Giao thông thủy tắc nghẽn vì lục bình

Lục bình là loại cây thủy sinh đang phát triển mạnh trên hệ thống kênh rạch TPHCM. Sự phát triển nhanh quá mức của loại cây này đã gây tắc nghẽn hệ thống kênh rạch, dòng chảy. Hệ thống giao thông thủy cũng như vấn đề tiêu thoát nước của hệ thống kênh rạch thành phố tại nhiều khu vực gần như bị vô hiệu hóa. Chưa hết, kết quả phân tích mẫu lục bình cho thấy, trong thân và rễ loại cây này chứa rất nhiều chất thải ô nhiễm nguy hại.

Lục bình là loại cây thủy sinh đang phát triển mạnh trên hệ thống kênh rạch TPHCM. Sự phát triển nhanh quá mức của loại cây này đã gây tắc nghẽn hệ thống kênh rạch, dòng chảy. Hệ thống giao thông thủy cũng như vấn đề tiêu thoát nước của hệ thống kênh rạch thành phố tại nhiều khu vực gần như bị vô hiệu hóa. Chưa hết, kết quả phân tích mẫu lục bình cho thấy, trong thân và rễ loại cây này chứa rất nhiều chất thải ô nhiễm nguy hại.

TPHCM hiện có 170 tuyến kênh rạch với gần 700km bị lục bình, cỏ dại ngăn dòng chảy, phát sinh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều nhất là huyện Củ Chi. Kế đến là các quận huyện như Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân, quận 2, 12 và Cần Giờ.

Trong số 18 mẫu lục bình lấy tại nhiều điểm khác nhau của các quận, huyện cho thấy, thân và rễ cây đều chứa hàm lượng lớn chất kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân và cadium. Các chất ô nhiễm này đều vượt tiêu chuẩn từ 3 - 10 lần tiêu chuẩn cho phép. Thế nhưng cho đến nay tại TPHCM vẫn chưa có cơ quan chức năng nào thực hiện công tác vớt lục bình trên sông.

Về phía các đơn vị công ích quận huyện cho biết, họ chỉ làm những hạng mục vệ sinh môi trường mà thành phố giao. Riêng vớt lục bình thì đã từ lâu thành phố không còn giao cho đơn vị nào thực hiện, nên mới dẫn đến tình trạng bùng phát lượng lục bình quá lớn trên hệ thống kênh rạch. Mặt khác, để có thể thực hiện việc vớt lục bình, không phải công ty công ích quận huyện nào cũng có đầy đủ trang thiết bị để vớt. Điều này đòi hỏi phải có hệ thống thuyền hoặc ca nô để di chuyển trên sông. Đội ngũ chuyên thực hiện vớt phải có kinh nghiệm và nghiệp vụ.

Thậm chí, tại những tuyến kênh lượng lục bình quá lớn phải có hệ thống máy móc cơ giới mới có thể làm được. Trong khi đó, tại một số công ty công ích, đến xe thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt còn không đảm bảo, lấy gì để vớt lục bình trên sông.

Câu chuyện về loại cây lục bình tưởng chừng như đơn giản nhưng thực sự nan giải đối với TPHCM. Bởi lẽ, những tác hại của lục bình không đơn thuần là gây tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng hoạt động giao thông thủy mà nó còn góp phần gây nên tình trạng tồn ứ lượng lớn rác trong khu dân cư, gây ảnh hưởng chất lượng môi trường sống của người dân.

Bên cạnh đó, mức độ phủ kín bề mặt kênh rạch của lục bình đang lan nhanh đến mức báo động. Chỉ trong thời gian ngắn, nếu tình trạng này không sớm được xử lý thì sẽ dẫn đến nguy cơ hệ thống giao thông thủy có khả năng tê liệt. Kế hoạch phát triển du lịch đường sông của thành phố bị đe dọa. Và nghiêm trọng hơn là hình thành những ổ dịch bệnh đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân thành phố.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, hiện có rất nhiều giải pháp để có thể biến lục bình thành chất thải hữu ích. Và một trong số giải pháp đó là ủ hoai làm phân hữu cơ nhằm tăng thêm nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón cung cấp cho nông nghiệp. Quan trọng hơn là giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do lục bình gây ra. Tuy nhiên, trước khi có thể thực hiện giải pháp xử lý trên thì nhất thiết phải có giải pháp vớt được lục bình trên hệ thống kênh rạch.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục