Tăng tốc phát triển Thủ Thiêm

LTS: Việc TPHCM phát triển, đứng đầu khu vực Đông Nam Á không những là mong mỏi của lãnh đạo mà còn là của toàn thể nhân dân thành phố. Mong mỏi này được thể hiện ở rất nhiều chủ trương, chính sách, các đồ án quy hoạch… của Trung ương và TPHCM. Tìm giải pháp thực hiện, đưa chủ trương, chính sách vào thực tế cuộc sống là vấn đề quan trọng nhất hiện nay của TPHCM nhằm đạt được mục tiêu trên.
Tăng tốc phát triển Thủ Thiêm

LTS: Việc TPHCM phát triển, đứng đầu khu vực Đông Nam Á không những là mong mỏi của lãnh đạo mà còn là của toàn thể nhân dân thành phố. Mong mỏi này được thể hiện ở rất nhiều chủ trương, chính sách, các đồ án quy hoạch… của Trung ương và TPHCM. Tìm giải pháp thực hiện, đưa chủ trương, chính sách vào thực tế cuộc sống là vấn đề quan trọng nhất hiện nay của TPHCM nhằm đạt được mục tiêu trên. 

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13-2-2014, “TPHCM sẽ là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế…”. Để TPHCM trở thành “số 1”, không thể tách rời định hướng này.

Phố Đông” chưa đông…

Khu đô thị mới Thủ Thiêm - mệnh danh là “Phố Đông” của TPHCM, được chính TPHCM quy hoạch là trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ của thành phố và khu vực. Thế nhưng, sau gần 20 năm kể từ ngày đồ án quy hoạch được công bố, “Phố Đông” vẫn chưa… đông người đến làm ăn, kinh doanh.

Các cao ốc khu Sarimi tại Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Những ngày này tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc thi công 4 tuyến đường chính của cả khu đô thị đang được triển khai. Tuy nhiên, do phần lớn đang vào giai đoạn xử lý lún nền đất công trình nên không khí công trường khá vắng vẻ, chỉ có vài máy móc hoạt động. Kế bên đó, công tác thi công Khu đô thị mới Sala, thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tấp nập hơn song cũng mới có vài block chung cư cùng hơn chục căn biệt  thự và một số nhà liên kế… “Bao giờ hạ tầng cơ bản hoàn thành để có thể kêu gọi các nhà tài chính, ngân hàng, thương mại… vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm? Chưa ai có câu trả lời chính xác. Trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho hay, trong 4 tuyến đường chính, chỉ có đường Ven Hồ có thể hoàn thành vào dịp 2-9-2016 sắp tới. Đường Vòng Cung và đường Lâm Viên dự kiến hoàn thành đúng kế hoạch vào tháng 2-2017. Đường Ven Sông vướng giải tỏa nên chưa biết lúc nào sẽ xong. Nhà thầu thi công cam kết sẽ dùng các biện pháp xử lý nền đất mới, hiện đại để rút ngắn thời gian chờ nền đất ổn định, cố gắng phấn đấu đưa công trình hoàn thành sớm. Tuy nhiên, chi phí đầu tư xây dựng sẽ phải tăng lên! Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang cùng ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công cho đường Ven Sông để “Phố Đông”, một trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ tầm cỡ, sớm hình thành ở Thủ Thiêm.

Theo ban quản lý, hiện nay phần lớn các nhà đầu tư đến với dự án xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm là các nhà đầu tư bất động sản. Những nhà đầu tư tài chính, ngân hàng, thương mại rất ít. Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất muốn chào đón các nhà đầu tư tài chính, ngân hàng… thế nhưng, do thời gian đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị kéo dài, hầu hết các ngân hàng lớn, các tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam cùng nhiều văn phòng của các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài đã tìm được chỗ đặt trụ sở ổn định ở quận 1, 3… Bây giờ, “kéo” họ qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chuyện không dễ.

Chủ động hơn cho TPHCM

Ba năm trước, một nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Luật (thuộc Đại học Quốc gia TPHCM) với sự giúp đỡ của Quỹ Châu Á đã tiến hành nghiên cứu về việc phát triển chính quyền đô thị tại Việt Nam, trên thực tế tại TPHCM và Đà Nẵng. Trong nghiên cứu này có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là nhận xét của nhóm chuyên gia: “Nếu thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án xây dựng của các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng ở TPHCM giảm bằng thời gian làm thủ tục của các DN tại Đà Nẵng, nguồn vốn được đưa nhanh vào nền kinh tế, sẽ giúp cho GDP của TPHCM tăng thêm 0,21% (tính vào thời gian thực hiện nghiên cứu)”. Một trong những lý do quan trọng đưa đến thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng ở TPHCM lâu hơn các địa phương khác là do quy mô lớn của dự án. Dự án lớn phải xin phép đầu tư ở các bộ, ngành trung ương như đã nói ở trên. Đưa ra con số này để thấy rằng, việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian làm thủ tục đầu tư có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển thành phố nói chung và Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng.

Xử lý bất cập này như thế nào? Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trưởng nhóm nghiên cứu nêu trên, phải bắt đầu từ việc kiến nghị Trung ương cho TPHCM được xây dựng mô hình chính quyền phù hợp với đặc điểm của một đô thị lớn. Đây là vấn đề không thể “một sớm, một chiều” nên trước mắt, đề nghị Chính phủ cho TPHCM chủ động hơn trong việc kêu gọi đầu tư. Đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được Chính phủ phê duyệt thì việc kêu gọi đầu tư để Thủ Thiêm phát triển đúng quy hoạch nên được giao về cho địa phương. Chính phủ cũng nên cho TPHCM chủ động tính toán đưa ra các phương án kêu gọi đầu tư hiệu quả nhất, nhanh nhất. GS-TS Nguyễn Thị Cành cho biết, Đà Nẵng đã có kinh nghiệm này khi “vượt rào” một số quy định để sớm đưa dự án vào triển khai trong thực tế. TPHCM có thể tham khảo bài học này nhưng nên báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu, rộng như hiện nay, nếu không linh hoạt, quyết liệt, dám làm, dám chịu trách nhiệm, rất khó thành công. Nhìn ở góc độ địa phương, ông Hoàng Minh Trí, Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng thành phố cũng phải chủ động đưa ra những chính sách hoặc đề xuất Chính phủ cho thực hiện những chính sách ưu đãi đầu tư vào những khu vực mà TPHCM chọn làm trọng tâm. Bây giờ đã quá muộn nhưng “có vẫn hơn không”, TPHCM nên sớm có chính sách ưu đãi cho những DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ… đầu tư vào Thủ Thiêm. Thậm chí có thể nghiên cứu đến phương án hạn chế đầu tư vào khu trung tâm hiện hữu, hướng nhà đầu tư qua đầu tư ở Thủ Thiêm như Tiến sĩ Trần Du Lịch đã từng nêu ý kiến trong buổi công bố đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Việc này không những giúp Thủ Thiêm sớm trở thành “Phố Đông” như kỳ vọng mà còn giúp giảm tải cho khu trung tâm hiện hữu của TPHCM, ông Hoàng Minh Trí nói.

Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã có một nhà đầu tư Hàn Quốc muốn đầu tư xây dựng trung tâm tài chính, thương mại và nhà ở. Thế nhưng đã 2 năm trôi qua, nhà đầu tư này vẫn chưa thể hoàn thành được thủ tục đầu tư. Theo các quy định hiện hành, với quy mô lớn như thế, nhà đầu tư phải làm thủ tục đầu tư ở các bộ ngành. Việc phải “chạy thủ tục” lòng vòng từ TPHCM ra Hà Nội và quay trở lại TPHCM đang làm nản lòng không ít nhà đầu tư đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có cả nhà đầu tư Hàn Quốc nêu trên.


Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục