Các đập thủy điện - Ảnh hưởng nguồn lợi hạ dòng Mekong

Ngày 10-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã công bố “Chương trình hành động tổng thể của Vusta, nhằm đánh giá tác động của các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong”. Theo đó, những vấn đề tổng thể về sông Mekong cũng như tính hiệu quả kinh tế, biến đổi môi trường, đất đai, nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản… sẽ được đánh giá khách quan trên cơ sở khoa học, một cách đầy đủ nhất.

Ngày 10-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã công bố “Chương trình hành động tổng thể của Vusta, nhằm đánh giá tác động của các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong”. Theo đó, những vấn đề tổng thể về sông Mekong cũng như tính hiệu quả kinh tế, biến đổi môi trường, đất đai, nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản… sẽ được đánh giá khách quan trên cơ sở khoa học, một cách đầy đủ nhất.

Theo ông Phan Anh Sơn, Trưởng ban Hợp tác quốc tế của Vusta, hiện nay các nhóm công tác của Vusta đang tiến hành tập hợp ý kiến của các nhà khoa học đánh giá tác động của các công trình thủy điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong.

Theo kế hoạch, ngày 23-11 tới, tại TPHCM, Vusta sẽ tổ chức hội thảo khoa học về nội dung trên. Tiếp đó, Vusta sẽ có cuộc hội thảo trực tiếp với lãnh đạo và các nhà khoa học ở 13 tỉnh ĐBSCL, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp do việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Sau 2 hội thảo này, Vusta sẽ phối hợp với các nhà khoa học Lào hoặc Campuchia tổ chức hội thảo khoa học quốc tế ở 1 trong 2 quốc gia nói trên cũng về chủ đề này. Tất cả những hoạt động này nhằm đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học về tác động của những đập thủy điện dự kiến được xây dựng trên dòng chính sông Mekong; kể cả về kinh tế, xã hội, lẫn văn hóa và tài nguyên, môi trường của các quốc gia liên quan.

Sông Mekong có tổng chiều dài hơn 4.880km với hơn 30 nhánh sông chính. Hơn 75% dân số trong lưu vực sông Mekong phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp, khai thác thủy sản và rừng. Có 4 nước thuộc hạ lưu sông Mekong gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Các số liệu của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) khẳng định, tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến (ở Lào 10 và Campuchia 2) là các thủy điện không điều tiết, chỉ phục vụ duy nhất một mục đích là phát điện, không có tác dụng điều hòa nguồn nước, không có tác dụng giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô. Các đập thủy điện này đều có đập cao từ 22-76m, có dung tích từ 220 triệu đến trên 2 tỷ m³ và trong mùa khô có khả năng giữ lưu lượng nước rất lớn, gây nên sự thay đổi dòng chảy, đặc biệt gây giảm dòng chảy mùa khô đến hạ lưu.

Đặc biệt, 12 đập thủy điện làm hơn 50% chiều dài sông Mekong vùng hạ lưu thành các vùng hồ nước, dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn sẽ lắng đọng các vùng hồ, việc giảm phù sa hạ lưu sẽ gây nên hàng loạt tác động đến châu thổ Mekong ở Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam. Lượng phù sa hàng năm Mekong tải về hạ lưu là 160 – 165 triệu tấn. Con số này sẽ giảm còn 1/4, tương đương 42 triệu tấn khi 12 đập này được xây dựng.

Những vấn đề đó sẽ tác động trực tiếp đến nguồn dinh dưỡng cho cá nội địa và đặc biệt nguồn dinh dưỡng cho các vùng biển cửa sông. Sản lượng nông nghiệp, trực tiếp là cây lúa cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguồn phù sa và lượng nước tưới tiêu bị giảm hoặc bị phụ thuộc.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sự phát triển đê đập trên thượng lưu sẽ gây sự chìm xuống các châu thổ vùng hạ lưu sông Mekong và hàng loạt tác động chưa lường trước được. Chính vì thế, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên WWF và Tổ chức Mạng lưới sông ngòi thế giới (IRN) cho rằng: các nước nên hoãn phê duyệt xây dựng đập trên dòng chảy chính của sông Mekong trong vòng 10 năm cho đến khi những tác động của việc xây dựng và vận hành chúng được nghiên cứu thấu đáo. 

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục