Gấp rút “khai thông” cửa ngõ Đông Bắc

Gấp rút “khai thông” cửa ngõ Đông Bắc

Tháng cuối năm, không khí thi công nước rút trên các công trình trọng điểm của TPHCM càng thêm sôi động, khẩn trương. Các chủ đầu tư, nhà thầu đang tập trung cao độ nhân lực, phương tiện đẩy nhanh thi công, xây lắp các hạng mục còn lại của công trình.

  • Gấp rút về đích

Nhiều công trình giao thông đang làm ngày làm đêm cho kịp hoàn thành vào cuối năm Nhâm Thìn, sẽ góp phần làm giảm áp lực ùn tắc trên địa bàn TP. Dự án hai cầu vượt bằng thép tại nút giao thông Hàng Xanh trên đường Điện Biên Phủ và ngã tư Thủ Đức thuộc xa lộ Hà Nội là hai công trình trọng điểm của TP. Với quyết tâm xóa những nút thắt thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, TP triển khai thi công hai cầu vượt này chỉ sau hơn 5 tháng, rút ngắn thời gian so với dự kiến ban đầu 7 tháng. Để có được kết quả như vậy, nhà thầu và đơn vị thi công đã nỗ lực làm cả ngày lẫn đêm mà không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Tại cầu vượt Thủ Đức, một trong những công trình trọng điểm của TP, không khí lao động trên công trình rất hăng say để đáp ứng kịp tiến độ.

Nút giao thông Hàng Xanh đang gấp rút thi công.

Nút giao thông Hàng Xanh đang gấp rút thi công.

Dù là ngày nghỉ lễ nhưng không khí làm việc trên công trường Đại lộ Đông Tây vẫn khẩn trương và tấp nập. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong dịp Tết Dương lịch vừa qua có đến 100 công nhân tham gia thi công cầu này để kịp thông xe trước Tết Nguyên đán này. Anh Lê Minh Đoàn, quê Nam Định đang hì hục cắt hàn hệ thống thoát nước thấy tôi chụp hình, anh bỏ mỏ hàn nhìn tôi và nói: “Công đoạn tụi em là hạng mục cuối. Vậy là công trình sắp xong rồi anh ạ! Đợt Tết Dương lịch tụi em làm cả ngày lẫn đêm để công trình hoàn thành đúng với lời hứa. Lễ, tết thấy người ta đi chơi có cặp có đôi mình buồn ít, người yêu buồn nhiều, nhưng vì công việc gấp rút lại là công trình điểm, thế là gác lại mọi việc riêng tư tập trung công việc”.

Giữa tiếng máy thi công rộn rã, những chiếc xe lu, xe tải hối hả vào ra và từng tốp công nhân đang miệt mài làm việc. Trong quá trình thi công, chất lượng tiến độ của công trình bảo đảm đúng theo yêu cầu thiết kế ban đầu. Giữa Công ty Thăng Long và chủ đầu tư luôn có sự phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thi công nên nhà thầu thường xuyên vượt tiến độ. Khối lượng thi công công trình đã đạt hơn 90%. Hiện nay công ty đang khẩn trương thi công các khâu như: hoàn chỉnh nền nhựa đường, lắp đặt hệ thống lan can và thiết bị điện… Khi đưa cầu đường vào sử dụng sẽ chấm dứt ùn tắc giao thông tại đây.

Ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (Sở GTVT), chủ đầu tư dự án, cho biết hầu như trong những ngày lễ, tết công trình không hề nghỉ ngơi như một số dự án khác. Mục tiêu là hoàn thành càng sớm càng tốt dự án để đưa vào sử dụng tuyến đường huyết mạch này. Theo hợp đồng thi công công trình, thời gian thi công là 7 tháng nhưng nhà thầu đã nỗ lực thi công rút ngắn thời gian hoàn thành công trình xuống còn khoảng 5 tháng. Cây cầu này sẽ giảm tải ùn tắc giao thông cho khu vực ngã tư Thủ Đức.

  • Kỳ vọng công trình kế tiếp

Ông Vũ Văn Điệp cho biết, trong thời gian tới, TPHCM sẽ xây thêm một cầu vượt thép có quy mô tương tự, nằm song song với cầu vượt thép Thủ Đức, hoàn chỉnh 8 làn xe dành cho hướng lưu thông trên xa lộ Hà Nội. Cũng như điểm nóng kẹt xe tại ngã tư Thủ Đức, cầu vượt thép vòng xoay Hàng Xanh nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông cho khu vực này.

Tiếp theo hai công trình cầu vượt bằng thép nói trên, TPHCM sẽ xây dựng thêm các công trình cầu vượt nhẹ bằng thép tại vòng xoay Lăng Cha Cả, vòng xoay Cây Gõ... Bên cạnh các công trình giao thông trọng điểm đang gấp rút thi công, nhiều công trình lớn khác cũng sắp được triển khai gồm: Dự án cầu Sài Gòn 2, đoạn còn lại của xa lộ Hà Nội từ Ngã tư Bình Thái đến nút giao Tân Vạn sẽ được mở rộng từ 48m thành 113,5m (đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông Ngã tư Bình Thái đã hoàn thành). Các chủ đầu tư cũng như nhà thầu tập trung mọi nguồn lực và quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án đường kết nối trên tuyến xa lộ Hà Nội, khi hoàn thành sẽ tạo thành tuyến vành đai cho tất cả xe lưu thông. Cầu Rạch Chiếc mới cùng với tuyến xa lộ Hà Nội, nút giao Cát Lái, đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống… đã tạo nên trục giao thông đồng bộ ở khu vực cửa ngõ Đông Bắc.

Giờ đây hình ảnh những dòng xe ken đặc trên tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái đã không còn. Khi đó, một lượng lớn xe tải, xe container vận chuyển hàng hóa từ xa lộ Hà Nội (quận 2, 9, Thủ Đức) đi vào các cảng quận 4, 7 hoặc đi về hướng các tỉnh ĐBSCL sẽ theo trục vành đai này thay vì lâu nay lưu thông xuyên tâm qua nội đô gây tình trạng kẹt xe nghiêm trọng.

Ngày 8-1, UBND TPHCM yêu cầu Công ty TNHH MTV Phát triển GS Sài Gòn khẩn trương hoàn thành xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu để đưa vào sử dụng trước ngày 30-6-2013. UBND TP giao Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu ứng dụng khoa học để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, UBND TP yêu cầu Sở GTVT, Sở TN-MT, chủ tịch UBND các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh tiếp tục xây dựng tuyến đường kiểu mẫu dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Theo đó, các quận tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, xả rác gây ô nhiễm. Sở GTVT, Sở TN-MT sớm nghiên cứu đặt ghế công cộng trên vỉa hè, lắp các nhà vệ sinh công cộng dọc hai tuyến đường. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP lắp đặt bổ sung lưới chắn rác tại những miệng hầm ga, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn tồn đọng của dự án Vệ sinh môi trường TP; tăng cường nạo vét hệ thống cống rãnh, các tuyến cống đấu nối với tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; sớm khắc phục các vị trí lún sụt…

QUỐC HÙNG - THÁI BÌNH

Tin cùng chuyên mục