Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? Bài 5: An ninh lương thực là vấn đề cốt lõi

Lo an ninh lương thực
Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa? Bài 5: An ninh lương thực là vấn đề cốt lõi

Cuối cùng, Quốc hội cũng như Chính phủ đã quyết giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa cho cả nước để sản xuất lúa, đảm bảo an ninh lương thực cũng như sinh kế của người nông dân. Bộ NN-PTNT cũng đang được giao soạn thảo nghị định quản lý đất lúa để ngăn chặn tình trạng các tỉnh đua nhau xẻ thịt đất lúa, quy hoạch vì lợi ích nhóm, địa phương cục bộ, “vạch sợi chỉ đỏ” cho những vựa lúa cần phải giữ lại.

Lo an ninh lương thực

Theo Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT, hơn 10 năm qua, diện tích đất nông nghiệp trên cả nước bị thu hồi để phục vụ các dự án làm đường giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thậm chí sân golf, sân bay… đã lên tới hơn 300.000ha và theo nhận định sẽ còn nhân lên trong thời gian tới.

Trong đó, 80% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật” với cơ sở hạ tầng, thủy lợi thuận tiện, có thể trồng hai vụ lúa một năm, kéo theo bình quân mỗi năm đã mất đi 500.000 tấn lúa, làm ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân. Đây là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa nông thôn và đô thị hóa vội vàng trong thời gian qua.

Theo Bộ TN-MT, nhiều nơi tốc độ chuyển đổi đất lúa diễn ra một cách kinh hoàng, dẫn đầu ở miền Bắc là Hải Dương: 1.400ha, Vĩnh Phúc: 1.200 ha, Hưng Yên: 1.000ha mỗi năm. Còn ở miền Nam, Cà Mau giảm 6.200 ha, Bạc Liêu 5.400ha... Ngay cả các tỉnh có lợi thế về cây lúa nước, giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang… vì những lợi ích cục bộ địa phương, đất lúa cũng đã và đang bị xẻ thịt không thương xót.

Điều đáng lo ngại, sản lượng lúa làm ra tính theo đầu người đã giảm rõ rệt khi đất lúa bị thu hồi. Chẳng hạn ở tỉnh Bắc Ninh, năm 2000 vẫn có tổng diện tích đất nông nghiệp tới hơn 49.000 ha nhưng hiện chỉ còn hơn 40.000 ha. Trong khi đó, năng suất lúa không hề tăng thêm, chỉ đạt bình quân khoảng 11 tấn/ha và đã “kịch trần”.

Từ Sơn là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh của tỉnh Bắc Ninh. Năm 2000, bình quân thóc lúa đầu người ở đây là 323kg/người, nhưng năm 2006 chỉ còn 78kg và hiện nay khoảng 60kg/người... Do vậy, một khi đồng ruộng tiếp tục thu hẹp, dân số gia tăng thì không đảm bảo an ninh lương thực.

Trước đây chúng ta có 4,3 triệu ha đất trồng lúa nước nhưng theo rà soát của Bộ NN-PTNT, hiện nay cả nước chỉ còn 4,1 triệu ha. PGS-TS Nguyễn Trí Hoàn, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, nhận định, với diện tích lúa như vậy, về lâu dài khó gánh vác được nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực.

Còn ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng: “Cùng với nguy cơ bị co hẹp bởi công nghiệp hóa, đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn chịu sự tác động của nước biển dâng, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Chúng ta cần phải tính toán tới việc bảo vệ đất lúa đảm bảo an ninh lương thực không chỉ mục tiêu cho 20-30 năm mà cả trăm năm nữa”.

Theo ông Thông, hiện sản lượng lúa cả nước mỗi năm vẫn đạt trên 36 triệu tấn nên áp lực về an ninh lương thực chưa quá nặng nề. Trong tương lai, nếu áp dụng các giải pháp công nghệ mới, cũng chỉ nâng tổng sản lượng lên 40 triệu tấn/năm, nhưng cũng chỉ đủ đảm bảo nuôi dân số ở mức 100 triệu người, trong khi tương lai dân số ổn định của nước ta khoảng 120 triệu người, đó là chưa tính đến yếu tố mất mùa, diện tích trồng lúa bị thu hẹp.

Tuyệt đối không dùng đất lúa làm sân golf

Theo dự đoán của các nhà khoa học thế giới, Việt Nam sẽ là một trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu như bão lũ, khô hạn, ngập mặn, đặc biệt có sự dâng cao mực nước biển. Trong đó, vùng ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất.

Theo kịch bản về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, tổng lượng mưa đến năm 2030 sẽ giảm 20%, mưa trễ hơn 2 tuần và lũ đến sớm hơn 2 tuần và nếu nước biển dâng thêm 1m Bến Tre sẽ mất 50% diện tích đất, kế đến Long An (mất 49%), Tiền Giang (32,7%), Cần Thơ (24,7%). Như vậy diện tích lúa chắc chắn sẽ bị đe dọa, sản lượng lúa sẽ giảm đáng kể.

Trong khi đó, đất nông nghiệp vẫn tiếp tục mất ở nhiều dạng khác nhau. Nhiều địa phương vẫn chưa rút ra được bài học khi ồ ạt xây dựng các khu công nghiệp, đô thị… Hiện Cần Thơ và Vĩnh Long có nhiều khu công nghiệp nhưng tỷ lệ sử dụng rất thấp và đang tiếp tục chuyển đổi công năng đất nông nghiệp (như Cần Thơ sẽ chuyển khoảng 1.000ha từ đất nông nghiệp sang nhiều dạng khác trong năm 2012).

“Tuyệt đối không dùng đất lúa làm sân golf dù cho nhà đầu tư có “ve vãn”, cũng phải cương quyết từ chối” – PGS-TS Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế Biển TPHCM bức xúc nói.

Theo PGS-TS Lê Kế Lâm: Nhà nước phải quyết liệt trong việc giữ diện tích sản xuất lúa của ĐBSCL ở mức từ 2,7 đến 3 triệu ha, phấn đấu đạt năng suất 6 đến 7 tấn/ha/vụ, mỗi năm làm 2 vụ, còn lại thời gian để cho đất nghỉ và đón phù sa của lũ (nếu có). Đồng thời để nông dân làm nghề phụ, hưởng thụ văn hóa cộng đồng, cập nhật tri thức sản xuất và cuộc sống… từng bước tri thức hóa nông dân để tiến kịp thời đại.

Lợi thế “trời cho” đối với ĐBSCL là khí hậu ôn hòa, mưa nắng nhiều, ít bão lớn và sông, rạch chằng chịt, rất thuận lợi cho giao thông thủy và tưới tiêu đồng ruộng. Cần tận dụng hết lợi thế này để quy hoạch lại vùng trồng lúa chuyên canh: có loại đặc sản, loại chất lượng cao và loại trung bình phục vụ toàn bộ nền kinh tế và bảo đảm “an ninh lương thực”.

Đánh bóng thương hiệu lúa gạo

Việt Nam vẫn còn thiếu một chiến lược xuất khẩu gạo, đây là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế nghiên cứu về tình hình kinh doanh - xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hơn hai chục năm qua. Ngành hàng lúa gạo chưa xác định đúng chiến lược marketing nên vẫn buôn bán theo chuyến, theo cách “ai mua thì tôi bán” và “bán thứ mình có chứ không bán thứ thị trường cần”, gây thiệt hại nguồn tài nguyên nội địa.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh trong ngành lúa gạo của Việt Nam là Thái Lan có chiến lược rất rõ ràng và thông minh nhằm không “đối đầu với Việt Nam và các nước xuất khẩu gạo khác”. Đó là xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản với giá bán rất cao, cao hơn nhiều so với gạo thường nhằm tăng giá trị gia tăng, nâng giá trị hạt gạo và tăng lợi tức cho nhà nông.

Các chuyên gia lúa gạo cho rằng: cần có tầm nhìn về quy hoạch để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa ngành lúa gạo. Trước tiên, chiến lược marketing cho ngành hàng lúa gạo phải dựa trên những nghiên cứu và dự báo nhu cầu của khách hàng tiêu thụ gạo để tìm ra phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện sản xuất - chế biến - cơ sở hạ tầng nông thôn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế.

Nghiên cứu và phát triển hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo (nông dân trồng lúa - thương lái - nhà máy xay xát, chế biến - doanh nghiệp xuất khẩu) nhằm huy động hiệu quả năng lực và tăng lợi thế cạnh tranh cho lúa gạo Việt Nam.

Quyết tâm bảo vệ đất lúa

Tại kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bảo vệ 3,8 triệu ha đất trồng lúa nước cũng như 26,7 triệu ha đất nông nghiệp trên cả nước đến năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, an ninh lương thực quốc gia là vấn đề cốt lõi, không chỉ đảm bảo đời sống cho đại đa số dân cư nông thôn mà còn đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, mặc dù Bộ NN-PTNT báo cáo Quốc hội hiện còn 4,1 triệu ha đất lúa, nhưng với đà giảm nhanh hiện nay thì nếu không có biện pháp quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất thật chặt chẽ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai quy hoạch, sẽ khó đảm bảo giữ 3,8 triệu ha đất lúa.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp cả nước đến năm 2020 theo nguyên tắc hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa, không xét duyệt các quy hoạch chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích sử dụng phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác.

"Cây lúa là một lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam, là sự sàng lọc của lịch sử. Không phải ngẫu nhiên mà nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nên ta cần phải phát huy, gìn giữ cho muôn đời sau. Để thực hiện mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế đến mức tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế lấy đất nông nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách phù hợp với địa phương, hộ chuyên trồng lúa."

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

Nhóm PV

Làm gì để giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

- Bài 1: Đã mất bao nhiêu bờ xôi ruộng mật?

- Bài 2: Nỗi niềm nông dân mất đất

- Bài 3: Khi làng hóa phố

- Bài 4: Hệ lụy ô nhiễm môi trường

Tin cùng chuyên mục