"Vụ kiện lô cốt": Ông Nguyễn Văn Lang kháng cáo

Cho rằng bản án sơ thẩm chỉ tuyên Sở Giao thông Vận tải TPHCM bồi thường số tiền quá ít so với thiệt hại thực tế, ngày 9-1, ông Nguyễn Văn Lang (SN 1932, ngụ quận Bình Thạnh, đại diện nguyên đơn trong "vụ kiện lô cốt") đã đến TAND TPHCM nộp đơn kháng cáo (ảnh).
"Vụ kiện lô cốt": Ông Nguyễn Văn Lang kháng cáo

(SGGPO).- Cho rằng bản án sơ thẩm chỉ tuyên Sở Giao thông Vận tải TPHCM bồi thường số tiền quá ít so với thiệt hại thực tế, ngày 9-1, ông Nguyễn Văn Lang (SN 1932, ngụ quận Bình Thạnh, đại diện nguyên đơn trong "vụ kiện lô cốt") đã đến TAND TPHCM nộp đơn kháng cáo (ảnh).

Vụ kiện này thu hút sự quan tâm của dư luận bởi đây là lần đầu tiên người dân kiện chủ đầu tư bồi thường thiệt hại do việc dựng rào chắn công trình (thường được gọi là "lô cốt") quá lâu, gây ảnh hưởng đến đời sống và công việc kinh doanh.

Theo nội dung vụ kiện, gia đình ông Lang sở hữu căn nhà 12/7 Nguyễn Huy Tự, phường Đa Kao quận 1. Sau khi giải tỏa mở đường, căn nhà trên trở thành mặt tiền đường Hoàng Sa.

Từ khi tiến hành thi công công trình tuyến bao giếng S67 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rào chắn xây dựng được dựng trên đường Hoàng Sa khiến hoạt động kinh doanh của quán ăn của gia đình ông Lang phải ngưng vì không có khách. Ngoài ra, việc thi công công trình cũng gây lún, nứt nghiêm trọng cho căn nhà. Ông Lang yêu cầu Sở Giao thông Vận tải TPHCM bồi thường 477 triệu đồng thiệt hại do mất thu nhập từ kinh doanh quán ăn trong 42 tháng cộng với lãi suất ngân hàng và chi phí sửa chữa căn nhà. Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm vào ngày 26-12-2012 vừa qua, TAND TPHCM chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông, buộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM bồi thường chi phí sửa chữa nhà do bị lún, nứt hơn 31 triệu đồng (theo kết quả giám định của cơ quan chức năng). Đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM đồng ý hỗ trợ cho gia đình ông Lang thêm gần 18 triệu đồng, thành tổng cộng 50 triệu đồng.

Trong đơn kháng cáo, ông Lang cho rằng việc hội đồng xét xử của tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận phần thiệt hại do mất thu nhập từ kinh doanh quán ăn với lập luận chủ quán vi phạm luật khi để xe của khách trên lề đường là không có căn cứ, bởi nếu quán ăn chiếm dụng lòng lề đường thì đã bị buộc đóng cửa từ lâu.

Trong đơn, ông nêu rõ: "Chúng tôi cho lý do trên đây hoàn toàn không thuyết phục. Tòa án có hình ảnh, chứng cứ gì chứng minh? Tòa chỉ cần xem xét quán có thực sự đóng cửa và mất thu nhập không (chỉ cần hỏi hàng xóm là biết ngay). Tòa nên xem xét quán có đăng ký kinh doanh và nộp thuế đầy đủ không. Thiệt hại nhiều mà bồi thường như vậy thì sao gọi là công bằng?".

Bên cạnh đó, theo ông Lang, việc hội đồng xét xử nhận định khoảng cách từ cửa quán ăn đến mép đường là 5 mét nên việc dựng rào chắn xây dựng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của quán ăn là sai sự thật. Trong đơn kháng cáo, ông Lang trình bày: khoảng cách thực tế chỉ 3 mét, trừ gốc cây trên lề đường có đường kính 1,9 mét thì còn 1,1 mét, chừa đủ một xe gắn máy lưu thông nên quán ăn phải đóng cửa.

Do vậy, ông Lang kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng tuyên Sở Giao thông Vận tải TPHCM bồi thường 477 triệu đồng cho hai khoản thiệt hại.

>>“Vụ kiện lô cốt”: Sở GTVT phải bồi thường

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục