Nhốt trẻ trong thang máy, bảo mẫu lãnh 4 năm tù

Hôm nay, 15-7, Tòa án nhân dân quận Tân Phú, TPHCM đã xét xử sơ thẩm đối với Trần Thị Xuân Nữ (SN 1981, quê tỉnh Đồng Tháp, tạm trú quận Tân Phú) về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.
Nhốt trẻ trong thang máy, bảo mẫu lãnh 4 năm tù

 (SGGPO).- Hôm nay, 15-7, Tòa án nhân dân quận Tân Phú, TPHCM đã xét xử sơ thẩm đối với Trần Thị Xuân Nữ (SN 1981, quê tỉnh Đồng Tháp, tạm trú quận Tân Phú) về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Nữ khai nhận là giáo viên của Trường mầm non tư thục Hoa Lan (phường Tân Quý, quận Tân Phú), có nhiệm vụ chăm sóc các bé học lớp chồi từ 4 đến 5 tuổi. Vào khoảng 11 giờ trưa 17-9-2010, bị cáo phụ trách phần cho ăn trưa nhóm các bé nam của lớp. Do cháu Lê Quang Vinh (sinh ngày 19-12-2006) không tự cầm muỗng xúc cơm ăn, bị cáo đút nhưng cháu nhả ra hai lần nên trong lúc nóng giận, bị cáo đem cháu bỏ vào thang máy dùng để vận chuyển thức ăn và nhấn nút cho thang máy chạy từ lầu 1 xuống tầng trệt. Khi mở cửa thang máy, thấy cháu Vinh đang nằm trên sàn khóc hét, máu chảy ra rất nhiều, Nữ vội đưa cháu đến Bệnh viện Phú Thọ cấp cứu và sau đó chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhốt trẻ trong thang máy, bảo mẫu lãnh 4 năm tù ảnh 1

Bị cáo Nữ tại phiên tòa

Theo bản kết luận giám định pháp y ngày 16-12-2010 của Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế TPHCM, cháu Vinh được xác định tỷ lệ thương tật 27% vĩnh viễn. Trong quá trình điều tra, gia đình cháu Vinh yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tích; Viện KSND quận Tân Phú yêu cầu giải thích các vết thương của cháu Vinh do tác động bởi vật gì trong cầu thang máy và phân tích % của từng vết thương gây ra cho cháu. Bản giám định pháp y quốc gia ngày 21-3-2011 và ngày 25-5-2011 của Viện pháp y Quốc gia bộ phận thường trực phía Nam (thuộc Bộ Y tế) kết luận: các vết thương trên cơ thể của cháu Vinh do các vật tày và vật tày có cạnh ở mặt trước hố thang máy, mặt sau cánh cửa thang máy tác động gây ra; cháu bị thương tật 38% vĩnh viễn, trong đó có những vết thương nghiêm trọng như sẹo thái dương trái 8% vĩnh viễn, sẹo chẩn phải 6% vĩnh viễn, sẹo hông lưng phải 6% vĩnh viễn, sẹo hậu môn 6% vĩnh viễn…

Cháu Vinh với vết sẹo trên thái dương

Cháu Vinh với vết sẹo trên thái dương

Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Nữ cho rằng mục đích nhốt cháu Vinh vào thang máy là để cho cháu sợ, phải ăn cơm; không nghĩ rằng hậu quả lại nghiêm trọng như vậy vì cứ nghĩ thang máy này an toàn như những thang máy khác bị cáo từng sử dụng. Tuy nhiên, những lý lẽ này đã bị bác bỏ.

Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Lẽ ra cháu Vinh không ăn thì bị cáo phải tìm hiểu xem nguyên nhân là do thức ăn không hợp khẩu vị, hay cơ thể cháu hôm đó có khỏe hay không. Đằng này bị cáo lại đem cháu nhốt vào thang máy, nếu cháu bị bệnh tim thì có thể sẽ bị ngất đi, thậm chí tử vong do quá sợ. Thang máy này không có chức năng vận chuyển người nên không an toàn cho các cháu bé. Rất may hôm đó cháu Vinh không đụng vào các ổ điện ở trong thang máy, nếu không thì cháu đã bị tử vong do điện giật; hoặc nếu cháu thò tay chân ra ngoài các chấn song thì tay chân cháu đã bị gãy khi thang máy vận hành”.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng bị cáo phạm tội do một phút nông nổi, thiếu suy nghĩ chín chắn; bị cáo không phạm tội “Cố ý gây thương tích” như Viện KSND truy tố bởi bị cáo không dùng tay hay dùng hung khí tác động vào người nạn nhân. Luật sư cũng băn khoăn về tỷ lệ thương tật được xác định chênh lệch quá lớn giữa các văn bản giám định. Từ đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án điều tra lại theo hướng bị cáo phạm tội “Vô ý gây thương tích” theo Điều 108 Bộ luật Hình sự và cho giám định lại tỷ lệ thương tật đối với cháu Vinh.

Được nói lời sau cùng trước khi hội đồng xét xử vào nghị án, bị cáo Nữ bày tỏ thái độ ân hận về hậu quả gây ra cho cháu Vinh, xin được tuyên mức án nhẹ để sớm trở về với gia đình.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo Nữ nguy hiểm cho xã hội; cố ý gián tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe của cháu Vinh – cháu bé chưa đến 4 tuổi, không có khả năng tự vệ; gây bất bình trong nhân dân. Lời bào chữa của luật sư không có cơ sở để chấp nhận, bởi bị cáo làm bảo mẫu trong Trường mầm non tư thục Hoa Lan đã 10 năm (tính từ năm 2001), hiểu rất rõ thang máy không có chức năng vận chuyển người nên không thể không biết hậu quả từ hành vi của mình gây ra. Nhưng xét thấy gia đình bị cáo và nhà trường đã bồi thường cho gia đình cháu Vinh 140 triệu đồng, hai bên đã giải quyết xong vấn đề bồi thường dân sự; gia đình cháu Vinh cũng đã có đơn đề nghị tòa án tuyên mức án nhẹ đối với bị cáo nên hội đồng xét xử quyết định giảm một phần hình phạt. Từ đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nữ 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục