Cần giải pháp đồng bộ để kiểm soát chất lượng nước thải

Cần giải pháp đồng bộ để kiểm soát chất lượng nước thải

80% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, có nơi lưu chứa chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Đó là mục tiêu mà TPHCM phải đạt được vào năm 2015. Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TN-MT), cho đến nay chỉ mới cơ bản kiểm soát được chất lượng nguồn thải lớn. Còn những nguồn thải có khối lượng từ 10m³ trở xuống đang vấp phải nhiều khó khăn.

Chỉ mới kiểm soát nguồn thải lớn

Ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM (Sở TN-MT) cho biết, thống kê sơ bộ, trên địa bàn thành phố có khoảng 3.300 nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Trong đó, có khoảng 2.100 nguồn thải lưu lượng từ 10 - 30m³/ngày, 450 nguồn thải lưu lượng từ 30 - 50m³/ngày và 750 nguồn thải lưu lượng từ 50m³/ngày trở lên. Hiện nay, cơ bản đã kiểm soát được các nguồn thải có lưu lượng từ 50m³/ngày đêm trở lên, đạt khoảng 80% (600/750 nguồn thải); lưu lượng từ 30 - 50m³/ngày, đạt khoảng 50% (225/450) và lưu lượng từ 10 - 30m³/ngày, đạt khoảng 30% (315/2100). Như vậy đến nay có 35% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn môi trường (tương đương 1.140/3.300 cơ sở).

Tuy nhiên, nếu tính theo lưu lượng xả thải thì các nguồn thải có lưu lượng từ 30m³/ngày trở lên chiếm đến 90% tổng lưu lượng xả thải, nguồn thải từ 10 - 30m³/ngày chiếm 6%, và nguồn thải dưới 10m³/ngày chỉ chiếm khoảng 4% tổng lưu lượng xả thải của các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Như vậy đối với các nguồn thải chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng xả thải trên 30m³/ngày, có gần 70% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (825/1200).

Sở TN-MT TPHCM tăng cường kiểm tra hoạt động xử lý nước thải của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Lý giải thực tế trên, về phía Sở TN-MT cho biết, thời gian qua do tập trung ưu tiên kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn nên các nguồn ô nhiễm nhỏ với lưu lượng từ 10 - 30m³/ngày và dưới 10m³/ngày kiểm soát ít hoặc chưa kiểm soát. Tuy nhiên các nguồn thải dưới 10m³/ngày (chiếm 4% tổng lượng xả thải), chủ yếu là nước thải sinh hoạt phát sinh từ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, ăn uống. Nước thải thường chỉ được xử lý sơ bộ qua song chắn rác, tách mỡ và qua bể tự hoại rồi xả vào nguồn tiếp nhận. Mặt khác, việc kiểm soát ô nhiễm còn manh mún, chưa đồng bộ từ các ngành, các cấp. Các số liệu điều tra, thống kê, thanh tra chỉ là những số liệu thô, chưa được số hóa, cập nhật, dẫn đến tình trạng kiểm soát không đầy đủ, toàn diện hết các nguồn thải (chỉ kiểm soát được các nguồn thải lớn, ô nhiễm cao).

Cần đẩy nhanh giải pháp đồng bộ

Để có thể cải thiện hiệu quả tình trạng trên, trước mắt, Sở TN-MT TP sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường. Cho phép áp dụng các biện pháp xử lý mạnh như tạm đình chỉ, niêm phong công đoạn sản xuất gây ô nhiễm hoặc đình chỉ sản xuất, buộc di dời đối với cơ sở tái phạm nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhằm ngăn chặn các cơ sở cố tình gây ô nhiễm môi trường và răn đe các cơ sở khác không dám vi phạm. Đối với các nguồn thải có lưu lượng nước thải trên 1.000m³/ngày đêm, bắt buộc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động từ năm 2015 để kết nối vào hệ thống quan trắc, giám sát của thành phố.

Về lâu dài, sẽ tập trung điều tra, kiểm soát và cập nhật toàn diện các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 10m³/ngày đêm trở lên. Việc cập nhật thông tin này sẽ được số hóa lên bản đồ GIS nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thường xuyên các nguồn thải và kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm. Thế nhưng, để có thể thống kê đầy đủ, tạo cơ sở quản lý kiểm soát chặt chẽ nguồn thải nói chung, thành phố cần phải đồng bộ với giải pháp này bằng cách đẩy nhanh việc xây dựng chương trình phần mềm nhằm cập nhật toàn diện, đồng bộ dữ liệu của các nguồn thải. Trong đó định kỳ liên tục cập nhật sự biến động môi trường của các cơ sở và lập kế hoạch thường xuyên kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Nếu có thể triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, đến cuối năm 2015 mục tiêu 80% - 90% cơ sở có lưu lượng nước thải từ 10m³/ngày đêm trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn, mới có thể đạt được.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục