Nhiều địa phương tích cực phòng chống bão

• Cấm các tàu thuyền xuất bến
Nhiều địa phương tích cực phòng chống bão

• Cấm các tàu thuyền xuất bến
• Nhiều trường cho học sinh về sớm

(SGGP).- Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao nên ở các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính đến 13 giờ ngày 6-11 phổ biến khoảng 40 – 100mm, một số nơi có lượng lớn hơn 150mm như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 158mm, A Lưới (Huế) 152mm, Nam Đông (Huế) 205mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 124mm.

Ở Tuy Hòa (Phú Yên) và Nha Trang (Khánh Hòa) đã có gió giật mạnh cấp 6.

Dự bão đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: TTDBKTTVTW

Dự bão đường đi của áp thấp nhiệt đới.  Ảnh: TTDBKTTVTW

Hồi 13 giờ ngày 6-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa đến Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 150km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km đi vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đến 1 giờ ngày 7-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 13 giờ ngày 7-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 103,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 1 giờ ngày 8-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 100,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa – Vũng Tàu có gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới có giật cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh Nam Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7. Từ gần sáng mai (7-11), vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh giật cấp 6 - 8. Biển động. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao 2,5-4m.

Ngoài ra, một cơn bão khác mang tên Haiyan sẽ vào biển Đông. Hồi 13 giờ ngày 6-11, bão Haiyan có vị trí ở vào khoảng 7,6 độ Vĩ Bắc; 138,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15, giật trên cấp 17. Dự báo bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 - 30km một giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Như vậy, khoảng đêm 8-11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông.

Song Nguyên

* TPHCM: Tích cực phòng chống bão

Sáng 6-11, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TPHCM chỉ đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành nghiêm lệnh cấm xuất bến từ 9 giờ đến khi có lệnh mới. Đồng thời chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó bão; sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão. Công an TP, Sở GTVT tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt các hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn, mưa bão gây ra. Bộ Tư lệnh TP, Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Sở Cảnh sát Phòng cháy- Chữa cháy TP và Công an TP duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động. 

Ông Lê Thanh Liêm (áo trắng), Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiểm tra, chỉ đạo tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Sơn Hải

Ông Lê Thanh Liêm (áo trắng), Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiểm tra, chỉ đạo tại huyện Cần Giờ. Ảnh: Sơn Hải

Thông báo khẩn sau đó của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TPHCM đề nghị đồng bào TP, nhất là bà con ở các vùng ven biển như huyện Cần Giờ, ven sông và vùng trũng thấp như các quận 2, 7, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, ngư dân và người lao động hành nghề trên biển, trên sông tuyệt đối chấp hành lệnh sơ tán di dời, ngừng ra khơi, đi lại trên các phương tiện giao thông đường thủy, neo đậu tàu thuyền theo đúng kỹ thuật, không ở lại trên chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà ở đơn sơ, tạm bợ. Chủ động và sử dụng vật liệu sẵn có tại chỗ để chằng chống lại nhà cửa chắc chắn an toàn, chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch sử dụng trong thời gian tránh bão.

Đồng bào TP liên tục theo dõi bản tin bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng, tránh, tự kiểm tra nơi ở, nơi làm việc, nơi sản xuất, đồng thời nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thực hiện phòng, chống, ứng phó lụt, bão, thiên tai. Khi có mưa to, gió lớn, nhân dân cần tìm nơi tránh trú an toàn, hạn chế đi lại trên đường khi nhu cầu chưa thật sự cấp bách để tránh xảy ra tai nạn do cây xanh, trụ điện, biển quảng cáo ngã đổ.

Đồng bào TP tạm thời hạn chế di chuyển đến vùng biển Cần Giờ trong thời gian ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành cơn bão số 13.

Sở GTVT chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cần thiết để tổ chức cắt, dọn cây xanh đổ ngã, đảm bảo giao thông huyết mạch thông suốt tại các tuyến đường của TP. Bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông tại các bến phà, đò ngang, đò dọc để nhân dân chuyển hướng di chuyển, không tập trung đi lại tại các bến tàu vận tải hành khách trong thời gian bão có khả năng đổ bộ vào TP. Dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy để kịp thời đáp ứng yêu cầu di chuyển dân cư, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ khi bão đổ bộ, ngập lụt…

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của cơn bão số 13 đang di chuyển vào đất liền trong đó có ảnh hưởng đến TPHCM, đề nghị đồng bào TP, các cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang; lãnh đạo các sở- ngành TP, quận- huyện, phường- xã- thị trấn khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó kịp thời, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của chính quyền địa phương, các cảnh báo của cơ quan chức năng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Nhằm đề phòng những bất trắc có thể xảy ra, nhiều trường học trên địa bàn TP đã thông báo cho cha mẹ đón học sinh về sớm.

Công Phiên

 * TPHCM: Huyện Cần Giờ ứng phó bão số 13

Ứng phó diễn biến phức tạp của cơn bão số 13, sáng 6-11, Đoàn cán bộ lãnh đạo TPHCM đã đến huyện Cần Giờ để khảo sát tình hình diễn biến của cơn bão, chỉ đạo cụ thể nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra.

Đến 9 giờ, các cơ quan chức năng và địa phương đã di dời được1.605 người dân từ xã đảo Thạnh An về thị xã Cần Thạnh, đến chiều cùng ngày trên toàn huyện đã di dời được 2.154 người.

Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng huy động lực lượng xung kích tại chỗ như dân quân tự vệ Quân sự xã, Công an xã, Bộ đội Biên phòng đóng trên các xã thị trấn tổ chức việc di dời các hộ dân sống ven sông, biển, rừng phòng hộ, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở... di chuyển đến các địa điểm tạm cư kiên cố an toàn.  

Theo ông Lê Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, kế hoạch di dời dân diễn ra sớm hơn so với dự kiến, lý do 7-8 giờ sáng là thời điểm nước cạn, chảy xiết nên việc cho tàu thuyền cập bến để di dời khó khăn, do đó Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện đã quyết định cho di dời từ 4 giờ sáng. Tổng cộng có 27 chuyến tàu đưa người dân về khu vực an toàn.

UBND các xã, thị trấn đã triển khai hướng dẫn hỗ trợ người dân chằng chống được 183 căn nhà đảm bảo an toàn. Về trường học, UBND huyện đã có công văn cho học sinh bắt đầu nghỉ từ ngày 6-11, đồng thời chuẩn bị các phương án phòng chống để bảo vệ tài sản và khắc phục hậu quả sau khi cơn bão đi qua.

Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ Cần Giờ và Coop Mart Cần Giờ đã chuẩn bị được 33 tấn gạo, 1.000 thùng mì gói và 37.000 lít nước uống. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã tiếp nhận được 550 thùng mì, 2 tấn gạo, 170 thùng nước suối, 2.000 quả trứng và 3.600 chai dầu gió. Tại các địa điểm tạm cư đều có bác sĩ và các nhân viên y tế để chăm lo sức khoẻ cho người dân, người già, trẻ em và người bị bệnh mãn tính đều có lực lượng dự phòng chăm sóc. Ông Trần Thế Kỷ , Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết đã cấm các đò dọc đò ngang trên địa bàn thành phố xuất bến kể từ 9g sáng nay.

Những suất cơm miễn phí phát cho người dân tại nơi tạm cư. Ảnh: Sơn Hải

Những suất cơm miễn phí phát cho người dân tại nơi tạm cư. Ảnh: Sơn Hải

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã khảo sát thực tế tại cầu Hải Đội 2, nơi tiếp nhận người dân từ xã đảo Thạnh An về đất liền; đến nhà thiếu nhi quận để kiểm tra nơi người dân tạm cư; đến bến đò Long Hoà để kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, qua đó ông Liêm đánh giá cao việc ứng phó phòng chống bão của huyện trong công tác đảm bảo an toàn di dời người dân, đưa tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn đảm bảo cuộc sống người dân nơi tạm cư.

QUANG KHOA

*Bình Thuận: Hướng dẫn tàu thuyền hoạt động trên biển tránh trú bão an toàn

Sáng nay, 6-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB & TKCN) tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để ứng phó với bão.

Hiện số tàu thuyền của tỉnh đang đánh bắt xa bờ là 448 chiếc, chủ yếu ở các khu vực Côn Sơn, Nam đảo Phú Quý đến giàn khoan Vũng Tàu; tàu hoạt động gần bờ là 2.288 chiếc với khu vực hoạt động ở ven biển Bình Thuận, Vũng Tàu, Kiên Giang và neo đậu tại bến là 5.061 chiếc. Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh yêu cầu tìm mọi biện pháp, mọi phương tiện để liên lạc với các tàu thuyền hiện đang hoạt động trên biển vào các khu neo đậu đề phòng vừa có bão, vừa có lũ.

Ông Nguyễn Ngọc Hai cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi, Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Bình Thuận, Ban Quản lý Dự án Thủy lợi 7 có kế hoạch rà soát, kiểm tra các hồ chứa lớn, các công trình đang thi công trên địa bàn, kiểm tra phương án tích nước, vận hành xả nước phù hợp, bảo đảm an toàn hồ chứa, đê, kè... nhằm chủ động vận hành điều tiết bảo đảm an toàn công trình và hạ du, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra.

Nguyên Vũ

*Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu: Tích cực chủ động phòng chống bão

Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sáng 6- 11, đoàn công tác thuộc ban chỉ huy đi đến các địa phương để phối hợp kiểm tra các phương án phòng chống lụt bão.

Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, tính đến chiều 5- 11, toàn tỉnh đã có 3.700 tàu thuyền được hướng dẫn di chuyển vào bờ,  3.000 tàu còn lại chưa di chuyển vào bờ. Có 2.000 tàu đánh bắt xa bờ đang được liên lạc thường xuyên và hướng dẫn di chuyển ra khỏi vùng tâm bão.

Các địa phương phải xuống các hộ dân, nhắc nhở gia đình liên lạc, nhanh chóng đưa ghe vào bờ và báo cáo cụ thể tình hình thực tế, những khó khăn nếu có để được giúp đỡ. Các địa phương, các ban ngành và người dân phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 13. Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú đậu an toàn; bảo đảm an toàn cho các lồng bè nuôi trồng hải sản.

Đặc biệt, các địa phương có tàu thuyền đánh bắt số lượng lớn như Phước Hải (huyện Đất Đỏ), Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Phước Tỉnh (huyện Long Điền), phường 5 -6 (thành phố Vũng Tàu… phải kiểm tra và có phương án di dời tàu vào khu vực phòng tránh trú bão.

Nguyễn Bình

* Khánh Hòa: Hai tàu cá trôi dạt trên biển

Tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện toàn tỉnh có 214 phương tiện và hơn 1.000 ngư dân đang đánh bắt tại các vùng biển, trong đó có 2 tàu đánh cá đang gặp sự cố, trôi dạt tự do, cần ứng cứu ngay.
Trước đó, lúc 7 giờ ngày 6-11, Biên phòng Khánh Hòa nhận được thông tin tàu cá KH-96761 do ông Dương Đực (trú phường Xương Huân, TP Nha Trang) làm thuyền trưởng, với 11 thuyền viên, bị hỏng máy và trôi dạt tại tọa độ 06042’N-109016’E, hướng trôi 100, tốc độ trôi 1,2 hải lý/giờ. Cách đó không lâu, vào lúc 6 giờ 25 phút ngày 6-11, Biên phòng Khánh Hòa cũng đã nhận được thông tin tàu cá KH 96778 do Trần Ngọc Báu (33 tuổi, trú Phổ Quang, Đức Phổ, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng, do gặp sự cố nên phương tiện đang thả trôi tại tọa độ 07046’N-108048’E, hướng trôi 2100, tốc độ trôi 01 hải lý/giờ. Biên phòng Khánh Hòa đã liên hệ với các đơn vị tìm kiếm cứu nạn để tiếp cận ứng cứu các tàu bị nạn.

* Ninh Thuận: Học sinh toàn tỉnh nghỉ học

Trước tình hình mưa bão, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học để tránh bão trong buổi chiều 6-11. Theo ông Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận, trước mắt sở cho học sinh nghỉ một buổi, sau đó căn cứ vào tình hình cụ thể sẽ có thông báo cho ngày mai.

Văn Ngọc

* Bến Tre: Sẵn sàng sơ tán dân ra ngoài vùng nguy hiểm

Chiều 6-11, thời tiết tại các địa phương ven biển tỉnh Bến Tre vẫn còn khá tốt, chưa có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Kiểm tra thực tế tại vùng biển huyện Bình Đại, ông Nguyễn Khánh Hoan, Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bến Tre, cho biết: “Vùng biển ven bờ chưa có sóng lớn, thời tiết khá tốt, nắng nhẹ. Toàn huyện đã kêu gọi 300 phương tiện đánh bắt vào bờ tránh bão”.

Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng NN-PTNT, Thường trực Ban chỉ huy PCLB huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cho hay: Ngay tối 5-11, toàn bộ lực lượng PCLB của huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn đã túc trực 24/24 tại các vùng trọng yếu để sẵn sàng giúp dân phòng tránh bão. Đến chiều 6-11, công tác chuẩn bị sơ tán dân tại Cồn Ngoài (xã Phú Thuận), Cồn Hố (xã An Thủy), Cù lao Đất (xã An Hiệp) đã hoàn tất, đang sẵn sàng chờ lệnh. Đến 15 giờ cùng ngày, có 400 phương tiện đánh bắt hải sản với 2.000 ngư dân vào nơi tránh bão, hiện còn 100 tàu đang trên đường vào bờ. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre đã bố trí hơn 400 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện chuyên dụng, xe cấp cứu sẵn sàng ứng phó, giúp dân phòng chống bão số 13.

* Tiền Giang: Học sinh nghỉ học tránh bão

Chiều 6-11, ông Nguyễn Thiện Pháp, Thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Tiền Giang, cho biết: Công tác phòng chống bão số 13 đang được các địa phương khẩn trương tiến hành, đặc biệt là các địa phương ven biển: Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Từ sáng 6-11, tuyến đò từ Vàm Láng (Gò Công Đông) đi Vũng Tàu đã tạm ngưng hoạt động. Từ chiều 6-11, toàn bộ học sinh huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và 2 xã ven biển của thị xã Gò Công là Bình Đông và Bình Xuân tạm nghỉ học tránh bão. Đặc biệt, toàn bộ 62 phương tiện đóng đáy sông Xoài Rạp với hàng trăm ngư dân của huyện Gò Công Đông được lệnh sơ tán khẩn cấp vào đất liền trước 15 giờ.

Các địa phương đang rà soát, di dời toàn bộ các hộ dân sống ngoài đê biển đưa vào nơi an toàn. Tỉnh đang kêu gọi 491 tàu đánh bắt xa bờ với 4.248 ngư dân và 18 tàu khai thác ven bờ với 144 ngư dân vào nơi trú tránh bão. Các bến đò ngang trên địa bàn tỉnh được thông báo phải tạm ngưng hoạt động khi thời tiết mưa bão nguy hiểm.

Trước những diễn biến của bão số 13, ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung công tác thông tin tuyên truyền diễn biến của bão. Bên cạnh đó, Ban chỉ huy PCLB- TKCN các huyện phải tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 để theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; Phát động nhân dân chằng chống nhà cửa đề phòng gió lốc, tổ chức di dời dân sống ngoài đê vào trong đê, di dời các hộ nhà không an toàn đến nơi an toàn, có kế hoạch bảo vệ kho tàng, bến bãi, nhà cửa, cơ sở hạ tầng… tránh thiệt hại do bão và triều cường gây ra.

      BÌNH ĐẠI 

>> Bão số 13 đổ bộ từ Phú Yên đến Cà Mau

Tin cùng chuyên mục