Bình Thuận: Xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Lạc Tánh được xây dựng tại bãi rác trung tâm của huyện miền núi Tánh Linh (Bình Thuận) có diện tích 6.000m²; trong đó phần xây nhà xưởng, sân phơi 3.000m², lắp đặt hệ thống điện 3 pha. Toàn bộ kinh phí xây dựng 1 tỷ đồng do Trung tâm Thiện Chí tài trợ. Chỉ với 7 công nhân điều hành hoạt động, mỗi tháng nhà máy đạt công suất chế biến 100 tấn rác thải các loại. Điều đáng nói, hệ thống sản xuất ở đây đã tận dụng nguồn rác thải hữu cơ có trong rác, chế biến thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương.

Theo ông Lương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học kỹ thuật Bình Thuận, nhà máy áp dụng xử lý rác thải bằng công nghệ yếm khí tùy nghi - sử dụng các chế phẩm vi sinh vật phân hủy rác thải. Tính năng vượt trội của công nghệ này là thời gian ủ rác thành phân trong vòng 28 - 30 ngày, không có mùi hôi thối, nước rỉ rác được tái sử dụng; phần rác thải hữu cơ chuyển sang phân compost chế biến thành phân hữu cơ. Theo quy trình 4 bước sau: rác thải sinh hoạt trong dân thu gom về nhà máy phân loại chất hữu cơ, vô cơ; thành phần hữu cơ đưa vào các hố ủ xây bán nổi bằng bê tông có dung tích 12m³, sử dụng chế phẩm sinh học phun đều sau mỗi lớp rác 10 - 15cm; lượng nước phun vừa đủ ấm, đậy bạt nhựa kín hố ủ, trong quá trình này nhiệt độ có thể lên đến 65 - 70°C. Sau 30 ngày, nhiệt độ hố ủ giảm xuống còn 40 - 45°C, rác thải ủ chín, đưa lên hố vào máy phân loại lần hai loại bỏ ni lông, các chất vô cơ còn sót lại và chúng tiếp tục được nghiền mịn. Khâu cuối cùng, máy bổ sung hàm lượng vi sinh, phối trộn với chất phụ gia tạo ra sản phẩm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp… 

Với công nghệ chế biến này, lượng hữu cơ 60% - 65% trong rác được xử lý hoàn toàn thành phân; giảm hẳn mùi hôi thối từ rác. Nước thải qua quá trình xử lý, tái sử dụng, hạn chế tối đa nguồn ô nhiễm; nhờ vậy nước rỉ rác không còn chảy ra đường giao thông như trước đây. Riêng lượng rác vô cơ khoảng 25% - 30% được nhân viên chôn lấp tại hố chứa rác; còn lại 5% là loại rác ni lông, giấy có thể tái chế. Bình quân mỗi tháng nhà máy chế biến thu được 6 tấn phân hữu cơ, 5 tấn ni lông, giấy các loại; sản phẩm phân bón bán cho nông dân trong vùng chỉ với giá 2,5 triệu đồng/tấn; giúp nhà máy duy trì hoạt động. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm nhà máy xử lý 1.200 tấn rác các loại, được xe chuyên dụng thu gom từ các chợ, nhiều tuyến đường chính trên địa bàn huyện Tánh Linh; khu vực chế biến không còn tồn đọng rác trên bãi gây ô nhiễm cục bộ, đem lại môi trường trong lành cho thị trấn Lạc Tánh.

Mô hình Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Lạc Tánh đã được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Đến nay đã nhân rộng thêm 2 nhà máy mới theo mô hình này tại huyện Bắc Bình và huyện đảo Phú Quý ở Bình Thuận.

THÁI KHOA

Tin cùng chuyên mục