Thực hiện nếp sống văn minh đô thị - Thành công khi người dân là chủ thể

Phối hợp giữa chính quyền và người dân: Chưa gặp nhau
Thực hiện nếp sống văn minh đô thị - Thành công khi người dân là chủ thể

Tiếp theo chương trình tuyên truyền “Chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị” do Báo SGGP tổ chức từ tháng 8 đến tháng 9-2010, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM đã thực hiện đợt giám sát sâu, rộng việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị (VMĐT) trên địa bàn TP. Đây là đợt giám sát mang tính toàn diện, từ quận, phường, khu phố đến địa bàn khu dân cư, nhất là ở các điểm nóng kém văn minh. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, về các vấn đề đặt ra sau chương trình giám sát dài hơi này. 

Nhiều vỉa hè của TPHCM đang được xanh hóa, khang trang hơn. Ảnh: Việt Dũng

Nhiều vỉa hè của TPHCM đang được xanh hóa, khang trang hơn. Ảnh: Việt Dũng

Phối hợp giữa chính quyền và người dân: Chưa gặp nhau

- PV: Thưa bà, chương trình giám sát thực hiện nếp sống VMĐT của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM lần này là cuộc “tổng rà soát”?

- Bà TRẦN THỊ NGỌC ANH: Sau đợt tuyên truyền “Chung tay xây dựng văn minh đô thị” do Báo SGGP tổ chức với đánh giá của các nhà khoa học, cùng với các đợt giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP về các vấn đề chung, chúng tôi cảm thấy hơi lo vì việc thực hiện nếp sống VMĐT tại TP chuyển động không bao nhiêu. Do vậy, từ tháng 8-2010 đến nay, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP tiến hành đợt giám sát tương đối dài hơi việc cụ thể hóa Nghị quyết số 39 năm 2009 của HĐND TP về việc tiếp tục vận động thực hiện nếp sống VMĐT trên địa bàn TP. 4 nội dung chính tập trung giám sát gồm: chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; giao tiếp ứng xử văn minh nơi công cộng; xây dựng mỹ quan đô thị, làm xanh – sạch – đẹp đường phố… tại các quận trung tâm 1, 3, 5.

- Bà có thể đưa ra nhận định về tình hình thực hiện cuộc vận động lớn này?

- 4 tuyến đường kiểu mẫu: Lê Lợi, Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ được giữ gìn tươm tất, sạch đẹp. Đối với quận 1, việc tuyên truyền cuộc vận động đã thành nếp, số lượng mảng xanh tăng 49% so với năm 2009; kết hợp với việc tổ chức các hoạt động lễ hội, nhiều khu vực trung tâm TP được trang hoàng đẹp hơn… Tuy nhiên, nếu nhìn nhận tổng thể, từ đầu năm đến nay cuộc vận động này có vẻ lắng xuống. Đặc biệt, việc vận động nhân dân không thực hiện 6 hành vi kém văn minh gồm: bán hàng rong trước cổng trường học; phát tờ rơi, sử dụng âm thanh quảng cáo quá lớn trên đường phố; xả rác, nước thải ra lòng lề đường; rải vàng mã trên đường phố; nói tục, chửi thề, phóng uế bừa bãi; chạy xe trên vỉa hè, dừng xe không đúng vạch quy định, lại triển khai quá chậm. Ngay tại 15 tuyến đường điểm nhiều nơi vẫn còn bát nháo, đậu xe mất trật tự (như một số đoạn đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Nguyễn Chí Thanh…). Ở những nơi đây sự phối hợp giữa chính quyền và người dân chưa gặp nhau.

Dừng xe đúng vạch là thể hiện nếp sống văn minh đô thị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dừng xe đúng vạch là thể hiện nếp sống văn minh đô thị. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Khu vực buôn bán bát nháo trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục được giám sát trong đợt này. Lần này, ban có đề ra “liều thuốc đặc trị” nào cho căn bệnh trầm kha nơi đây?

- Tình trạng buôn bán bát nháo gây mất trật tự trước Bệnh viện Chợ Rẫy qua các quận 5, 10, 11 ai cũng bức xúc. Lãnh đạo bệnh viện thời gian qua đã triển khai một số biện pháp như: đầu tư thêm các gian hàng phục vụ trong bệnh viện; lắp đặt máy nước nóng từng dãy lầu phục vụ bệnh nhân… Chính quyền, cơ quan mặt trận, đoàn thể cũng vào cuộc nhưng không làm chuyển biến được tình hình. Vì sao? Có nhiều nguyên nhân: áp lực về thân nhân người bệnh quá lớn; giá hàng hóa bán bên ngoài không phải chịu thuế, không phải kiểm tra chất lượng như hàng hóa trong bệnh viện nên giá thấp; đa phần hộ dân buôn bán là từ các tỉnh lên nên khó vận động, quản lý; việc kiểm tra xử phạt chỉ mang tính đẩy đuổi…

Từ đợt giám sát tại đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đã chỉ đạo các sở ngành chức năng nghiên cứu xây dựng các quầy bán hàng để đưa hàng hóa của Co.opMart (chương trình bình ổn giá) vào đây phục vụ; tăng cường mảng xanh cho khu vực nhằm nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh. Sở GTVT cũng được chỉ đạo di dời 2 trạm xe buýt tại khu vực này. Nếu các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, chúng tôi nghĩ môi trường, trật tự nơi đây sẽ được chuyển biến.

Nâng cao trách nhiệm Thường trực Ban chỉ đạo

- Trở lại vấn đề chung. Với hàng loạt vấn đề tồn tại như nói trên, điều gì khiến bà lo lắng nhất đối với cuộc vận động này?

- Đó là một số địa phương đã không còn mặn mà với cuộc vận động nên nhiều khu vực, tuyến đường không giữ được kết quả mà mình đã đạt. Song song đó là tình trạng tồn tại rác đọng trên các tuyến đường, khu dân cư, nhất là tại các gốc cây, miệng cống; việc kiểm tra, đánh giá mô hình “khu phố không rác” chưa đi vào chiều sâu…

- Bà nghĩ gì khi có nhận định một trong những nguyên nhân khiến cuộc vận động không mang lại kết quả như mong đợi vì Thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động thiếu quyết liệt?

- Chúng tôi cho rằng, thời gian qua, Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện nếp sống VMĐT làm việc thiếu sự phối hợp và mạnh sở nào sở đó làm, trong khi Kế hoạch số 974 của UBND TP ban hành tháng 3-2010 quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành, quận – huyện... Do vậy, để cuộc vận động đạt kết quả, chúng tôi cho rằng phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực Ban chỉ đạo. Ít nhất 3 tháng, Ban chỉ đạo phải họp sơ kết, đánh giá tình hình, đề xuất UBND TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Tôi đơn cử, từ đợt giám sát này, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều khó khăn của cơ sở như thiếu lực lượng làm công tác xử phạt; thu nhập của lực lượng thanh tra xây dựng dù đã được điều chỉnh vẫn còn thấp so với công việc ngày càng nhiều… Ngoài ra, các cấp, các ngành, địa phương phải kiên trì đeo bám. Nếu chỉ có chính quyền, mặt trận, đoàn thể mà không khơi gợi được ý thức người dân thì không thể nào thực hiện thành công. Chính người dân quyết định sự thành bại cuộc vận động này. Một điều quan trọng khác, theo tôi cần phải quyết liệt xử lý những điểm nóng kém văn minh. Đơn cử như tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, không vì khó khăn mà chúng ta buông mà phải cố gắng thực hiện bằng cách này cách khác.

Tóm lại, tất cả những vấn đề này nếu không được tháo gỡ thì việc xây dựng nếp sống VMĐT rất khó mang lại kết quả mong muốn.

- Với vai trò, trách nhiệm của mình, bà có những kiến nghị gì đối với UBND TP sau đợt giám sát?

- Chúng tôi sẽ có 5 kiến nghị chính đối với UBND TP. Đó là: UBND TP sớm có quyết định sáp nhập Ban chỉ đạo nếp sống VMĐT và Ban chỉ đạo toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để công tác chỉ đạo được tập trung hơn; ban hành quyết định về tiêu chí xây dựng tuyến đường văn minh và các mô hình văn hóa (khu phố văn hóa, phường văn hóa…) làm cơ sở cho địa phương dễ dàng thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát tại cơ sở; tập trung tuyên truyền đi vào chiều sâu 6 hành vi không văn hóa; đánh giá công tác thi đua khen thưởng đối với phong trào này phải khách quan, minh bạch để thực sự là động lực cho người thực hiện.

VÂN ANH thực hiện

Tin cùng chuyên mục