Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại - Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thành phố

Sau thời kỳ khôi phục và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (1996-2005), TPHCM đã tập trung đẩy nhanh tiến độ nhằm từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ hóa. Đây là bước đi cần thiết hướng đến xây dựng một thành phố (TP) văn minh, hiện đại.
Chung tay xây dựng thành phố văn minh, hiện đại - Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thành phố

Sau thời kỳ khôi phục và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (1996-2005), TPHCM đã tập trung đẩy nhanh tiến độ nhằm từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ hóa. Đây là bước đi cần thiết hướng đến xây dựng một thành phố (TP) văn minh, hiện đại.

  • TP tăng đầu tư xây dựng hạ tầng

10 năm qua, với nỗ lực lớn, TP đã quy hoạch và tìm vốn để đầu tư lần lượt 6 tuyến metro (hiện tại đang đầu tư tuyến số 1), nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Trong đó, TP đã và đang nghiên cứu ngầm hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng điện, nước, viễn thông, kể cả các công trình ngầm; nghiên cứu phát triển hệ thống xe buýt nhanh (BRT) nhằm thu hút người dân đi xe công cộng.

Bên cạnh hoàn thành tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Đông Tây; TP đang nghiên cứu đầu tư các trạm thu phí tự động nhằm hiện đại hóa công tác thu phí trên các tuyến đường.

TP cũng đang di dời cảng biển ra khỏi nội thành, tạo điều kiện hiện đại hóa và nâng hiệu quả các hoạt động dịch vụ cảng biển. Một trong những công trình gần đây nhất là đã hoàn thành đường hầm vượt sông Sài Gòn (theo công nghệ Nhật Bản), phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2, đang cải tạo và xử lý ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tách biệt 2 hệ thống nước thải và nước mưa như ở các nước phát triển; chỉnh trang hai bên bờ kênh, tăng mỹ quan đô thị.

Những kết quả trên cho thấy, TP từng bước đang chuyển sang thời kỳ hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng của địa phương.

Một đoạn vỉa hè sạch đẹp trên đường Tôn Thất Tùng nối dài (quận 1 TPHCM). Ảnh: Thanh Tâm

Một đoạn vỉa hè sạch đẹp trên đường Tôn Thất Tùng nối dài (quận 1 TPHCM). Ảnh: Thanh Tâm

  • Nhiều bất cập phát sinh

Bên cạnh các thành tựu đạt được, TP vẫn còn nhiều bất cập phát sinh trong quá trình phát triển cần có biện pháp khắc phục, nhất là công tác đồng bộ hóa hệ thống kết cấu hạ tầng hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.

Một là, đôi lúc TP chưa chú trọng “đồng bộ hóa” khi đầu tư kết cấu hạ tầng cùng lúc cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Về nguyên tắc, TP cần phải đầu tư đầy đủ các thành phần, các ngành và lĩnh vực có liên quan về kết cấu hạ tầng để phát huy tác dụng liên hoàn giữa các dự án hạ tầng với nhau (ví dụ: phải đầu tư đầy đủ thành phần như đường, điện, cấp nước, thoát nước, bưu chính viễn thông...) trên một địa bàn, trong đó hạ tầng giao thông phải ưu tiên làm trước.

Vừa qua, khi xây dựng khu dân cư mới hoặc các tuyến đường mới, TP chưa chú trọng bố trí hào kỹ thuật để dùng chung cho ngành điện, nước, bưu chính viễn thông..., nên đã xảy ra tình trạng đào đi đào lại, gây lãng phí và làm hư hỏng mặt đường, chưa kể mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hai là, TP chưa chú trọng việc “đồng bộ hóa” trong phạm vi đầu tư hạ tầng của từng ngành, từng lĩnh vực. Chẳng hạn như ngành cấp nước, do chỉ tập trung đầu tư nguồn cấp nước (xây thêm nhà máy nước) nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đầu tư mạng lưới ống cấp nước, dẫn đến tỷ lệ thất thoát nước hiện khá cao (gần 40%). Đối với ngành giao thông, do chưa đầu tư đồng bộ các loại hình giao thông như đường sắt (nội đô), đường bộ, đường thủy theo hướng phát triển đa phương thức, nên việc phát huy hiệu quả của toàn ngành giao thông vận tải còn hạn chế. Khi đầu tư giải quyết chống ngập (hạ tầng thoát nước) tình trạng cũng tương tự.

Do thiếu vốn, nên TP chưa thể đầu tư đồng bộ giữa giải quyết thoát nước mưa (cải tạo và lắp đặt mới hệ thống cống thoát), đồng thời với công tác giải quyết nước triều dâng (xây dựng một hệ thống đê bao hoàn chỉnh), nên chưa thể giải quyết dứt điểm vấn đề ngập úng cho toàn TP.

Ba là, TP chưa chú trọng “đồng bộ hóa” đối với đầu tư hạ tầng trong phạm vi của từng dự án. Về nguyên tắc, các hợp phần của dự án phải được triển khai đầu tư song song, không chờ xong hợp phần này, mới đầu tư hợp phần khác để phát huy hiệu quả của công trình. Vừa qua khi xây dựng cầu Phú Mỹ, do chưa đồng bộ hóa các hợp phần, nên đã xảy ra hiện tượng thiếu đường dẫn trong khi cây cầu đã xây dựng xong, làm hạn chế rất lớn đến hiệu quả khai thác của công trình, ảnh hưởng đến kết quả thu phí và mô hình BOT, gây lãng phí rất lớn.

Nguyên nhân của các vấn đề trên, xét về quá trình phát triển kết cấu hạ tầng là do chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề ngầm hóa (đồng bộ để nhiều ngành dùng chung) nên dẫn đến sự phối hợp sử dụng và khai thác giữa các ngành hạ tầng chưa hiệu quả.

Trong khâu triển khai và đầu tư dự án, chúng ta chưa tuân thủ đúng theo trình tự đầu tư, là ưu tiên đầu tư hạ tầng khung trong quá trình phát triển đô thị, dẫn đến việc phát triển nhà ở lại đi trước hạ tầng, nên buộc phải tiến hành chỉnh trang, nâng cấp về sau rất tốn kém, mà hiện nay Chương trình nâng cấp đô thị đang phải nỗ lực giải quyết...

Xét riêng công tác quản lý, do việc phân công quản lý về hạ tầng đô thị còn chồng chéo đã làm giảm rất lớn hiệu quả sử dụng khai thác. Chẳng hạn theo phân cấp hiện nay, một tuyến đường lại trực thuộc khá nhiều đơn vị quản lý khác nhau, như Sở GTVT quản lý lòng đường (các khu quản lý giao thông đô thị); quận huyện quản lý vỉa hè; Công ty Điện lực, Tổng Công ty Cấp nước, các công ty viễn thông quản lý các công trình tiện ích; Công viên cây xanh quản lý mảng xanh đường phố…

Điều này cũng làm ảnh hưởng sự phối hợp trong công tác duy tu bảo trì và nhất là chưa khai thác hiệu quả trên các tuyến đường xây mới. 

PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA
Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TPHCM

Chung tay xây dựng thành phố văn minh hiện đại

- Cuộc vận động phải hiệu quả, thực chất

- Quản lý nghiêm, chế tài mạnh

- Xây dựng ý thức vì cộng đồng

- Kết hợp tốt giữa chính quyền và báo chí

- Cần mô hình quản lý phù hợp

- Báo Đảng góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại

- Nghĩa tình thành phố mang tên Bác

- Đô thị miền sông nước

- Lời giải lòng dân

- Hải Phòng phát triển đô thị dọc tuyến sông

- Giao thông ở Hà Nội: Lề lối ứng xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

Tin cùng chuyên mục