Đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên năm 2020

Năm 2020 tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên sẽ đưa vào khai thác - đây là khẳng định của Ban Quản lý Đường sắt đô thị tại buổi họp báo chiều 15-3.

(SGGPO).- Năm 2020 tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên sẽ đưa vào khai thác - đây là khẳng định của Ban Quản lý Đường sắt đô thị tại buổi họp báo chiều 15-3.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị, cuối năm nay gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến Nhà ga Nhà hát Thành phố dài 515m sẽ khởi công xây dựng, thời gian thi công và hoàn thiện 48 tháng.

Đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son (gồm 2 nhà ga ngầm và đoạn hầm dài 1.315m) mới triển khai thi công đạt khoảng 11%. Hiện đơn vị thi công đang gia cố nền đất tại khu vực Nhà hát Thành phố để triển khai công đoạn khoan ngầm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là dễ gặp mạch nước ngầm, tuy nhiên với năng lực và  kinh nghiệm của nhà thầu Nhật Bản việc xử lý khá tốt và đảm bảo chất lượng công trình tuyệt đối.

Gói thầu số 2 “Xây dựng đoạn trên cao và depot” đã thực hiện tổng thể được khoảng 50% khối lượng và 6 triệu giờ lao động an toàn; Gói thầu số 3 “Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng” đang trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật; gói thầu số 4 “Hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng” dự kiến triển khai đấu thầu thực hiện từ năm 2017.

Về đề xuất một công ty của Nhật Bản về dự án "Khu phố ngầm Nhà ga trung tâm Bến Thành - Nhà ga Nhà hát Thành phố" (quận 1, TPHCM) với 4 tầng hầm, bao gồm tổ hợp phố đi bộ ngầm, quảng trường công cộng, công trình phụ trợ và khu vực cửa tiệm gắn liền với tổ hợp.

Dự án có tổng số vốn gần 8.400 tỷ đồng, trong đó vốn của UBND TPHCM (vốn ODA) gần 5.000 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư (vốn PPP + FDI). UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời lấy ý kiến các cơ quan chức năng để đánh giá các phương án của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Về cơ cấu đầu tư, thành phố sẽ xây dựng lối đi công cộng, quảng trường công cộng và các công trình phụ trợ đi kèm. Còn nhà đầu tư xây dựng và quản lý khu vực cửa tiệm bằng hình thức đầu tư trực tiếp và xây dựng một phần dự án công bằng nguồn vốn tư nhân theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao)... Nếu chấp thuận công trình dự kiến triển thi công vào cuối năm 2019 đến năm 2024.

Về tuyến metro số 2, UBND TPHCM đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, trong đó có khoảng 679 hộ bị ảnh hưởng. Hiện Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã bàn giao ranh thu hồi đất cho các quận huyện dọc tuyến triển khai khảo sát, đo đạt kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng để lập phương án bồi thường. 

Đối với dự án tuyến Metro số 5 giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) với tổng mức đầu tư 1.563 triệu EURO (tổng mức đầu tư này đã được Tư vấn Haskoning do Ngân hàng Đầu tư châu Âu tài trợ rà soát, cập nhật và kiểm tra và được sự đồng thuận của các nhà tài trợ), trong đó, vốn đối Việt Nam 463 triệu Euro (giải phóng mặt bằng). Hiện tại, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đoạn từ Bến xe Cần Giuộc mới đến cầu Sài Gòn). Giai đoạn 2 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới), Chính phủ Hàn quốc đã hỗ trợ kỹ thuật 5 triệu USD để thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục