Công bằng trong kinh doanh sản phẩm xanh

Việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường nhằm thiết lập sự công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp xanh và doanh nghiệp chưa thân thiện với môi trường. Thế nhưng chính sự bất cập trong công tác hậu kiểm, quản lý đã đặt nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính điêu đứng vì không thể cạnh tranh thị phần.
Công bằng trong kinh doanh sản phẩm xanh

Việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường nhằm thiết lập sự công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp xanh và doanh nghiệp chưa thân thiện với môi trường. Thế nhưng chính sự bất cập trong công tác hậu kiểm, quản lý đã đặt nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính điêu đứng vì không thể cạnh tranh thị phần.

Lợi cho doanh nghiệp làm ăn gian dối

Theo Công ty Bao bì Vafaco, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ đầu năm 2012 nhưng bộ tiêu chuẩn về sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm bao bì túi ni lông chưa có. Đến tháng 7-2012 mới có bộ tiêu chí sản phẩm túi ni lông thân thiện với môi trường. Và phải đến tháng 11, sản phẩm của công ty mới được chứng nhận. Trong thời gian đó, công ty đã phải vừa sản xuất và đóng thuế khiến giá thành sản phẩm túi ni lông tăng từ 40.000 đồng/kg lên 80.000 đồng/kg - một mức giá trên trời so với giá thành của bao bì trên thị trường lúc đó chỉ khoảng từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/kg.

Điều này cho thấy thuế môi trường không được áp dụng đồng bộ cho tất cả các doanh nghiệp. Nhất là với những doanh nghiệp tư nhân sản xuất nhỏ. Kết quả là hình thành sự méo mó trong thị trường kinh doanh mà lợi thế nghiêng về những doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Tấm lợp sinh thái là sản phẩm thân thiện môi trường được tái chế từ chất thải ni lông, nhựa.

Không chỉ vậy, đại diện Công ty Nam Thái Sơn cho biết thêm, hiện tại Việt Nam chỉ có mỗi Trung tâm 3 là có chức năng kiểm định chất lượng bao bì sản xuất của các công ty theo tiêu chuẩn thân thiện môi trường mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra. Tuy nhiên, khi công ty đưa sản phẩm kiểm định đến trung tâm này thì trung tâm không đủ trang thiết bị để phân tích, đánh giá. Cuối cùng công ty phải chuyển mẫu kiểm định sang nước ngoài nên tốn khoản chi phí hơn 20.000 USD/mẫu thử!

Vậy làm sao doanh nghiệp sản xuất chân chính, tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, đóng thuế đầy đủ có thể có giá thành sản xuất sản phẩm cạnh tranh được với những doanh nghiệp gian dối? Cục Thuế TPHCM cũng thừa nhận hiện không có sự công bằng trong cạnh tranh giữa những doanh nghiệp sản xuất bao bì thân thiện môi trường với những doanh nghiệp gian dối.

Điều đáng nói là dù biết như vậy nhưng ngành thuế cũng chưa có giải pháp hiệu quả nào để thu đúng, thu đủ thuế môi trường nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp. Chưa kể có nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng thuế khoán cho quận, huyện nên họ chịu mức thuế thấp hơn rất nhiều.

Khó trong cạnh tranh giá bán, các doanh nghiệp còn gặp khó trong việc thuyết phục người dân thay đổi thói quen sử dụng. Đại diện Ban quản lý chợ Đồng Khánh, quận 5 cho biết, từ năm 2013, quận đã phối hợp với Quỹ bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vận động tiểu thương ưu tiên tiêu dùng sản phẩm túi ni lông tự hủy.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn rất ít người duy trì thói quen đó vì chất lượng bao bì không được chắc và dai, thường xuyên bị rách toạc khi bỏ đồ vào. Mặt khác, do tính chất bao bì tự hủy là không để được thời gian lâu nên người dân có tâm lý không muốn sử dụng.

Giảm sử dụng hay tăng tái chế?

Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trung bình mỗi ngày môi trường thành phố tiếp nhận khoảng 70 tấn túi ni lông thải ra từ hoạt động sinh hoạt của người dân. Lượng ni lông này một phần theo quy trình thu gom chất thải được chuyển đến bãi chôn lấp. Phần còn lại đang thất thoát ra tự nhiên gây nguy hại cho môi trường. Cảnh báo từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước của TPHCM đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập nước tại thành phố ngày càng trầm trọng là do tắt nghẽn rác, chủ yếu là ni lông trong hệ thống cống rãnh thoát nước…

Để có thể giảm thiểu những tác hại từ thói quen sử dụng túi ni lông, theo bà Phạm Hoàng Thủy Nguyên, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Bình Thạnh, bên cạnh việc duy trì thường xuyên hoạt động tuyên truyền người dân chuyển thói quen sử dụng túi ni lông sang túi thân thiện môi trường, thì các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường cũng phải đa dạng hơn trong sản phẩm sản xuất, đáp ứng tối đa nhu cầu thực tế, cải thiện chất lượng bao bì. Và quan trọng nhất là giảm được giá thành sản phẩm.

Một yếu tố khác, đó là tăng năng lực tái chế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trên thực tế, lượng rác là túi ni lông ra đến bãi chôn lấp khá ít, chiếm khoảng 1% - 2%. Số còn lại trong quá trình thu gom đã được phân loại và chuyển giao đến các đơn vị tái chế tư nhân. Chỉ có điều, những đơn vị này hoạt động với quy mô nhỏ nên không quan tâm cũng như không đảm bảo yếu tố an toàn môi trường.

Thế nhưng, một khi nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển một cách hợp lý, tạo điều kiện cho họ mở rộng quy mô sản xuất cũng như đảm bảo điều kiện kỹ thuật an toàn môi trường, chắc hẳn sẽ hình thành ngành công nghiệp tái chế mà ở đó, vấn đề thải bỏ và xử lý chất thải bằng biện pháp chôn lấp hoàn toàn có thể được thay bằng giải pháp tái chế, tái sử dụng hoàn toàn. Giải pháp này không những tiết kiệm nguồn tài nguyên vô tận từ rác thải mà giúp giảm thiểu hiệu quả và bền vững thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay của TPHCM nói chung và cả nước nói riêng.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục