Từ vụ Lotte VN - Có xử lý được các công ty “sân sau”?

Vụ Lotte được nhiều người quan tâm khi công ty của vợ ký hợp đồng tư vấn thuế chính hồ sơ chồng phụ trách hoàn thuế. Thế nhưng, vì sao chỉ khởi tố giám đốc công ty “vợ” với tội danh “Kinh doanh trái phép”? Bởi hồ sơ hoàn thuế này rất “sạch”, ngay ông Huỳnh Tấn Đức, Trưởng đoàn kiểm tra hoàn thuế, cũng lấy làm lạ. Mãi đến sự việc bị phát giác, ông Đức mới tá hỏa, hóa ra hồ sơ sạch là do đồng nghiệp Nguyễn Hữu Anh Tuấn nhúng tay vào.

Công ty TNHH Trung tâm thương mại Lotte VN nộp hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng hai năm 2007-2008 với tổng số tiền đề nghị hoàn đến 101,9 tỷ đồng. Sau khi qua nhiều cấp xem xét, Cục Thuế TP chấp nhận hoàn thuế với số tiền lên đến 98,4 tỷ đồng. Trong đó, số thuế trong hóa đơn mà đoàn kiểm tra đã xác minh, đối chiếu với phía bên bán là 94 tỷ đồng hợp pháp. Vì chỉ tính riêng một vài hóa đơn mua đất, xây dựng trị giá đến 900 tỷ đồng (tương đương với số thuế 90 tỷ đồng thuế). Những hóa đơn còn lại tuy có thiếu sót nhưng cũng đều là hóa đơn hợp pháp.

Chẳng hạn, có 842 hóa đơn đầu vào và 284 hóa đơn đầu ra đều thiếu chữ ký người mua hàng, nhưng theo quy định tại thời điểm đó (tại điểm 1.3 Thông tư 32/2007/TT-BTC), việc thiếu chữ ký của người mua hàng vẫn được hoàn thuế. Những hóa đơn này được Công an TP yêu cầu giám định và có kết quả là hợp pháp. Như vậy, hồ sơ hoàn thuế quá hoàn chỉnh. Mặc dù, qua kiểm tra thực tế của chúng tôi, đến giờ Lotte vẫn vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn cho khách. Rõ ràng, việc không xuất hóa đơn là vi phạm pháp luật nhưng vi phạm này vẫn không bị cơ quan thuế xử lý, trong khi đó, cơ quan thuế lại căn cứ vào hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp để hoàn thuế cho họ.

Vấn đề dư luận đặt ra là công ty tư vấn làm gì, tại sao lấy được của doanh nghiệp gần 1 tỷ đồng như vậy? Những người hiểu chuyện cho biết, vai trò của các công ty tư vấn là cân chỉnh các báo cáo thuế. Công ty tư vấn cho biết sẽ đưa những hóa đơn nào vào, phần nào được chấp nhận, phần nào không và được cân chỉnh kéo giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp. Bản chất vấn đề là tay trong xử lý hồ sơ, tay ngoài cầm tiền, thế nhưng, giờ lại chỉ bị xử lý về hành vi “kinh doanh trái phép”, nghe có vẻ hơi… lạc quẻ! Bởi nếu các doanh nghiệp “vợ”, doanh nghiệp “mẹ”, “anh”, “chị”, “em”… đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh hợp pháp, có nghĩa là hoạt động hợp pháp sao?

Còn bao nhiêu doanh nghiệp “sân sau” như thế nữa? Làm sao xử lý tình trạng tay trong, tay ngoài của cán bộ công chức, làm sao để cán bộ công chức làm việc vô tư, khách quan, mới là vấn đề người dân quan tâm. Bởi hiện nay, không chỉ cán bộ thuế tay trong, tay ngoài mà các ngành khác cũng thế. Điển hình, thời gian gần đây, các doanh nghiệp kêu ca cán bộ quản lý môi trường hạch sách, khó khăn, để rồi cuối cùng doanh nghiệp muốn yên thân phải thuê công ty tư vấn môi trường do chính cán bộ kiểm tra môi trường giới thiệu. Thực trạng này đã đến lúc cần một quy chuẩn, quy chế, giải pháp xử lý triệt để.

Nhằm chống hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực điện tử, điện máy, Báo SGGP rất mong nhận được sự cộng tác của bạn đọc. Khi có bất kỳ phản ánh, thắc mắc, khiếu nại về hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không hóa đơn chứng từ, trốn thuế… hãy gởi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 đường Hồng Bàng, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08) 39294072 hoặc 0903.975323.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục