Bảo vệ nguồn nước sạch, cách nào?

Chính phủ Nhật Bản vừa thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ Việt Nam bảo vệ nguồn nước hệ thống lưu vực sông. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam nhận sự hỗ trợ của một nước khác với mong muốn bảo vệ hiệu quả chất lượng nguồn nước hệ thống sông, nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân. Thế nhưng, không phải lúc nào hiệu quả cũng đạt được như mong đợi.

Gần đây, Chính phủ Pháp đã hỗ trợ Việt Nam bảo vệ hệ thống sông Đồng Nai - một trong những con sông huyết mạch đảm bảo sự sống cho gần 20 triệu dân khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam. Thế nhưng, nhiều chuyên gia Pháp khó lòng thực hiện được vì không hiểu tại sao ở Việt Nam lại có quá nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý chất lượng nguồn nước của con sông này. Cụ thể, nếu tính đúng, tính đủ thì hiện chỉ riêng sông Đồng Nai có đến 11 tỉnh thành tham gia khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước.

Phạm vi sử dụng và quản lý tạm chia theo địa giới hành chính. Tức là đoạn sông thuộc địa phận của tỉnh thành nào sẽ do tỉnh thành đó chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và sử dụng. Chính vì thế mới có tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh đó quy hoạch cấp phép đầu tư,  thậm chí cấp phép cho cả những ngành nghề được khuyến cáo không nên đầu tư khu vực thượng nguồn… Các chuyên gia Pháp khẳng định, hiện chất lượng nguồn nước hệ thống sông ngòi Việt Nam đã bị suy thoái nghiêm trọng. Thế nhưng, nhiều giải pháp, dự án nhằm cải thiện chất lượng nguồn nước khó đạt hiệu quả như mong muốn vì sự phân tán quản lý.

Để cải thiện tình trạng phân tán trong quản lý hệ thống sông ngòi, nhiều ủy ban quản lý hệ thống lưu vực sông đã được hình thành. Thế nhưng, với việc phân quyền không rõ ràng, nên kết quả cũng không đi đến đâu. Đơn cử như hệ thống sông Đồng Nai, việc quản lý được giao theo nhiệm kỳ luân phiên do chủ tịch UBND của một tỉnh đảm trách là khó khả thi. Bởi lẽ, chủ tịch UBND tỉnh này chỉ được giới hạn quyền trên tỉnh đó.

Hơn nữa, việc lập dự án đầu tư hạ tầng phục vụ công tác quản lý chất lượng nguồn nước sông không thể mở rộng ra tỉnh bạn. Đặc biệt, chủ tịch ủy ban bảo vệ lưu vực hệ thống sông càng không có quyền can thiệp vào quy hoạch và cấp phép đầu tư ngành nghề trên tỉnh bạn. Vậy thì cơ sở nào để quản lý hiệu quả chất lượng nguồn nước sông. Thực tế cho thấy, bất chấp các tỉnh thành hạ nguồn đã gửi kiến nghị, thậm chí yêu cầu các tỉnh khu vực thượng nguồn không giảm diện tích rừng, không cho phép doanh nghiệp hoạt động ngành nghề nhạy cảm môi trường được đầu tư… Thế nhưng vì lợi ích kinh tế của tỉnh, những khuyến cáo, kiến nghị trên đều bị bỏ qua. Kết quả là thượng nguồn xả thải ô nhiễm, hạ nguồn hứng chịu…

Có thể thấy, dựa vào ngoại lực để cải thiện chất lượng nguồn nước là cần thiết nhưng để có thể tận dụng tốt hơn ngoại lực thì trước tiên phải cải tạo nội lực bản thân. Trong đó, nhất thiết phải hợp nhất cơ quan quản lý hệ thống sông ngòi. Kinh nghiệm từ Chính phủ Pháp cho thấy, nhất thiết phải có Ủy ban quản lý vùng đối với sông ngòi.

Ủy ban này sẽ quản lý cả việc cấp phép sử dụng nguồn nước cũng như xả thải nguồn nước vào sông. Riêng với những dự án nhằm cải thiện chất lượng nước sông, cần phải có sự tham vấn của cộng đồng - những người đang sinh sống dọc hệ thống sông ngòi. Có như vậy mới mong có sự đầu tư, quy hoạch và phát triển đồng bộ, bền vững cho chất lượng nguồn nước sông.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục