Nhân rộng mô hình đường sách: Còn nhiều nỗi lo

Khép lại năm hoạt động thứ 2, Đường sách TPHCM có nhiều niềm vui, bạn đọc đến đông hơn, sách bán ra nhiều hơn, hoạt động văn hóa đọc nhộn nhịp và đa dạng hơn. 

Đó là những thành công không thể phủ nhận, nhưng kèm theo đó là cả những nỗi lo, không chỉ lo chuyện của Đường sách TPHCM mà còn lo cho cả tương lai chung của các đường sách khác.
Nhân rộng mô hình đường sách: Còn nhiều nỗi lo ảnh 1
Thay đổi nhận thức
Tại buổi sơ kết 2 năm đường sách, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, thừa nhận, việc mở gian sách ở đường sách khi đó thuần túy là trách nhiệm với TP, chứ bản thân ông cũng không tin đường sách sẽ thành công. Thậm chí, ông đã tách 3 tỷ đồng từ cửa hàng sách 161 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3 (trụ sở NXB Trẻ) để làm kinh phí cho gian sách với suy nghĩ dù không bán được sách thì cũng sống tạm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà, rất hồ hởi với việc tham dự đường sách, bởi đây là cơ hội để công ty làm sách này quảng bá thương hiệu đến với bạn đọc phương Nam.
Thế nhưng, giống như NXB Trẻ, bản thân ông Hùng cũng không tin đường sách sẽ thành công, nhất là về mặt kinh tế. Câu chuyện của ông Nhựt hay ông Hùng không phải là chuyện hiếm vào thời điểm Đường sách TPHCM đang thành hình. Thậm chí nhiều đơn vị xuất bản được mời tham gia đã từ chối vì không tin đường sách sẽ thành công, có người còn cho rằng, việc mở đường sách là “ăn mày quá khứ”, mơ mộng về những ngày đường sách kiểu cũ đông bạn đọc mà không nhìn thực tế các đường sách đó ngày nay đã suy tàn.
Nhân rộng mô hình đường sách: Còn nhiều nỗi lo ảnh 2 Các hoạt động tại Đường sách TPHCM thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một năm sau, mọi chuyện đã đảo chiều, Đường sách TPHCM ngày càng đông khách. Các sự kiện văn hóa được tổ chức đều thành công với lượng bạn đọc tham gia đông đảo và sôi động. Thậm chí, đường sách còn làm thay đổi cả định hướng kinh doanh của đơn vị xuất bản như câu chuyện của NXB Văn hóa Văn nghệ TP. Khi đó, đơn vị này đang vất vả tìm kiếm mảng sách chủ lực, họ đã thử nghiệm mảng sách văn học trẻ, sách sáng tạo, văn học quốc tế…, nhưng đều không mấy thành công. Bất chợt, tại gian sách của đơn vị ở đường sách, một số cuốn sách nghiên cứu về lịch sử vốn nhằm đa dạng sản phẩm lại nhận sự chú ý lớn của bạn đọc.
Từ thực tế này, đơn vị đã đẩy mạnh thực hiện các tác phẩm lịch sử và xem như thắng lớn ở mảng sách này, đến mức còn được xem là một trong các đơn vị mở đầu trào lưu sách lịch sử suốt từ năm 2016 đến nay. Bà Xuân Hạnh, nguyên Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ TP, thừa nhận, chính gian hàng ở đường sách đã giúp NXB cảm nhận nhanh nhất nhu cầu của bạn đọc, còn nếu ở các đại lý, đợi đến khi có phản hồi thì đã chậm.
Trước những thành công của đường sách, nhiều đơn vị ngày đó từ chối giờ đang tìm cách quay trở lại. NXB Trẻ vốn phải gồng gánh cho các đơn vị từ chối nên phải nhận đến 3 gian một lúc, giờ lại được quan tâm với nhiều lời đề nghị chuyển nhượng gian hàng. Nhưng với những gì đơn vị này đang có được ở đường sách, khả năng chuyển nhượng này rất khó.
Thành công nhưng nhiều lo lắng 
Đó là cảm tưởng của tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, thành viên ban điều hành Công ty TNHH MTV Đường sách TPHCM. Đường sách còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết: Đổi mới các sự kiện sao cho hấp dẫn hơn, còn thiếu hụt nghiêm trọng mảng sách ngoại văn để đáp ứng nhu cầu du khách quốc tế vốn đến đường sách khá đông, mô hình thư viện đường sách còn chưa thể thành hình…
Nhân rộng mô hình đường sách: Còn nhiều nỗi lo ảnh 3 Du khách nước ngoài tham quan Đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Thế nhưng, nỗi lo lớn nhất lại nằm ngoài đường sách. Đó là việc từ sự thành công của Đường sách TPHCM, hiện đang xuất hiện phong trào xây dựng đường sách. Ngay tại TPHCM, năm 2018 dự kiến sẽ có 2 đường sách nữa tại quận 7 và Gò Vấp, còn với trên cả nước thì có ít nhất 5 đường sách cấp tỉnh, thành dự kiến chuẩn bị ra mắt.
Tuy không tập trung vào doanh số, nhưng thực tế nếu không có được một mức thu cần thiết, khó có đơn vị xuất bản nào trụ nổi ở đường sách lâu dài. Đó là một thực tế mà Đường sách TPHCM là minh chứng cụ thể nhất. Năm 2017, ước tính đường sách doanh thu đạt hơn 40 tỷ đồng, 12/15 đơn vị tham gia có doanh thu trên 1 tỷ đồng. Doanh thu cao giúp đơn vị có kinh phí duy trì hoạt động, tổ chức sự kiện, khuyến mãi…, thu hút bạn đọc đến đông đảo hơn, từ đó lại giúp doanh thu tăng.
Vòng tròn khép kín này khiến đường sách ngày càng sôi động. Doanh thu thấp, đơn vị khó lòng duy trì hoạt động, chưa nói đến làm sự kiện thu hút bạn đọc. Đường sách TPHCM thành công nhờ khai thác đặc thù riêng của nó và nếu các đường sách khác cứ bê nguyên xi đặc thù này để áp dụng, thất bại sẽ khó tránh khỏi và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của văn hóa đọc. Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt cho rằng: “Nên có sự bình tĩnh đánh giá đặc thù của từng nơi để tìm hướng đi hợp lý nhất cho đường sách rồi hãy mở, để đường sách thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho văn hóa đọc”.
Một số đề xuất về mô hình đường sách đã được nêu ra. Ví dụ có ý kiến cho rằng, thay vì kêu gọi đơn vị xuất bản tham gia (vốn mang tính mạo hiểm), có thể đưa các thư viện địa phương ra đường sách. Các thư viện có sách, nhân sự, năng lực…, sách để đọc miễn phí không bán, sẽ biến đường sách thành một dạng thư viện mở thu hút bạn đọc thay vì khép kín như hiện nay. Đến khi hoạt động đường sách đông mới tính đến các đơn vị làm sách để mở rộng.
Một đề xuất khác lại kiến nghị ở địa phương muốn mở đường sách có thể liên hệ các nhà phát hành lớn như Fahasa, Phương Nam…, thay vì thuê mặt bằng mở nhà sách, có thể ưu tiên để họ mở gian sách ở đường sách, thu hút bạn đọc đến với đường sách.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu khi đánh giá về Đường sách TPHCM đã nhận xét rằng, một loạt các cá nhân nhiệt tình, đam mê với sách đã góp phần làm nên thành công chung. Đường sách TPHCM là một mô hình độc đáo, chưa có tiền lệ. Để đường sách ra mắt có rất nhiều việc phải làm lần đầu tiên và ở mỗi cấp đều là những sự nỗ lực vì mục tiêu chung với đam mê và mong muốn thực sự về một điểm văn hóa mới của TP. Như việc mời gọi các đơn vị tham gia, các cố vấn đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất bản nên các tiêu chí đề ra rất sát với thực tế. Đồng thời với am hiểu về xuất bản, họ biết rõ đơn vị nào có thể tham gia, đơn vị nào không và thực tiễn hoạt động đã cho thấy những lựa chọn ban đầu đó đã chính xác. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng, nếu không có sự chung tay từ TP đến các cá nhân thực hiện, có lẽ đến nay đường sách cũng chưa thể đi vào hoạt động chứ chưa nói thành công hay không.

Tin cùng chuyên mục