Nhiều đại án kinh tế, tham nhũng được xét xử nghiêm minh

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong năm 2017 và những ngày đầu năm 2018, TAND các cấp đã xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và những vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam

Ngày 31-1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các tòa án trong năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Chủ trì, phát biểu tại cuộc họp báo, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong năm 2017 và những ngày đầu năm 2018, TAND các cấp đã xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và những vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Điển hình là các vụ án: Buôn lậu và làm giả con dấu xảy ra tại Công ty CP VN Pharma; Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án B5 Cầu Diễn; vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Oceanbank; vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Giang Kim Đạt tham ô và mới đây nhất là vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Đánh giá về các phiên tòa xét xử các đại án thời gian qua, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, các phiên tòa xét xử có nhiều thành công. Các cấp tòa án đã triển khai nghiêm túc các nghị quyết, quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo cho đến thời điểm này, TAND tối cao đã hình thành các Hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm dù chưa diễn ra. Thẩm phán tham gia các phiên tòa đều là những người có kinh nghiệm điều hành, được tín nhiệm cả về kinh nghiệm hiểu biết và phẩm chất đạo đức.

“TAND tối cao đã có danh sách tất cả các HĐXX đại án và có đánh giá kiểm tra năng lực từng hội đồng. Tòa Tối cao yêu cầu các thẩm phán chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nghiên cứu hồ sơ độc lập theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu các HĐXX nghiên cứu thật kỹ, lưu ý các điểm mới của tố tụng...” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, quá trình xét xử các vụ án này, các tòa án đã không hạn chế thời gian tranh tụng; thay đổi biện pháp ngăn chặn khi tạm giam đã quá dài hoặc không cần thiết. Tiến hành khởi tố, bắt tạm giam bị cáo khi đủ điều kiện hoặc có dấu hiệu lọt người, lọt tội. Các bản án, hình phạt mà các tòa án áp dụng đối với các bị cáo cũng bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay và được dư luận đồng tình ủng hộ. Đáng chú ý, trong các phiên tòa đã có nhiều quy định mới cả về nội dung và hình thức như: quy định về kiểm sát viên sẽ giữ quyền công tố tại phiên tòa; triệu tập cán bộ điều tra tới tòa án; áp dụng mô hình phòng xét xử mới, không có vành móng ngựa, cũng như các nguyên tắc tố tụng tiến bộ.

Lãnh đạo TAND tối cao cũng cho biết, trong năm qua, các tòa án đã giải quyết được 438.625 vụ việc, trong tổng số 491.384 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 89,3%).

Tin cùng chuyên mục