãi chôn lấp rác, rất nguy hiểm.

Tương tự, bà Poldi Gerad, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vietstar cho biết thêm, do thiếu vành đai cây xanh cách ly 300m quanh nhà máy nên hoạt động của công ty đang ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại đây. Hiện còn vài trăm hộ gia đình đang sống trong vành đai này. Công ty đang nỗ lực hoàn thiện các hạng mục hạ tầng còn lại. Thế nhưng, dù các hạng mục công trình có hoàn thiện, nhưng chưa di dời các hộ dân ra khỏi khu vực cách ly nên rất khó khăn cho hoạt động của công ty cũng như đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe cho người dân sống quanh dự án.

Hạt sạn lớn nhất hiện TP chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả là vấn đề xử lý chất thải nguy hại. Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, TP có gần 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Khối lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 600 tấn/ngày, nhưng tổng công suất xử lý chất thải nguy hại của các đơn vị tư nhân 30 tấn/ngày.

Trước thực tế đó, sở đã yêu cầu Công ty Môi trường đô thị TPHCM đầu tư nhà máy xử lý chất thải công suất 21 tấn ngày. Điều đáng nói, dù công trình này được khởi công từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Mặt khác, TP chưa có bãi chôn lấp an toàn nào dành cho loại chất thải này. Lý giải thực tế trên, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP cho biết, bãi chôn lấp chất thải nguy hại hiện công ty đang đề xuất UBND TP nhưng chưa được phê duyệt.

Thiếu đơn vị đủ năng lực xử lý và hạ tầng tiếp nhận loại chất thải nguy hại này nên TP đứng trước nguy cơ ngập trong chất thải nguy hại. Chất thải này đang bị đổ bừa khắp nơi như bãi đất trống ngoại thành, trong khu dân cư, tại các bãi đất nông nghiệp… Còn các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cơn bão giá thu gom, xử lý chất thải nguy hại. Trung bình các đơn vị thu gom, xử lý là khoảng 4 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tấn chất thải nguy hại. Không ít doanh nghiệp do không kham nổi giá thành cao đành phải chuyển giao một phần chất thải, phần khác lén đổ trộm ra môi trường.

Những vấn nạn trên đây đặt ra cho TPHCM phải nhanh chóng có giải pháp hữu hiệu, mở rộng phạm vi xã hội hóa công tác xử lý chất thải để TP ngày càng xanh, sạch đẹp và phát triển bền vững

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục