Người trẻ và vòng lao lý

Trước vành móng ngựa
Người trẻ và vòng lao lý

Người bố trẻ tiến vào phòng xét xử để lãnh bản án cho những hành động phạm pháp của mình. Nhiều người dự phiên tòa không khỏi xót xa khi nghe bị cáo thuật lại con đường dẫn đến tội lỗi. Do sự bồng bột, thiếu hiểu biết mà nhiều người trẻ đã vướng phải vòng lao lý.

Một bị cáo trẻ tuổi ngụ tại An Giang bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Ảnh: T.L.

Một bị cáo trẻ tuổi ngụ tại An Giang bị truy tố về tội trộm cắp tài sản. Ảnh: T.L.

Trước vành móng ngựa

Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1991, bị kết án 7 năm tù vì hành vi mua bán trái phép ma túy. Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân quận Thủ Đức, lúc bị bắt Phúc mang trong mình 4 tép heroin. Phúc thừa nhận trước tòa mình đã mua heroin từ một người đàn ông lạ dưới chân cầu Bình Triệu với giá 80.000 đồng/tép và bán lại với giá 100.000 đồng/tép. Tính từ lúc bắt đầu bán đến khi bị bắt giam (chưa đến 10 ngày), Phúc kiếm được 600.000 đồng từ việc buôn bán heroin. Chưa đến 20 tuổi, Phúc đã có một đứa con gái 3 tuổi.

Không chỉ hành động độc lập, giới trẻ hiện nay còn câu kết với nhau thành nhóm để thực hiện hành vi phạm pháp. Chỉ vì thiếu tiền chơi game nên Bùi Văn Chí đã rủ rê các bạn mình là Phạm Hoài Phương (sinh năm 1992), Nguyễn Quốc Tuấn (sinh năm 1991), Nguyễn Anh Tiến (sinh năm 1995) thực hiện hành vi cướp giật tài sản của anh Trương Văn Minh lúc anh đang ngồi trong quán internet. Tài sản cướp được là một chiếc điện thoại trị giá 675.000 đồng và 280.000 đồng tiền mặt. Khi thẩm phán hỏi: “Nếu rơi vào trường hợp của Minh, bị cáo sẽ cảm thấy như thế nào?”. Phương chỉ trả lời “Ức!”. Cử tọa hỏi: “Vì sao ức?”. Phương cúi đầu không trả lời.

Trong suốt quá trình xét xử Phúc, có hai người phụ nữ nắm chặt tay nhau nơi hàng ghế cuối của phòng xét xử. Đó là mẹ ruột và mẹ vợ của Phúc. Lúc tòa tuyên án Phúc 7 năm tù, bà Thôi, mẹ ruột Phúc, bật khóc nức nở. Người phụ nữ không biết chữ ấy nghẹn ngào: “Anh lớn nó cãi nhau với vợ, vợ bỏ đi, để lại cháu nội cho tôi nuôi. Đứa con gái út lấy chồng, sinh con, cũng sống thiếu thốn. Giờ thằng Phúc lại đi tù”. Bám chặt tay vào thành ghế, mẹ vợ Phúc ngậm ngùi: “Lúc nghe tin nó bị bắt, tôi giận lắm, ngất tại chỗ vì bệnh tim tái phát. Không biết sau này, vợ con nó sống ra sao?”. Trong khi đó, bên ngoài phòng xét xử, bé Nguyễn Ngọc Phượng, con gái của Phúc vẫn đang vô tư nô đùa. Tiếng cười của bé vang vào phòng xét xử. Cứ mỗi lần như thế, Phúc lại ngoái đầu, đưa mắt tìm con.

Chị Vũ Thị Na, mẹ của Nguyễn Anh Tiến trong vụ án cướp giật bật khóc khi nhìn con đứng trước vành móng ngựa. Chị nghẹn ngào: “Chỉ tại tôi bất lực, không dạy được con”. Hai trong bốn thanh thiếu niên trong vụ án cướp giật tài sản là những đứa trẻ không có một gia đình trọn vẹn. Bố Tuấn mất đã được 4 năm. Chí sinh ra đã không có bố. “Vì đứa nào cũng có ba cho tiền, bị cáo không có nên đi “xin” của người khác”, Chí giải thích trước tòa về hành vi phạm tội của mình.

Cần có sự phối hợp

Trung bình mỗi năm, luật sư Đỗ Thái Bình được chỉ định bào chữa cho khoảng 40 vụ án liên quan đến trẻ chưa đủ đến tuổi vị thành niên trên địa bàn quận Thủ Đức. Hơn 40% trong tổng số vụ án đều liên quan đến game online. Ông Bình nói: “Để giúp các em vượt qua tệ nạn này, ngoài sự quan tâm của gia đình thì sự phối hợp của nhà trường là rất cần thiết. Đối với những học sinh yếu kém, đừng vội đẩy các em ra khỏi trường học. Sự bồng bột, bất cần rất dễ đẩy các em đến con đường phạm pháp”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ phạm pháp. Ba mẹ mải mê quan tâm đến công việc mà không có thời gian chăm sóc con, không thể quản lý bạn bè của con. Gia đình có điều kiện vật chất quá tốt, cha mẹ không biết được ngoài việc lên mạng phục vụ cho việc học tập thì trẻ còn vào những trang web nào, tiếp xúc với ai, do đó trẻ dễ dàng bị đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo. Đây còn là độ tuổi bắt đầu có những mối quan hệ xã hội, hình thành những nhu cầu tâm sinh lý. “Gia đình có cha mẹ ly hôn, có yếu tố bạo lực gia đình hoặc những hành vi phạm pháp có những tác động hết sức lớn đến hành vi sau này của trẻ. Tâm lý của trẻ muốn làm hành vi để trả đũa cho những gì mà cha mẹ đã đối xử với mình. Vì vậy cha mẹ cần hết sức cẩn thận với những vấn đề tế nhị”, bà Mỹ Linh đúc kết.

Thành Nhơn

Tin cùng chuyên mục