Báo Đảng và nhiệm vụ "Đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống"

Về lý luận, báo Đảng ở các thành phố trực thuộc TW là tiếng nói chính trị của đảng bộ đó-tờ báo có chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng nói chung và đảng bộ TP nói riêng đến tất cả đảng viên của đảng bộ, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng thực hiện. Nói cách khác, báo Đảng phải làm được nhiệm vụ “đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không dễ dàng và không dễ kiểm chứng tính hiệu quả.

Về lý luận, báo Đảng ở các thành phố trực thuộc TW là tiếng nói chính trị của đảng bộ đó-tờ báo có chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng nói chung và đảng bộ TP nói riêng đến tất cả đảng viên của đảng bộ, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng thực hiện. Nói cách khác, báo Đảng phải làm được nhiệm vụ “đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ không dễ dàng và không dễ kiểm chứng tính hiệu quả.

Để kiểm chứng tính hiệu quả của nhiệm vụ: đưa các nghị quyết về “xây dựng thành phố XHCN, văn minh, hiện đại” vào cuộc sống, bài viết này phân tích trên hai khía cạnh:

1- Về chức năng phản ánh của báo Đảng:

Nội dung cơ bản của các nghị quyết về vấn đề này là “Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế…Về hạ tầng đô thị lớn, từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, cung cấp ổn định điện, nước xà xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường..”.

Như vậy, nội dung cụ thể của nghị quyết là phản ánh ý chí quyết tâm và yêu cầu của lãnh đạo về thực hiện những biện pháp kinh tế, kỹ thuật cụ thể- trong khi đó, báo chí là hoạt động “phi sản xuất” nên không thể tham gia vào các hoạt động kinh tế kỹ thuật cụ thể. Vậy báo chí chỉ có thể làm nhiệm vụ truền thông để tạo được đồng thuận và động viên toàn dân hưởng ứng thực hiện ?

Đối với đội ngũ đảng viên và các tổ chức cơ sở của đảng: thì việc đăng tải toàn văn nghị quyết trên báo không thực sự cần thiết vì các đối tượng này đều được triển khai học tập văn kiện nghị quyết-nhất là các ngành chức năng như GTVT, môi trường, điện lực, cấp thoát nước…còn được quán triệt kỹ hơn vì đó là nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện. Do đó báo đảng cần phản ánh việc chỉ đạo của Thành ủy và việc thực hiện nghị quyết ở các đảng bộ cơ sở.

- Đối với các tầng lớp nhân dân thành phố, việc đăng tải toàn văn nghị quyết là cần thiết để cho mọi người đều có quyền tìm hiểu những chủ trương của lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít người dân quan tâm đến những nôi dung đó (như đã trích dẫn) vì không lien quan trực tiếp đến những lo toan đời thường. Người dân hầu như không quan tâm đến các cụm từ như “ đồng bộ, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế…” Họ quan tâm đến kẹt xe, ngập úng, cắt điện, thiếu nước…và không biết thế nào gọi là “giải quyết cơ bản” những tình trạng đó. Như vậy nhân dân TP cũng quan tâm nhiều hơn đến những bài báo phản ánh việc thực hiện tốt hay xấu nhưng  gì liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Như vậy chức năng chủ yếu của báo đảng trong nhiệm vụ cụ thể này phải là phản ánh sự chỉ đạo và việc thực hiện các công việc cụ thể có liên quan đến cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Nhưng vấn đề cần bàn là phản ánh cái gì và phản ánh thế nào  ?

- Nếu trên mặt báo chỉ phản ánh những thành tích đạt được ở chỗ này chỗ kia cũng sẽ không tạo ra được sự phấn khởi vì dường như những biểu hiện tiêu cực mà người dân trực tiếp chứng kiến lại nhiều và rõ nét hơn.

- Nếu trên mặt báo có quá nhiều các vụ tham nhũng, rút ruột công trình, hố tử thần, đường lún, nhà đổ…có thể sẽ tạo ra tâm lý bi quan trong xã hội…

Như vậy, vấn đề không phải là phản ánh mặt nào nhiều hơn mà phải là phản ánh những hiện tượng, những vấn đề thiết thực nhất hoặc bức xúc nhất trong đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn là: phản ánh thế nào. Câu trả lời đúng nhất sẽ là phản ánh một cách khách quan, trung thực- tức là không che đậy những sai lầm, khuyết điểm dù của cấp nào- nếu phản ánh một chiều theo ý muốn chủ quan thì sẽ phản tác dụng. Ví dụ như vấn đề ùn tắc giao thông ở thành phố, các bài báo nói nhiều đến “ý thức chấp hành của người dân còn kém” mà không mổ xẻ nguyên nhân nằm ở phía trách nhiệm giáo dục về cách hành xử văn hóa của lực lượng thực thi luật giao thông. Khi báo giấy, báo mạng, báo nói, báo hình…không phản ánh khía cạnh đó thì “báo miệng” lại rất sôi nổi ở các quán nhậu lai rai và các quán cóc vỉa hè…ở đó, những câu chuyện về cách hành xử của công an giao thông là đề tài không bao giờ cạn…

2- Về chức năng phản biện của báo Đảng

Một câu hỏi đặt ra là: báo Đảng có làm chức năng phản biện không-nếu có thì phản biện đối tượng nào và phản biện như thế nào ?

Trước hết cần xác định: báo Đảng không chỉ dành riêng cho đảng viên viết bài, cũng không phải chỉ phản ánh công việc nội bộ của Đảng-mà phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội dưới nhãn quan lãnh đạo của đảng. Đảng ta theo chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng HCM-duy vật biện chứng- nên niềm tin phải có cơ sở khoa học- mà không áp đặt các “tín điều”. Do đó trong lãnh đạo và quản lý có thể phạm sai lầm, thiếu sót, yếu kém -Như tác phẩm sửa đổi lối làm việc của chủ tịch HCM đã liệt kê khá nhiều những “căn bệnh cộng sản”.. Như vậy nên coi phản biện là một chức năng quan trọng của báo đảng vì phản biện không phản là phản bác hay phản đối của phe đối lập mà là đưa ra những cách hiểu đúng hơn hay những giải pháp hiệu quả hơn.

Trên thực tế báo đảng của TP rất ít khi đăng những bài có tính chất phê bình, phản biện đối với một số chủ trương, chính sách hay cách quản lý- Cụ thể như những vấn đề về quá tải dân số, môi trường, giao thông…báo đảng cũng nêu các hiện tượng tiêu cực xảy ra hàng ngày nhưng chỉ dừng lại ở đó mà chưa nói đến nguyên nhân thuộc về lãnh đạo, quản lý…như việc chỉ đạo quy hoạch thiếu tính tổng thể mà là sự “lắp ghép cơ học” các bản quy hoạch của quận huyện và các ngành, hay việc cấp phép quá nhiều cho các dự án xây cao ốc ở khu trung tâm…làm cho dân số nội thành ngày càng tăng, mật độ ngày càng cao, quá tải mọi mặt ngày càng lớn…hay vấn đề ùn tắc giao thông, phần nhiều là nói về những hành vi sai phạm của người dân, chưa nói đến trách nhiệm của lãnh đạo về giáo dục phẩm chất và tính gương mẫu cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật. Do đó những bài viết loại này phần lớn được đăng tải trên các báo khác hoặc trên báo mạng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho báo đảng ít đọc giả hơn các báo khác. Tóm lại, nếu báo Đảng không có mặt ở khu vực tự phản biện thí các báo khác-nhất là báo mạng sẽ chiếm lĩnh không những chỉ phản biện mà còn phản bác hoặc phản đối.

Nếu báo đảng tiến hành phản biện thì phản biện đối tượng nào và như thế nào ? câu trả lời sẽ là phản biện chính những chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng bộ một cách khách quan và trung thực- vì đó chính là vận dụng tinh thần NQ TW 4:lấy biện pháp phê bình và tự phê bình làm trọng tâm và theo phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật, không tránh né…” Chủ tịch HCM đã nói: "che dấu khuyết điểm là một đảng hỏng” do đó báo đảng lại càng phải đề cao vai trò phản biện.

Tóm lại, báo đảng với tư cách là tiếng nói chính trị của một đảng bộ thì cần phải có tính chiến đấu cao và tầm trí tuệ tương xứng. Nếu báo đảng có ít người đọc hơn báo khác thì phải chăng là chất lượng của tờ báo chưa cao hay sự sút giảm niềm tin của nhân dân, hoặc sự xa rời quần chúng của Đảng bộ ?

Tp. HCM ngày 15-3-2012
TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC)

Tin cùng chuyên mục