Lập dự án để chia chác đất rừng - Bài 4: Ai đứng sau các doanh nghiệp phá rừng?

Ưu ái cho các doanh nghiệp phá rừng
Lập dự án để chia chác đất rừng - Bài 4: Ai đứng sau các doanh nghiệp phá rừng?

Ngày 20-9-2010, Huyện ủy Krông Năng có báo cáo tình hình và kiến nghị biện pháp giải quyết vụ Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Lộc Phát (Công ty Lộc Phát) khảo sát, lập dự án trồng cao su tại rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, khiến hàng trăm hécta rừng nguyên sinh bị chặt trắng. Theo đó, Công ty Lộc Phát được UBND tỉnh cho phép khảo sát, lập dự án thuê đất rừng để kinh doanh đã gây bất bình, phản ứng gay gắt trong nhân dân là do nhân dân phát hiện đây là một doanh nghiệp có “thành tích” phá rừng, không chỉ tại Krông Năng mà còn ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc…

Khoảnh rừng gần 20 ha tại TK 202 xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Suop) được giao cho Công ty Vinh Hoa khoanh nuôi bảo vệ đã bị chặt trắng.

Khoảnh rừng gần 20 ha tại TK 202 xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Suop) được giao cho Công ty Vinh Hoa khoanh nuôi bảo vệ đã bị chặt trắng.

Ưu ái cho các doanh nghiệp phá rừng

Trong quá trình đi thực tế thực hiện loạt bài điều tra này, chúng tôi nhận thấy còn có rất nhiều doanh nghiệp có “thành tích” phá rừng như Công ty Lộc Phát. Các doanh nghiệp này thời gian qua đã được UBND tỉnh Đắc Lắc và các sở ngành liên quan dành quá nhiều sự ưu ái, từ chủ trương, thủ tục đầu tư đến các chính sách thuế, tài chính… vượt cả quy định pháp luật cho phép.

Trong số 43 doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắc Lắc cho phép khảo sát, lập dự án trồng cao su trên diện tích hơn 30.000ha theo chủ trương của Chính phủ chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, có nhiều diện tích đất rừng đã bị phá trắng từ trước đó nhiều năm. Như vậy, đất rừng, trong đó có nhiều hécta là rừng đặc dụng, rừng khoanh nuôi bảo vệ, rừng phòng hộ đầu nguồn đã được UBND tỉnh Đắc Lắc ưu ái giao nhiều doanh nghiệp kinh doanh, khai thác, bất chấp các quy định về bảo vệ rừng. Điển hình là các doanh nghiệp được chúng tôi phản ánh trong loạt bài điều tra này, thực chất hành vi phá rừng đã được hợp thức hóa bằng chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su của Thủ tướng Chính phủ.

Tại xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Suop), UBND tỉnh Đắc Lắc giao các doanh nghiệp 1.730,3ha đất rừng để trồng cao su, trong khi quy hoạch đến năm 2020 khu vực này chỉ được trồng 200 ha (vượt 1.503,3 ha); xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cho phép trồng 50 ha nhưng đã giao đến 250 ha (vượt 200 ha)… Hay chủ trương giao trồng thí điểm 600 ha cao su tại một số khu vực, nhưng khi thực hiện UBND tỉnh Đắc Lắc đã chỉ định giao 6 doanh nghiệp - được dư luận cho rằng có mối quan hệ thân thiết với một lãnh đạo tỉnh - tới 5.608,26 ha; hoặc có 8 dự án đã được giao khoanh nuôi, bảo vệ 1.792 ha nhưng bỗng dưng bị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi, sau đó giao các doanh nghiệp khác phá trắng để trồng cao su.

Một doanh nghiệp khác bị dư luận gọi là “sân sau” của một lãnh đạo tỉnh. Đó là Công ty TNHH Đắk Nguyên (tỉnh Tây Ninh) do ông Nguyễn Phước Rẫy làm giám đốc. Khi có chủ trương chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, ông Rẫy đã thành lập nhiều công ty để lập các dự án và liên kết với một số nông, lâm trường lấy hơn 4.000 ha đất rừng trồng cao su với giá thuê từ 7 - 10 đồng/m2/năm trong thời gian 50 năm. Không những thế, dự án của các doanh nghiệp này còn được miễn tiền thuê đất trong… 18 năm (chỉ phải nộp tiền thuê đất 32 năm). Đây được xem là vấn đề lớn, tiềm ẩn các hành vi tham nhũng của một số cán bộ có chức có quyền ở tỉnh Đắc Lắc cần được điều tra, xác minh làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Rừng cần bảo vệ thành... rừng kiệt

Đó là nhận định của các cơ quan chức năng đánh giá kết quả hơn 2 năm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cao su tại tỉnh Đắc Lắc. Các dự án trồng cao su gắn liền đến việc thu hồi hàng ngàn hécta đất, phải chặt phá, khai hoang, chuyển đổi nhiều hécta rừng, ít nhiều đã ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, tài nguyên rừng và đất. Trong đó, nhiều diện tích rừng được chuyển đổi sang trồng cao su theo đánh giá của các chuyên gia là kém hiệu quả do không thích nghi với đặc thù của một số khu vực rừng khộp. Nếu cây cao su không phát triển được trên vùng đất này, gần như sẽ không khôi phục lại được, sẽ ảnh hưởng rất lâu dài và nghiêm trọng tới phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.

Việc bàn giao rừng để triển khai thực hiện dự án trồng cao su, chỉ riêng số gỗ tận thu sau khi đã khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng của gần 6.500 ha, thu được 64. 517m³, song đều rơi vào tay một số cá nhân và doanh nghiệp, ngân sách nhà nước không thu được đồng nào. Những cán bộ lãnh đạo nào đã tạo điều kiện, tiếp tay cho một số cá nhân, doanh nghiệp làm sai để trục lợi hàng chục tỷ đồng từ chủ trương của Thủ tướng Chính phủ? Câu hỏi nhức nhối này phải sớm được trả lời công khai.

Một vấn đề khác không thể không nhắc đến, đó là việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến quy trình thẩm định phê duyệt các dự án trồng cao su đều đã bị các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc bỏ qua. Thậm chí, có biểu hiện tiêu cực trong viêc thẩm định, đánh giá trạng thái rừng, để xảy ra nhiều trường hợp kết luận hàng ngàn hécta rừng là rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên cần khoanh nuôi bảo vệ thành rừng kiệt.

Không khỏi chạnh lòng cho tài nguyên quốc gia khi những cánh rừng già bị phá trắng, những quả đồi, vạt đất rừng bị cạo trọc. Doanh nghiệp không thể tùy tiện tàn sát rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ được, phải có cán bộ có trách nhiệm, có chức, có quyền đứng sau những doanh nghiệp phá rừng này, rừng xanh mới bị mất nhiều như vậy. Từ kết luận và xử lý kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc về những sai phạm thời gian qua, trong đó có vụ cho phép Công ty Lộc Phát được khảo sát lập dự án trồng cao su trên diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, cũng cần được kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của nhiều cá nhân, tổ chức khác để mất hàng ngàn hécta rừng trong thời gian qua.

Hoài Nam

Lập dự án để chia chác đất rừng

- Bài 1: Trồng cao su trên đất rừng phòng hộ

- Bài 2: Phá rừng lấy đất… bán

- Bài 3: Phá rừng trước, lập dự án trồng cao su sau!

Tin cùng chuyên mục