Người dân khốn đốn vì nắng nóng

Đợt nắng nóng khủng khiếp với nền nhiệt vượt 40°C, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, người nhập viện cũng tăng mạnh. 
Người dân khốn đốn vì nắng nóng

Mới 8 giờ sáng nhưng nắng chói chang, hơi nóng hầm hập khiến các phòng khám ở Bệnh viện Trung ương Huế càng trở nên ngột ngạt vì người đến khám bệnh quá đông. Tại Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện này, mỗi ngày có từ 300 - 400 ca đến khám và điều trị, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp, tiêu hóa. Nắng nóng gay gắt cũng khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện, chủ yếu ở các khoa thần kinh, tim mạch. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… tình hình trẻ và người già nhập viện tăng khoảng 25%-30% so với trước đó. 

Nắng nóng gay gắt khiến người dân miền Trung nườm nượp đổ ra biển trốn nóng. Trên các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh... của Thừa Thiên - Huế; Cửa Tùng, Mỹ Thủy (Quảng Trị); Thiên Cầm (Hà Tĩnh) ngày nào cũng chật kín người. Lượng người đổ ra biển hóng mát quá lớn, dịch vụ “ăn theo” như giữ xe, hàng quán và dịch vụ cho thuê phao bơi… mọc lên như nấm và cũng xảy ra đuối nước. Trong đó, thương tâm nhất là vụ đuối nước vừa xảy ra tại xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khiến cháu T.M.H.N (SN 2011) và cháu T.G.B (SN 2013), là anh em ruột, bị đuối nước. Nguyên nhân do trời nắng nóng nên hai anh em dắt nhau xuống biển tắm và bị sóng cuốn tử vong.

Nắng kéo dài cùng với gió Lào khiến nhiều cây cối tại khu vực Bắc miền Trung khô quắp. Trong đó, hàng ngàn hécta lúa đông xuân, đậu phộng tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị chết cháy. 

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong ngày 22-4, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở các khu vực: phía Tây Bắc bộ, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng đến Khánh Hòa.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên dự báo trong ngày 23-4, nắng nóng tiếp tục xảy ra ở phía Tây Bắc bộ, toàn bộ Trung bộ và Nam bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37°C, riêng khu Tây Bắc của Bắc bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung bộ có nơi có nắng nóng gay gắt trên 38°C. Nắng nóng diện rộng ở Tây Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ có khả năng kéo dài đến ngày 27 hoặc 28-4. Tại Bắc bộ, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên mực 5.000m vừa xuất hiện nên sẽ có mưa dông diện rộng. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mặc dù một vài nơi có mưa cục bộ nhưng theo nhận định của Bộ NN-PTNT, tình hình nắng nóng sẽ còn diễn biến phức tạp, kèm theo khô hạn, nền nhiệt gia tăng ở nhiều khu vực trên cả nước. Vì vậy, ngày 22-4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước, đề nghị đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tuần tra ở những khu vực nguy cơ cháy rừng cao, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa, phát hiện kịp thời điểm cháy, huy động các lực lượng dập tắt ngay, không để xảy ra cháy lớn.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt và hanh khô diễn ra trên diện rộng, cháy rừng đã xảy ra tại một số địa phương như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu... Theo dự báo, nắng nóng còn kéo dài trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn các đơn vị đóng quân, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và đề nghị của chủ tịch UBND cấp tỉnh; điều tra làm rõ đối tượng, nguyên nhân gây cháy, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư, do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Nắng nóng cũng gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Do vậy, người dân tại các khu vực nắng nóng cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 giờ đến 16 giờ hàng ngày, bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Tin cùng chuyên mục