Ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn: Đòi hỏi tư duy mới

- Phóng viên:
Ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn: Đòi hỏi tư duy mới

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về định hướng và giải pháp ứng phó với tình trạng thời tiết khắc nghiệt hiện nay, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, không thể suy nghĩ và hành động theo lối cũ, cũng không thể áp dụng một cách máy móc kinh nghiệm của những nước, những vùng miền có điều kiện thời tiết khác biệt với Việt Nam mà có thể đưa ra những giải pháp ứng phó.

TS Nguyễn Đức Kiên

- Phóng viên: Thưa ông, tình hình hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL đang gây khó khăn rất lớn cho đời sống của người dân và canh tác nông nghiệp tại các khu vực này. Trên quan điểm phát triển bền vững, vậy cần có những giải pháp gì để ứng phó, thưa ông?

>> TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Hạn hán và xâm nhập mặn, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, là một thực tế khách quan, là sự cộng hưởng của các hiện tượng tự nhiên như EL Nino với biến đổi khí hậu (BĐKH) và cả sự ứng xử chưa thích hợp của con người, trong đó có cả các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông. Nhận thức về BĐKH, khả năng dự báo cũng như ứng phó là một quá trình, đồng thời phụ thuộc vào cả nguồn lực cũng như điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Nhưng tôi cho rằng, nguyên tắc quan trọng nhất là chung sống hòa bình với tự nhiên.

Bên cạnh đó, có tác động đáng kể của yếu tố địa chính trị trong vấn đề này. Đây chính là lúc các nhà khoa học phải nỗ lực tối đa để cung cấp cho các nhà chính trị những cứ liệu khoa học thuyết phục về sự biến đổi dòng chảy, thủy chế, tác động của việc sử dụng nước ở thượng nguồn đến hạ nguồn… để đàm phán với các nước thượng nguồn. Mục tiêu của chúng ta là kiên quyết bảo vệ quyền lợi của dân tộc, của quốc gia bằng phương thức ngoại giao.

- Mới đây, GS-TS Võ Tòng Xuân có lên tiếng cho rằng nên giảm bớt diện tích trồng lúa nước, ông có cho rằng đây là giải pháp hợp lý?

Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Báo cáo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020 cấp quốc gia và cơ bản đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Theo dự thảo báo cáo này, tới đây sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 400.000 ha diện tích đất trồng lúa, nhưng sẽ bảo vệ, không làm mất các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại được, nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa. Cụ thể, hiện nay diện tích trồng lúa của cả nước là hơn 4,03 triệu ha. Theo tính toán, đến năm 2020, đất trồng lúa cả nước là hơn 3,76 triệu ha và nếu năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha thì sản lượng lúa vẫn đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. Hơn nữa, việc giảm bớt diện tích đất trồng lúa nước cũng sẽ giúp tiết kiệm nước canh tác, là một cách thức mềm dẻo để ứng phó với BĐKH. Điều này cũng có nghĩa là không gian sinh hoạt, không gian canh tác nông nghiệp cũng cần thay đổi theo, kéo theo việc điều chỉnh - bổ sung hàng loạt quy hoạch đô thị - nông thôn - phát triển kinh tế ngành.

Những việc kể trên là rất cần, nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì lề lối canh tác cũ. Chẳng hạn, nếu như muốn nuôi gia súc, người nông dân cần tính toán cách thức dự trữ nước cho chúng; diện tích trồng cà phê cũng phải tính, không thể phát triển tràn lan và nên áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước… Làm lúa nước cũng thế, chúng ta có nên lựa chọn những giống ngắn ngày, làm tới 3 vụ để rồi chỉ thu được lúa gạo phẩm cấp thấp nữa hay không? Hoàn toàn có thể chỉ làm hai vụ, chọn giống tốt, tập trung xây dựng và củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tôi tin rằng như thế giá trị thu được cũng không hề kém. Nhưng xin nhấn mạnh là phải làm điều này dựa vào quy luật của thị trường chứ bằng biện pháp hành chính thì sẽ thất bại.

- Điều ông nói liệu có vượt quá khả năng, nguồn lực của các hộ nông dân hiện nay? Chi phí cho công nghệ mới rất đắt, trong khi ngay cả cuộc sống, sinh hoạt của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn?

Người dân, doanh nghiệp phải là chủ thể trong quá trình chuyển đổi cuộc sống của họ, nhưng đúng là với mô hình làm kinh tế nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay thì không thể đạt được mục đích đó. Chính vì thế, sau khi Đảng đã có định hướng, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần tạo điều kiện thông qua khuôn khổ chính sách khuyến khích ưu đãi phát triển nhằm xây dựng một mô hình kinh tế mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và gắn bó chặt chẽ với các chương trình phát triển nông thôn mới… Đây chính là lúc các nhà khoa học, từ khí tượng thủy văn cho đến nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ… cần phải vào cuộc một cách quyết liệt để tìm ra giải pháp thiết thực, khả thi nhất. Thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng vừa qua dấu ấn của các nhà khoa học còn khá mờ nhạt trong nỗ lực chung để giải quyết tình hình.

Tựu trung, cả xã hội, cả hệ thống chính trị phải đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy, chứ không thể hành động theo quán tính, suy nghĩ cũ. Nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là tình hình mới đòi hỏi phải có tư duy mới, biện pháp mới.

- Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục