Nguồn lực doanh nghiệp: nuôi hay bỏ?

Tròn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2018. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết họ đang rất lo lắng vì doanh thu mới chỉ đạt khoảng 60% - 70% kế hoạch năm, thậm chí tại một số DN trong lĩnh vực công nghệ, viễn thông chỉ đạt 50%. DN vẫn kêu ca về thủ tục hành chính, chi phí cho đầu tư không giảm, đặc biệt tình trạng độc quyền trong kinh doanh ngày càng nghiêm trọng.
Hoạt động tại doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông trong KCX Tân Thuận. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hoạt động tại doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông trong KCX Tân Thuận. Ảnh: THÀNH TRÍ

Chưa có sự bình đẳng 

Giám đốc một DN đầu tư hạ tầng viễn thông nói rằng, 10 năm gần đây, nhìn vào rổ hàng hóa trong CPI thì lĩnh vực này liên tục giảm, năm nào cũng giảm. Giảm giá cước cho người tiêu dùng là rất tốt, nhưng vấn đề đặt ra là các “ông lớn” lại đè đầu các DN nhỏ là đối tác để cắt giảm giá thuê hạ tầng một cách cơ học, khiến các DN nhỏ chỉ còn cách… phá sản!

Theo tính toán của vị giám đốc này, giá thuê hạ tầng trong 4 năm gần đây đã giảm đều, thậm chí tại nhiều tòa nhà, các nhà mạng xài chùa cả năm nhưng vẫn không chịu trả tiền cho DN. Kết thúc năm tài chính, lợi nhuận của các nhà mạng là rất lớn, chỉ có DN nhỏ là thoi thóp sống qua ngày. Tình trạng này kéo dài, các DN làm gì còn lợi nhuận để tái đầu tư, phát triển, bởi họ đang “ăn” vào chính đồng vốn của mình!

Bàn về môi trường kinh doanh, các DN đều cho rằng chưa có sự bình đẳng. Điển hình là những chương trình mua sắm công ở các cơ quan nhà nước đang có sự độc quyền mà không có cơ chế đấu thầu. Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM Trần Anh Tuấn lo lắng, theo nguồn tin chưa được kiểm chứng, trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành triển khai chính phủ điện tử thì phải sử dụng sản phẩm của 1 trong 3 đơn vị là VNPT, Viettel hoặc FPT.

Tại TPHCM, khi triển khai các chương trình, giải pháp cũng nghĩ tới và dành ưu tiên cho VNPT, Viettel. Điều này vô hình trung làm mất niềm tin của các DN nhỏ, vừa. Đây là những DN rất cần sự hỗ trợ, động viên từ chính quyền để họ yên tâm hoạt động. “Theo tôi sự lớn mạnh của một quốc gia là dựa vào sự phát triển và lớn mạnh của cộng đồng DN nhỏ và vừa, chứ không phải ở một vài DN cực lớn”, ông Trần Anh Tuấn kết luận. 

Theo ý kiến của nhiều DN, từ năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ DN, trong đó cho phép các DN tham gia đấu thầu các dự án công mà không phân biệt là DN lớn hay nhỏ và ưu tiên các DN trong nước. Nhưng đến nay, việc triển khai theo tinh thần Nghị quyết 35 vẫn trong tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. 

Trăm dâu đổ đầu…DN!

Cùng với các cơ chế chính sách còn ngáng đường DN, để tồn tại, các DN đang phải “chiến đấu” với hàng chục vấn đề phát sinh khác. Ông T.P.Anh, giám đốc một công ty may mặc, cho hay lâu nay ông phải giữ mối quan hệ tốt với nhiều trường học chỉ nhằm mục đích… gửi con của công nhân không có hộ khẩu vào học một cách dễ dàng. Cùng với đó, vị giám đốc này cũng tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều trường khác nhau. Theo ông Anh, để giữ chân, giảm thiểu tình trạng “nhảy việc”, công ty phải mời cả gia đình của công nhân lên TPHCM sống. Để thuyết phục họ, ngoài việc phải lo chỗ ăn, ở, còn phải lo trường cho con họ học. 

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ingreetech, cho hay trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, DN muốn đầu tư nhưng có 2 vấn đề chưa được tháo gỡ, đó là chi phí đầu vào tại TPHCM rất cao, trong khi đó giá mua điện của EVN lại rất thấp. Theo ông Hiền, hiện giá điện đã đứng ở mức 4.000 đồng/kW, nhưng mức giá điện mua vào của điện năng lượng mặt trời chỉ 2.000 đồng/kW. Nhà nước nên có cơ chế thu mua giá điện hợp lý để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực này, vừa để tăng nguồn cung, vừa bảo vệ môi trường.

Tại một DN khác, khi đang ngồi trao đổi với chúng tôi, giám đốc đơn vị này bật cười chua chát khi nhận được email của nhân viên về việc chủ đầu tư tòa nhà yêu cầu các nhà thầu tham gia dự án phải đóng góp để đảm bảo chi phí tiếp đoàn thanh tra. Số tiền được “phân bổ” rất cụ thể, các nhà thầu lớn góp 10 triệu, nhỏ thì 5 triệu đồng… Theo vị giám đốc này, chi phí nằm ngoài sổ sách trở thành luật bất thành văn, nếu không chi thì DN sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi! 

Số liệu tại cuộc tọa đàm khảo sát về hoạt động thanh tra, kiểm tra DN do Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (thuộc Thanh tra Chính phủ) phối hợp với Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TPHCM tổ chức ngày 17-9, cho thấy kết quả khảo sát hàng năm của VCCI đối với trên 10.000 DN trong cả nước, tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra mức độ trung bình cả nước là 52%; số DN cho rằng chi phí không chính thức chấp nhận được là 79%. Chi phí không chính thức, thanh tra, kiểm tra làm ảnh hưởng đến sự phát triển, gây tâm lý bất an cho DN. 

Nhiều bộ, ngành đang nỗ lực để cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính nhưng hiệu quả chưa cao. Về thuế, theo tính toán, DN Việt Nam hiện mất bình quân khoảng 40,8% lợi nhuận do nộp thuế, cao hơn rất nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này tại Singapore là 18,4%, Campuchia 21%, Thái Lan khoảng 27,5%, Indonesia 29,7%. Hàn Quốc là nước phát triển và có cách tính thuế phức tạp nhưng tổng thu thuế cũng chỉ chiếm 33% lợi nhuận của DN. Với tỷ lệ này, thuế “ăn” hết lợi nhuận của DN, không thể còn nguồn để đầu tư tái mở rộng, khó có nguồn lực cạnh tranh với DN nước ngoài. 

Rất nhiều DN đang khao khát có được môi trường làm ăn thực sự bình đẳng. Ở đó, các tập đoàn, DN lớn sẽ là đầu tàu, là nơi kết nối cho DN nhỏ và vừa cùng phát triển. DN cũng rất cần các cơ chế chính sách phù hợp để nuôi dưỡng họ, thông qua việc ưu đãi thuế cho từng đối tượng DN. Còn thực hiện mức thuế cào bằng như hiện nay sẽ làm giảm khả năng tích lũy để tái đầu tư cũng như nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Tin cùng chuyên mục