Lật tẩy chiêu “móc túi” doanh nghiệp của Sonadezi

Bóp đầu vào lẫn đầu ra
Lật tẩy chiêu “móc túi” doanh nghiệp của Sonadezi

Sau khi vụ xả thải ra môi trường của Công ty CP DV Sonadezi Long Thành (Sonadezi) bị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về môi trường (C49B) bắt quả tang và lập biên bản xử lý vào khuya 3-8, chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin, tài liệu về những hành vi gian dối của đơn vị chuyên về xử lý môi trường này trong suốt nhiều năm qua. Qua đó, các kiểu “móc túi” doanh nghiệp (DN) của Sonadezi được lật tẩy…

Nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý của Công ty Liên Minh sau khi đấu nối vào nhà máy xử lý của Sonadezi. Ảnh: HOÀI NAM

Nước thải được xử lý tại hệ thống xử lý của Công ty Liên Minh sau khi đấu nối vào nhà máy xử lý của Sonadezi. Ảnh: HOÀI NAM

Bóp đầu vào lẫn đầu ra

Theo thiết kế chung của KCN Long Thành, mỗi DN phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại chỗ mới được cho phép hoạt động. Nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống của Nhà máy xử lý nước thải tập trung phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn C. Có nhiều biện pháp quản lý hệ thống xử lý nước thải của từng DN được Sonadezi đưa ra, để bảo đảm không một mét khối nước thải nào chảy ra khỏi DN mà không bị thu tiền. Điển hình là cách tính đầu vào tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Liên Minh (Công ty Liên Minh). Một lãnh đạo DN này không ngần ngại nói với chúng tôi: Công ty Liên Minh là một trong những DN có lượng nước thải hàng tháng từ 10.000m³ trở lên.

Để “thu đúng, thu đủ”, Sonadezi có cách “khoán” đầu vào theo lượng nước sạch cung cấp hàng tháng, rồi quy ra tỷ lệ 80% nước thải (bất kể nước thải công nghiệp hay sinh hoạt) để tính theo đơn giá chung là 0,32 USD/m³.

* UBND xã Tam An cho biết, tính đến chiều 10-8, đã có 43 hộ dân nộp đơn khiếu nại đòi Sonadezi bồi thường. Trong đó nhiều đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường thiệt hại từ 100 đến hơn 200 triệu đồng/năm trong 5 năm qua.

Trung bình mỗi tháng, Công ty Liên Minh nhận đầu vào 10.000m³ nước sạch thì hóa đơn tính tiền đầu ra để xử lý là 8.000m³. Nhân cho đơn giá 0,32 USD/m³ thì ra số tiền là 2.560 USD, tương đương hơn 50 triệu đồng. Trong khi đó, ông Phạm Trọng Trụ, quản lý sản xuất của Công ty Liên Minh, cho biết, để bảo đảm nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý của Sonadezi, chỉ riêng chi phí về điện và hóa chất, công ty đã mất hơn 70 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả chi phí tiền lương, khấu hao đầu tư hệ thống xử lý trị giá 6 tỷ đồng…, số tiền mà Công ty Liên Minh chi ra gần 100 triệu đồng/tháng. Cộng với hơn 50 triệu đồng mà Sonadezi thu “khoán”, mỗi tháng chi phí cho xử lý nước thải của Công ty Liên Minh hơn 150 triệu đồng.

Các DN khác trong KCN Long Thành như Ajinomoto, Samill Vina… phải chi 300 - 400 triệu đồng/tháng cho xử lý nước thải theo cách tính đầu vào như kiểu Công ty Liên Minh. Để tránh các DN “ăn gian”, Sonadezi kiểm tra, lấy mẫu đo tiêu chuẩn hàng ngày và cả đột xuất bất kể ngày đêm. Nhiều DN bị nghi “ăn gian”, lập tức nhận được thông báo cúp nước đầu vào hoặc khóa van đầu ra.

Những DN không có nước thải công nghiệp hoặc “xé rào” - đưa nước thải ra ngoài KCN xử lý, sẽ bị Sonadezi áp dụng biện pháp “nước gì cũng thu tiền”. Bà Nguyễn Thị Hiền, đại diện Công ty KCC Việt Nam, cho biết: Nước thải công nghiệp hàng tháng được KCC bơm vào bồn đưa ra ngoài xử lý. Chỉ có nước thải sinh hoạt là qua xử lý tại chỗ nhưng cũng bị Sonadezi giám sát rất chặt. Sau khi xử lý (đạt tiêu chuẩn A), nước được đưa vào 3 bể chứa để họ tới kiểm tra và tính mét khối, sau đó mới được đấu nối vào đường ống đưa về nhà máy xử lý. Nước dù đã rất sạch nhưng giá tính cũng là 0,32 USD/m³. Mỗi tháng DN thải ra gần 1.000m³ nên phải trả hơn 6 triệu đồng. Cộng với chi phí xử lý tại chỗ, lên tới gần 20 triệu đồng/tháng, gấp hơn 2 lần tiền nước sinh hoạt mà công ty trả hàng tháng.

Như vậy, nếu tính bình quân mỗi DN phải nộp cho Sonadezi để xử lý nước thải là 100 triệu đồng/tháng thì 65 DN trong KCN Long Thành sẽ phải trả hàng tháng là 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, Sonadezi chỉ phải tốn một khoản chi phí rất nhỏ để vận hành hệ thống… xả thẳng nước thải ra sông Đồng Nai.

Bưng bít thông tin

Đó là nhận định của các phóng viên đi thực tế phản ánh vụ xả thải ra sông Đồng Nai của Sonadezi những ngày qua. Hầu hết thông tin mà chúng tôi thu thập được đều do người dân và DN cung cấp. Từ người đứng đầu Sonadezi là bà Đỗ Thị Thu Hằng (hiện là đại biểu Quốc hội) đến lãnh đạo, nhân viên của Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Long Thành đều tìm cách né tránh tiếp xúc với báo chí. Thậm chí, tại hiện trường khu xử lý, văn phòng Sonadezi…, cánh phóng viên cũng không được tiếp cận và nhiều lần bị ngăn cản, mời ra ngoài. Tất cả các cuộc họp giữa các bên tại tỉnh Đồng Nai để thông tin tình hình và đề ra biện pháp khắc phục, báo chí đều không được phép tham dự.

Đối với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, mặc dù đã đăng ký làm việc chính thức để nắm thông tin một cách chính thống, song chúng tôi cũng bị từ chối. Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng chúng tôi mới trao đổi được với ông Phạm Xuân Nam, Phó Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai - người được phân công phát ngôn vụ việc này - qua điện thoại. Ông Nam nói: “Nếu đúng có sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết, không có chuyện bao che. Báo chí cứ yên tâm, khi nào có kết quả chính thức, chúng tôi sẽ công khai trả lời…”.

  • Ông Trần Văn Kia, ấp 2, xã Tam An, Long Thành: Trong 5 năm, tôi thiệt hại hơn 500 triệu đồng

Gia đình tôi đã 5 lần viết đơn phản ánh đến các cấp chính quyền về tình trạng ô nhiễm do Sonadezi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và yêu cầu họ phải bồi thường những thiệt hại, nhưng không có ai trả lời. Mỗi khi họ xả nước thải ra là ngập hết cả một vùng khiến hàng chục hộ dân ấp 2 phải gánh chịu cảnh lụt lội, hôi thối. Để ngăn không cho nước thải tràn vào nhà, gia đình tôi đã phải đắp một bờ bao và tôn cao nền nhà. Cây cối trong vườn trụi lá không còn gì. Mấy cây sầu riêng hàng chục năm tuổi cũng thối rễ mà chết. Tính từ năm 2006 đến nay, không chỉ sống trong cảnh ô nhiễm, mà cây trồng, vật nuôi của gia đình tôi cũng chết sạch với thiệt hại ước tính là 537,5 triệu đồng.

  • Ông Võ Hoàng Bảo, ấp 3, xã Tam An, Long Thành: Sonadezi không thể chối bỏ trách nhiệm

Gia đình tôi sống bao năm qua nhờ vào 4 mẫu ruộng trồng 2 vụ lúa/năm, nay coi như mất trắng. Chưa kể, hơn 120 cây ăn trái, rồi ao cá, đàn vịt gần 1.000 con cũng chết lần chết mòn, giờ chẳng còn gì. Lúc trước, gia đình tôi có của ăn của để, bây giờ phải làm mướn kiếm sống qua ngày. Sonadezi phải chịu trách nhiệm chính trước những thiệt hại của chúng tôi và bà con trong xã. Họ không thể chối bỏ trách nhiệm và làm ngơ trước những mất mát quá lớn về kinh tế mà chúng tôi phải gánh chịu bao năm qua.

  • Bà Nguyễn Thị Tùng, ấp 2, xã Tam An, Long Thành: Phải coi hành vi gây ô nhiễm môi trường là tội ác

Những thiệt hại của chúng tôi mà Sonadezi gây ra trong nhiều năm qua là rất lớn và khó khắc phục một sớm một chiều. Phải coi hành vi gây ô nhiễm môi trường là tội ác và phải được xử lý nghiêm theo pháp luật. Họ chỉ biết lợi nhuận thu về từ những việc làm sai trái này, còn bao cây cối, vườn ao, nhà cửa, đàn gia cầm… của người dân bị chết thì ai chịu trách nhiệm? Chúng tôi nghĩ các cấp chính quyền cũng có trách nhiệm một phần trong việc để cho những việc làm sai trái của Sonadezi diễn ra nhiều năm qua mà không bị xử lý.

Hoài Nam – Lê Long

- Vụ Công ty Sonadezi xả thải trực tiếp ra sông Đồng Nai: Sai phạm rõ ràng, không thể biện minh

Tin cùng chuyên mục