Đề án 112

Tiền “chùa” sử dụng như đùa!

Vừa đá bóng, vừa thổi còi
Tiền “chùa” sử dụng như đùa!
  • Ban chỉ đạo được lại quả 3,4 tỷ đồng chỉ qua hai dự án!
  • Hàng chục cán bộ khác có liên quan ° Điều tra toàn diện Đề án 112

Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2005 (Đề án 112) có tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng, cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, Ban chỉ đạo chương trình do ông Vũ Đình Thuần, Phó Chủ nhiệm VPCP làm Trưởng ban vẫn không chỉ rõ được đề án đã “tiêu” bao nhiêu tiền...

Vừa đá bóng, vừa thổi còi

Tiền “chùa” sử dụng như đùa! ảnh 1

Trụ sở Ban điều hành Đề án 112 tại số 6 phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hôm qua, 14-9, trao đổi với PV SGGP, tiến sĩ Mai Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin, Bộ Khoa học - Công nghệ, khi ấy là Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, qua quá trình thẩm tra, cơ quan này phát hiện một trong những nguyên nhân thất bại của đề án là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ban điều hành do ông Vũ Đình Thuần làm Trưởng ban không có chức năng quản lý nhà nước về CNTT nhưng vẫn tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn Ban điều hành các tỉnh thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán!

Kết quả điều tra cũng cho thấy, có những dự án ông Thuần đã tự ý cho tăng vốn đầu tư. Chẳng hạn dự án mua bản quyền phần mềm dùng chung có giá ban đầu là 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Thuần đã cho phép nâng giá dự án này lên 9,1 tỷ đồng! Trong khi đó, chất lượng và hiệu quả của phần mềm dùng chung lại tỷ lệ nghịch với đồng tiền mà nhà nước đã bỏ ra.

Đã có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 15 bộ, ngành triển khai, sử dụng phần mềm dùng chung. Nhưng do phần mềm dùng chung “không thể dùng chung được”, một số địa phương đã tự tìm cho mình phần mềm thích hợp với điều kiện và nhu cầu của tỉnh. Vì vậy ý tưởng xây dựng những phần mềm dùng chung, thống nhất trên cả nước của Đề án 112 bị phá sản, tiền không thu hồi được.

Từ đó gây nên tình trạng chồng chéo, lãng phí rất lớn. Nói như tiến sĩ Mai Anh thì đề án này được triển khai theo kiểu xây nhà trước khi xây móng. Đề án 112 chưa xây dựng được một mô hình thử nghiệm đã triển khai đồng loạt. Ngay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với ban điều hành hồi đầu năm nay cũng nói thẳng: Nhiều năm làm việc ở trụ sở Chính phủ, từ khi có Đề án 112 đến nay, không thấy mang lại tiện ích, ứng dụng nào cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Không những thế, theo tiến sĩ Mai Anh, do cơ chế quản lý không rõ ràng nên trong quá trình thực hiện, Ban điều hành đã phải áp dụng thí điểm “cơ chế đặc biệt về chi tiêu”. Tiền của nhà nước tiếp tục rót vào các dự án. Tuy nhiên, sau đó, Kho bạc Nhà nước đã yêu cầu các địa phương phải xuất toán. Nhiều địa phương “khóc dở, mếu dở” vì nghe theo Ban điều hành ở Trung ương nhưng Bộ Tài chính lại “tuýt còi”. Tiền thì đã chi, thiết bị, công nghệ đã đưa vào sử dụng nhưng không được thanh toán, quyết toán.

“Hồi đầu năm nay, báo cáo với chúng tôi, Ban điều hành Đề án 112 cho rằng kinh phí thực hiện đề án đến tháng 9-2003 là 3.730 tỷ đồng. Ban không chỉ rõ được kinh phí đã sử dụng trong 2 năm tiếp theo 2004, 2005 là bao nhiêu. Ban cũng không nắm được các bộ, ngành, địa phương đầu tư thêm bao nhiêu tiền trong quá trình thực hiện dự án!”, tiến sĩ Mai Anh nói. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, ông Vũ Đình Thuần phủ nhận số tiền đầu tư của dự án. Đồng thời, phủ nhận đề án thất bại, “Ai đánh giá thế nào mặc kệ”, ông Thuần nói.

Nâng giá trị dự án để rút ruột

Được biết, tại cơ quan điều tra, ông Vũ Đình Thuần tiếp tục phủ nhận trách nhiệm của mình đối với thất bại của Đề án 112. Ông cũng khẳng định mình không tư lợi. Song, theo kết quả điều tra ban đầu thì ông Vũ Đình Thuần và hàng loạt cán bộ khác không chỉ lợi dụng chức vụ, cố ý làm trái mà còn có dấu hiệu tham ô.

Khởi tố thêm một cán bộ Tổng Công ty Phát hành sách

Liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ, cố ý làm trái trong quá trình thực hiện Đề án 112, hôm qua 14-9, một nguồn tin cho biết, Cơ quan điều tra vừa ra quyết định khởi tố bị can (nhưng cho tại ngoại) đối với một cán bộ của Tổng Công ty Phát hành sách về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là người liên quan trực tiếp đến sai phạm trong quá trình in ấn tài liệu, giáo trình của Đề án 112. Như vậy, đến nay đã có 4 cán bộ Tổng Công ty Phát hành sách bị khởi tố và nâng số đối tượng bị khởi tố trong vụ án này lên 9 người. Trong việc khám xét trụ sở Công ty cổ phần Công nghệ Tin học ISA do Nguyễn Thúy Hà làm giám đốc, sáng qua, Cơ quan điều tra đã thu được khoảng 3 tỷ đồng. Đây là khoản tiền được xác định liên quan đến vụ án, trong đó có khoản tiền từ dự án phần mềm của Ban điều hành 112.

Trong một diễn biến liên quan, chiều qua, Đại tá Nguyễn Huy Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) đã thông báo một số nội dung của vụ án với lãnh đạo Website Chính phủ. Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cá nhân sai phạm. Trong khi đó, nguồn tin từ Kiểm toán Nhà nước cho hay, cơ quan này đã cơ bản hoàn thành kiểm toán Đề án 112. Dự kiến, sẽ có khoản tiền khá lớn của đề án buộc phải xuất toán.

Tại dự án đầu tư, mua bản quyền phần mềm Microsoft của Công ty ISA có giá trị ban đầu 6 tỷ đồng nhưng ông Vũ Đình Thuần đã đồng ý cho nâng giá trị dự án lên 9,1 tỷ đồng. Việc làm này là vượt thẩm quyền và trái với quy định hiện hành về đấu thầu. Theo kết quả giám định của Bộ KH-ĐT, so với giá ngoài thị trường, ông Thuần đã góp phần gây thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng.

Tương tự, Ban điều hành Đề án 112 Trung ương cũng đã ký hợp đồng với Nhà xuất bản Tư pháp do Nguyễn Đức Giao làm Giám đốc và Nguyễn Thị Phương Hoa, Phó Tổng giám đốc; Nguyễn Thị Minh Thiệu, Phó Tổng giám đốc (khi bị bắt là quyền Tổng giám đốc) Tổng Công ty Phát hành sách in ấn các tài liệu, giáo trình với giá cao hơn giá thị trường. Chi phí viết 9 giáo trình, mỗi giáo trình in 65.000 cuốn (đã phát cho học viên 402.526 cuốn) đã được đẩy lên với giá “trên trời”. Được biết, qua phi vụ in ấn này, Nhà xuất bản Tư pháp và Tổng Công ty Phát hành sách đã “hồi lại” cho Ban chỉ đạo đề án Trung ương 2,1 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ số tiền đó đã chia chác cho những ai.

Có thể thấy, thủ đoạn chung của các đối tượng liên quan đến vụ án này là nâng chi phí dự án lên mức cao sau đó rút ruột phần chênh lệch. Các đơn vị trúng thầu hoặc giao thực hiện dự án như Tổng Công ty Phát hành sách và Nhà xuất bản Tư pháp sau đó lại “bán thầu”, giao cho tư nhân thực hiện với giá thấp hơn để tiếp tục hưởng chênh lệch. Được biết, Nhà xuất bản Tư pháp đã được hưởng chênh lệch khoảng nửa tỷ đồng. Tổng cộng, qua hai phi vụ bản quyền phần mềm và in ấn tài liệu, các đơn vị thực hiện đã “lại quả” số tiền 3,4 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch này đang ở đâu, chảy vào túi ai? Cơ quan điều tra đang làm rõ.

Cơ quan điều tra sắp tới cũng sẽ làm rõ khoản chênh lệch qua phi vụ đào tạo tin học của Ban chỉ đạo 112. Hiện chi phí đào tạo chứng chỉ A tin học của các cơ sở đào tạo trong nước bình quân là 400.000-500.000 đồng/người/khóa. Thế nhưng Ban chỉ đạo điều hành thu tới 2 triệu đồng/người cho một chứng chỉ tin học tương đương chứng chỉ A tin học. Thời gian qua, đã có hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo tin học trong các chương trình của Đề án 112. Như vậy, số tiền chênh lệch là rất lớn.

Theo nguồn tin của SGGP thì các nội dung nói trên chỉ là mảng rất nhỏ so với số lượng đồ sộ công việc liên quan đến dấu hiệu thất thoát, lãng phí lên tới trên 600 tỷ đồng của Đề án 112 mà cơ quan điều tra sẽ tiến hành làm rõ. Nguồn tin này cho hay, cơ quan điều tra sẽ điều tra toàn diện Đề án 112. Được biết, ngoài 8 đối tượng vừa bị bắt, có hàng chục cán bộ khác liên quan.

Nam Quốc

Tin cùng chuyên mục