Tăng phạt trị lờn luật

Tịch thu phương tiện quá tải?
Tăng phạt trị lờn luật

Ngày 24-4 tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về vi phạm hành chính và các giải pháp khắc phục trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ. Đại diện các bộ Giao thông Vận tải, Công an, Tài chính; đại diện các thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng đã tham gia giải trình.

Đi ngược chiều dễ gây tai nạn. Ảnh: Lưu thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Đi ngược chiều dễ gây tai nạn. Ảnh: Lưu thông trên quốc lộ 1A, đoạn qua quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Kim Ngân

Tịch thu phương tiện quá tải?

Vấn nạn xe tải “cơi nới” quá mức, chở vượt tải trọng nhiều lần, xe khách nhồi nhét khách quá công suất thiết kế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây ùn tắc giao thông và phá hỏng cơ sở hạ tầng giao thông… được nhiều đại biểu (ĐB) tham dự hội nghị đặc biệt quan tâm.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định: “Hậu quả của việc này rất nặng nề, làm thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân, đồng thời làm hư hỏng hạ tầng kỹ thuật giao thông nhưng mức phạt hành chính trên đường không thấm tháp gì. Cho nên phải có chế tài mạnh hơn, chẳng hạn như tịch thu phương tiện vi phạm. Phương tiện tham gia đua xe có thể tịch thu, tại sao phương tiện quá tải - cũng tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với xã hội - lại không bị tịch thu?”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ngay lập tức hoan nghênh kiến nghị mạnh mẽ này.

Cũng liên quan đến việc xe quá tải, xe cũ nát vẫn vô tư lưu hành, ĐB Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên thường trực UB Pháp luật, thẳng thắn: “Tôi thấy có quá nhiều vấn đề mà Bộ GTVT vẫn còn “đang xây dựng đề án”! Một trong những việc cần làm ngay để giải quyết tình trạng này là chấn chỉnh công tác đăng kiểm. Cũng phải nói thêm rằng, nhiều khi trong một đoạn đường ngắn, đường cho phép tải trọng cao, cầu lại thấp, không khác gì đánh đố nhà xe, bởi việc san tải, hạ tải không hề đơn giản”.

Về việc sử dụng số tiền thu được từ xử phạt vi phạm hành chính về giao thông, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết, 100% số tiền này được đầu tư trở lại cho lĩnh vực giao thông. Việc thu - chi thực hiện đúng Luật Ngân sách và các quy định hiện hành. Trả lời các ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh khẳng định, việc thu quỹ bảo trì đường bộ là giải pháp được áp dụng ở nhiều nước và đã được Quốc hội thống nhất ban hành trong Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay cũng nên xem xét thời điểm thu, mức thu để đạt được sự đồng thuận trong nhân dân.

Xe quá đát chở hàng cồng kềnh lưu thông ngược chiều tại quận Bình Tân. Ảnh: Kim Ngân

Xe quá đát chở hàng cồng kềnh lưu thông ngược chiều tại quận Bình Tân. Ảnh: Kim Ngân

Thực trạng nào, giải pháp đó

Được mời trình bày về thực trạng, giải pháp quản lý giao thông tại địa phương mình, đại diện TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều phát biểu tại hội nghị. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh giải pháp quy hoạch giao thông đồng bộ, phát triển hệ thống đường vành đai, đường xuyên tâm và đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường sắt đô thị…

Trong khi đó, trên cơ sở nguyên tắc “thực trạng nào, giải pháp đó”, đồng chí Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, giao thông ở TPHCM có những đặc điểm riêng như mức tăng số phương tiện gấp nhiều lần năng lực giao thông. TP lại có nhiều cảng, bệnh viện, trường đại học lớn nằm sâu trong nội đô; xe container đi xuyên ngang TP hàng ngày… Cho nên việc xử phạt hành chính phải chú trọng cả các quy định về phân luồng, thời điểm lưu thông. Việc thí điểm tăng nặng khung xử lý vi phạm tại TPHCM đã cho thấy một số kết quả rõ nét.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đề nghị: “Người dân rất bức xúc vì nạn đua xe trái phép, TPHCM đã tập trung lực lượng xử lý nhưng chuyện này vẫn tái diễn. Luật có cho phép tịch thu xe, nhưng lại kèm theo những điều kiện bất khả thi khác. Cần làm rõ nội hàm “đua xe” và đề nghị quy định phạt tịch thu mọi xe tham gia đua”. Được mời làm rõ thêm về giải pháp tăng nặng mức phạt, ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết TPHCM đã áp dụng mức phí giữ xe vi phạm rất cao (500.000 đồng/ngày) đối với 8 nội dung vi phạm, chủ yếu nhằm phòng chống đua xe trái phép và cho rằng đây là một trong những biện pháp đã phát huy hiệu quả tốt.

Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý yêu cầu các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị ĐB để đánh giá toàn diện tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ; từ đó xây dựng các giải pháp trước mắt và lâu dài. Ông cho biết, những ý kiến tại phiên giải trình này sẽ được UB nghiên cứu, xử lý trước khi hoàn thiện dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp tới.

Đề nghị tăng mức phạt lên 200 triệu đồng

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại phiên giải trình, vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trong nhiều năm qua là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ. Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý hơn 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, thu nộp Kho bạc Nhà nước trên 2.383 tỷ đồng. Trong đó, tại TPHCM phát hiện, xử lý trên 1,93 triệu trường hợp, chiếm 23% so với cả nước…

Về những tồn tại, vướng mắc hiện nay trong công tác xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, báo cáo nêu: “Việc phân định trách nhiệm, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính còn chồng chéo, bất cập, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; các vi phạm mới phát sinh không được xử lý triệt để ngay từ đầu đã tạo thành tiền lệ xấu, làm đối tượng vi phạm lờn luật, không chấp hành, tái vi phạm”.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kiến nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, đề nghị luật quy định đầy đủ các chức danh có thẩm quyền xử phạt, nhất là các chức danh ở cơ sở. Đề nghị tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải lên tới 200 triệu đồng; trong đó thanh tra viên và chiến sĩ công an nhân dân được xử phạt tới 2 triệu đồng.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục