Hai bờ sông Sài Gòn sẽ “thay da đổi thịt”

Hai bờ sông Sài Gòn sẽ “thay da đổi thịt”

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, có hai đồ án quy hoạch chính sẽ định hình nên diện mạo khu vực trung tâm TPHCM nằm dọc theo sông Sài Gòn. Đó là, đồ án quy hoạch xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm (bờ Đông) và đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930ha - bao gồm một phần quận Bình Thạnh, một phần quận 4 và toàn bộ quận 1, quận 3 (bờ Tây). 

Nhộn nhịp bờ Tây

Bờ Tây sông Sài Gòn những ngày này hối hả, tấp nập với nhiều dự án đô thị mới thuộc quy hoạch Khu dân cư đa chức năng Ba Son, Tân Cảng Sài Gòn. Đang xây dựng ồ ạt là khu dân cư Vinhome và tòa tháp Landmark cao nhất Đông Nam Á. Đây sẽ là dự án điểm nhấn của TPHCM trong năm 2016, khi một phần khu đô thị tòa tháp hình thành. Theo quy hoạch, bên cạnh khu dân cư cao cấp, nơi đây còn có khu thương mại, văn phòng làm việc, khách sạn 5 sao, các tổ hợp giải trí hiện đại… với mật độ xây dựng chung của khu đô thị khoảng 35%, số tầng được xây dựng tối đa là 55 tầng (tương đương chiều cao 220m); tổ chức không gian kiến trúc theo hướng thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn. Đến nay, hình dáng của khu vực này ngày một rõ hơn, nhất là khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang triển khai xây dựng một nhà ga ở đây, tạo ra một tiện ích về giao thông vượt trội so với nhiều khu dân cư mới khác của TPHCM.

Nhiều khu căn hộ cao cấp mọc lên bên sông Sài Gòn. Ảnh: Cao Thăng

Cũng trên trục này, dịch về phía Ba Son, một khu dân cư đa chức năng hiện đại khác sẽ được hình thành trên khu vực cảng Sài Gòn (hiện hữu), đang được gấp rút triển khai. Theo quy hoạch, cảng biển trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son, cảng Sài Gòn sẽ được di dời một phần ra khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và một phần ra khu vực Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phần đất của cảng Sài Gòn sẽ được chuyển đổi công năng làm khu dân cư Ba Son đa chức năng.

Đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM rộng 930ha được công bố giữa năm 2013 xác định, dải bờ Tây sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận rộng 275ha là khu vực phát triển mới đa năng. Chạy dọc suốt bờ sông sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và công viên công cộng. 

Bờ Đông: Thấy dần hình dáng đô thị mới Thủ Thiêm

Sau nhiều năm chưa có những bước đi rõ ràng trên thực tế ngoài việc xây dựng một số khu tái định cư, bắt đầu từ năm 2015, người dân TPHCM đã thấy dần hình dáng của đô thị mới Thủ Thiêm. Mở đầu là 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới: đại lộ vòng cung 6 làn xe, đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), đường ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1, gồm 2 làn xe), đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam. Tổng chiều dài của 4 tuyến đường gần 12km, trong đó có 10 cây cầu. Mức đầu tư của 4 dự án hơn 12.000 tỷ đồng. Và, bây giờ đã thêm khu đô thị mới Sala… 

Kết nối với bờ Tây và bờ Đông sông Sài Gòn là hàng loạt cây cầu mới (Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2…), chưa kể hầm vượt sông Sài Gòn đã được đưa vào sử dụng. Chắc chắn còn phải mất nhiều năm nữa, các dự án, bao gồm cả dự án khu dân cư đa năng mới, cầu vượt sông... mới  được hoàn thành. Thế nhưng, ngay trong năm nay - 2016, hình dáng ban đầu của chúng đã dần tạo nên bước chuyển mới cho diện mạo khu vực trung tâm TPHCM.  dân cư phát triển đồng bộ gồm nhà ở, trung tâm thương mại… tại các nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Hiện nay, các nhà ga của tuyến metro này đã có một số dự án phát triển khu dân cư mới như khu dân cư được xây dựng trên diện tích của Nhà máy Xi măng Hà Tiên (sẽ được di dời), khu dân cư tại depot Suối Tiên…

 Sẽ có thêm nhiều khu đô thị mới

Phải kể đầu tiên là khu đô thị Bình Qưới - Thanh Đa. Sau gần 20 năm bị quy hoạch “treo”, giờ khu đô thị này đã có nhà đầu tư mới là Tập đoàn Bitexco. Tập đoàn này đã được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2000 của dự án với toàn bộ 426 ha đất bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, tương đương với diện tích toàn phường 28. Theo đồ án quy hoạch do Bitexco thực hiện, chức năng chủ đạo của bán đảo trong tương lai sẽ là khu dân cư đô thị sinh thái, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại. Đây cũng là trung tâm tri thức và công nghệ mới với 45.000 dân, tăng gấp 3 lần so với số dân hiện hữu của phường 28.

Bên cạnh đó, năm 2015, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với các sở ngành liên quan, thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch huy động vốn, kêu gọi đầu tư cho khu vực dọc sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2016.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục