Người nhập cư nhọc nhằn mưu sinh

Nhịp sống đô thị Sài Gòn luôn cuộn xiết, trong đó có những dòng người nhập cư “bỏ quê lên phố” để mưu sinh. Họ từ khắp nơi đến, làm đủ thứ nghề và sống thành cộng đồng. Bên cạnh sức lao động, ý chí để kiếm kế sinh nhai, họ còn mang nếp sống nông thôn vào thành thị, tạo nên một bức tranh đô thị phi công nghiệp, xen lẫn nếp sống nông nghiệp…

Nhịp sống đô thị Sài Gòn luôn cuộn xiết, trong đó có những dòng người nhập cư “bỏ quê lên phố” để mưu sinh. Họ từ khắp nơi đến, làm đủ thứ nghề và sống thành cộng đồng. Bên cạnh sức lao động, ý chí để kiếm kế sinh nhai, họ còn mang nếp sống nông thôn vào thành thị, tạo nên một bức tranh đô thị phi công nghiệp, xen lẫn nếp sống nông nghiệp…

  • Bao nhiêu cộng đồng nhập cư mưu sinh?
Người nhập cư nhọc nhằn mưu sinh ảnh 1

Một xe bắp trên "phố bắp" Tân Sơn Nhì

Nếu ở Hà Nội dân nhập cư hầu như là người các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ (người miền Nam nhập cư ra Bắc để mưu sinh gần như không có) thì ở đất Sài Gòn, dân tứ xứ, từ miền Bắc, miền Trung đến Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây… đổ về. Không có con số thống kê cụ thể có bao nhiêu cộng đồng nhập cư mưu sinh tại TPHCM, nhưng nổi trội và chiếm nhiều nhất trong các cộng đồng nhập cư vào Sài Gòn là dân “ngũ Quảng” (Quảng Ngãi, Quảng Nam – Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị và Quảng Bình), một số tỉnh phía Bắc Trung bộ như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Tây. Dân nhập cư từ ĐBSCL cũng có nhưng sống tản mạn, ít tập trung thành cộng đồng.

Dân nhập cư vào mưu sinh tại TPHCM khá đa dạng, từ làm những nghề lao động chân tay như buôn gánh, bán bưng, phụ hồ, khuân vác, công nhân, bán trái cây, bánh, bột chiên, hột vịt lộn, móc khóa – hột quẹt – ráy tai…, một số khác làm nghề hớt tóc, đấm bóp, đánh giày… Người vào trước thấy làm ăn được rủ người vào sau, thường là anh em, bà con, bạn bè, chí ít cũng cùng quê, cùng tỉnh… Họ cùng thuê nhà trọ tập trung để “có hội có thuyền”, chủ yếu là ở những quận có giá nhà thuê rẻ như Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Q12, Thủ Đức, Q2, Bình Chánh… Từ đó, dần dần hình thành nên những cộng đồng người nhập cư mưu sinh trên đất Sài Gòn.

“Sài Gòn khắc nghiệt nhưng cũng đầy phóng khoáng và dẫu sao cũng dễ làm, dễ kiếm tiền hơn so với làm ruộng ở quê”, anh Nguyễn Văn Lộc, 28 tuổi, quê Bắc Ninh, đang đẩy một xe mít đi bán dạo trên con hẻm gập ghềnh đầy bụi trên đường Gò Dầu nói.

  • Nhìn nghề, biết quê

  • “Không cần nghe giọng nói hay “điều tra lý lịch”, chỉ cần nhìn hàng hóa người ấy bán hoặc ngành nghề người ấy làm, tôi biết chắc người đó quê ở đâu”, anh Lê Chí, nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) khẳng định. Anh cho biết, nhờ làm phỏng vấn viên cho một tổ chức NGO (phi chính phủ) của Anh điều tra về đối tượng người nhập cư, anh đã rút ra được “kinh nghiệm” đó. Nhưng qua tìm hiểu, thực tế không phải những người ở cùng địa phương đều làm nghề giống nhau. Tuy nhiên, thường thì cộng đồng mỗi tỉnh cùng chọn một nghề.

    Dân nhập cư có câu: “Bắc Ninh trái cây, Hà Tây bắp nấu”. Người Hà Tây (nhiều nhất là ở huyện Mỹ Đức) vào TPHCM thường chọn nghề bán bắp nấu. Đội ngũ bán bắp này chủ yếu tập trung trên đường Nhất Chi Mai – Cộng Hòa (Q.Tân Bình). Đến đây vào buổi chiều, khoảng 13 giờ, cả trăm xe bắp chuẩn bị xuất quân, tỏa ra khắp nẻo đường, đến tận 24 giờ khuya mới trở về. Còn buổi tối, sau 20 giờ, trên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn bên hông lăng Lê Văn Duyệt), ôm qua đường Phan Đăng Lưu, kéo dài qua  mặt trước chợ Bà Chiểu, tập trung hàng chục xe đạp bán trái cây. Người bán đa phần là dân Bắc Ninh. Ban ngày, họ đi bán khắp nơi, tối tập trung về đây. Khu nhà trọ của họ ở đường Bùi Đình Túy, Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh). Chị Nguyễn Thị Hà, ở huyện Gia Lương (Bắc Ninh) cho biết, phòng chị thuê có 9 người, đều là chị em bà con với nhau, chỉ chuyên bán trái cây dạo theo mùa,  mùa nào thức ấy.

    Còn dân Quảng Ngãi nổi tiếng với nghề bán hủ tiếu, mì gõ. Khoảng năm 1992, lúc đầu chỉ có một số người, sau thấy làm ăn được nên bà con kéo vào rất đông, nhiều nhất là giai đoạn 1993 – 1996. Lúc ấy, tại các miền quê Quảng Ngãi dấy lên phong trào “nhà nhà vào Sài Gòn bán hủ tiếu, mì gõ”. Sau đó, người dân ở một số tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên cũng vào theo, nhưng không “địch” nổi. Lúc đầu dân bán hủ tiếu chủ yếu tập trung ở hẻm 190 đường Ba Tháng Hai và hẻm 90 đường Lý Thường Kiệt, P14 Q10. Thời “hoàng kim”, hai con hẻm này có lúc có đến 300 xe mì! Bây giờ, dân hủ tiếu đã tản ra các vùng khác như Bình Chánh, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Thạnh… Cho đến nay, số người còn bám trụ với nghề bán hủ tiếu, mì gõ nhiều nhất là bà con huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ngoài hủ tiếu, mì gõ, dân Quảng Ngãi còn có nghề bán trứng cút, đậu phộng rang, bánh tráng, vé số. Họ thuê nhà trọ ở khu cư xá Đồng Tiến, các hẻm đường Ba Tháng Hai (Q10), đường Lãnh Binh Thăng (Q11)…

    Người nhập cư nhọc nhằn mưu sinh ảnh 2

    Một xe cân dạo. Ảnh: T.V.



    Ngoài ra, còn một số nhóm người cùng quê tuy không đông, nhưng cũng hình thành nên “đặc trưng nghề nghiệp” của địa phương mình. Những người đẩy chiếc xe cân có loa rao “cân sức khỏe, đo huyết áp” thường là người Thái Bình, sống tập trung ở khu Bảy Hiền (Tân Bình), một số ở Lũy Bán Bích (hương lộ 14 cũ). Người Vĩnh Phúc thì làm nghề đấm bóp dạo, sống tập trung ở gần khu hội chợ triển lãm Quang Trung (Q12). Còn dân Huế, Ninh Bình (chủ yếu là nam) làm nghề có phần nhẹ nhàng như hớt tóc vỉa hè hoặc mở tiệm nhỏ. Một số phụ nữ hình thành “chợ di động” trên chiếc xe đạp có gắn hai chiếc giỏ phía sau để  bán dạo ở các khu dân lao động. Số đông làm nghề này là người Hà Tĩnh. Một số nhóm người Quảng Nam bán các loại móc khóa, ráy tai, bật lửa, sống tập trung ở đường Phạm Văn Bạch (Tân Bình)…

    • Mơ ước đổi đời


    Bất cứ người nhập cư nào cũng mong ước được đổi đời. Có người muốn đổi đời cho chính bản thân mình, có người chấp nhận mọi khổ cực để nuôi con em ăn học nên người, thành tài.  Không ít người đã thực hiện được như vợ chồng bác Minh Thuận ở Phổ Cường (Quảng Ngãi) bán hủ tiếu nuôi 3 người con học đại học. Con trai lớn của bác sau khi tốt nghiệp đại học y dược, đã đi làm, thu nhập khá. Dân Quảng Ngãi nhiều người nhờ bán hủ tiếu, mì gõ mà mua được đất, xây nhà, đem con cái vào ăn học và xem Sài Gòn là quê hương thứ hai. Tuy nhiên, không phải mơ ước của ai cũng thành công. Con đường mưu sinh của người nhập cư ở Sài Gòn vẫn còn lắm nhọc nhằn.

    NGUYỄN TẤN VIỆT

    Tin cùng chuyên mục