Cần chọn công nghệ xử lý rác phù hợp

“Thực tế hiện nay, các địa phương phê duyệt dự án, lựa chọn công nghệ xử lý rác thải đều theo báo cáo của chủ đầu tư, không có nền tảng so sánh, cũng không có cơ sở đối chứng, dẫn đến nhiều dự án xử lý rác sau khi đi vào hoạt động bị vướng mắc nhiều vấn đề, như phí xử lý rác, công tác bảo vệ môi trường, sản phẩm đầu ra, hiệu quả kinh tế của dự án, và cuối cùng là khả năng trả nợ cho vốn vay không có” - đó là nhận định của ông Nguyễn Duy Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước.

Đánh giá mức độ hiệu quả trong quản lý công nghệ, ông Hòa cho biết, trong 7 năm qua, cả nước chỉ có 5 công nghệ xử lý rác được cấp giấy chứng nhận công nghệ phù hợp với điều kiện rác thải chưa qua phân loại đầu nguồn. Trong đó có 2 công nghệ Compost kết hợp đốt, 1 công nghệ chế biến nhiên liệu, 2 công nghệ đốt rác.

Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả của các công nghệ này vẫn chưa được công bố nên các địa phương không có cơ sở để lựa chọn công nghệ cho phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Nếu tổng hợp các nội dung văn bản quản lý về công nghệ xử lý rác, sẽ thấy việc quản lý giữa các bộ ngành trung ương còn nhiều chồng chéo. Các bộ ngành, giữa cơ quan quản lý và các tổ chuyên gia vẫn chưa thống nhất về quan điểm đánh giá công nghệ. Việc quản lý và phát triển công nghệ xử lý rác được giao cho Bộ KH-CN, nhưng việc triển khai các dự án lại thuộc quyền quản lý của bộ khác. Về cơ chế xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý rác vẫn chưa phù hợp, nhất là cơ chế về vốn, ưu đãi đầu tư, phí xử lý...

Nhìn toàn cảnh, hiện nay vấn đề xử lý rác thải vẫn chưa tìm được hướng giải quyết. TS Nguyễn Đình Hậu, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ KH-CN) đã thống kê, hiện nay có 458 bãi chôn lấp (quy mô trên 1ha), trong đó 121 bãi hợp vệ sinh, còn lại 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Trong thời gian tới, nếu không có phương án mới để xử lý rác thải thì số lượng bãi chôn lấp sẽ tăng theo lượng rác thải ngày một tăng dần, từ 11,5 triệu tấn/năm, dự báo đến năm 2020 là 30 triệu tấn/năm và 2040 là 40 triệu tấn/năm. Cái khó hiện nay là chúng ta vẫn chưa có công nghệ xử lý rác hoàn chỉnh, phù hợp với thói quen “không phân loại rác tại nguồn”.

Tại hội thảo “Giới thiệu, trình diễn công nghệ xử lý rác thải đô thị”, tổ chức mới đây tại TPHCM, nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn được trình bày, phân tích, tuy nhiên vẫn chưa có công nghệ nào giải quyết được tình trạng rác thải hiện nay.

Theo TS Nguyễn Văn Lạng, cái sai của chúng ta là khi thẩm định dự án, không xác định rõ tiêu chí ở Việt Nam là chưa thực hiện được phân loại rác tại nguồn, nghĩa là công nghệ phải xử lý được rác không phân loại; còn nếu yêu cầu phân loại ngay từ đầu thì công nghệ đó chỉ áp dụng được ở châu Âu. Cần phải có nhiều hội thảo về công nghệ xử lý rác để tìm ra công nghệ không cần phân loại, nếu không tái chế được thì ít nhất cũng phải tìm ra được công nghệ đốt với tỷ lệ chôn lấp không quá 15%. Như vậy sẽ giảm được diện tích chôn lấp rất lớn.

Để tìm hướng đi cho vấn đề rác thải, TS Nguyễn Đình Hậu đưa ra giải pháp cần sớm tập trung nguồn lực nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ hiện có, nhất là công nghệ đốt trực tiếp chất thải rắn có thu hồi nhiệt, để hạn chế xây dựng các bãi chôn lấp mới. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết giữa các viện, trường và các nhà khoa học cùng với doanh nghiệp để sớm tập trung nghiên cứu hoàn thiện mô hình từ thiết kế, xây dựng, quản lý và vận hành xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Phải nhanh chóng có công nghệ phù hợp, chúng ta mới hạn chế được tình trạng lãng phí trong đầu tư xử lý rác thải ở các tỉnh, thành, và cấp bách giải quyết vấn nạn rác thải chôn lấp ngày càng lớn - nguy cơ ô nhiễm môi trường sống.

ĐĂNG QUANG

Tin cùng chuyên mục