Xét xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận “lót tay” 11 tỷ đồng

Xét xử 6 cựu quan chức đường sắt nhận “lót tay” 11 tỷ đồng

(SGGPO).- Sáng 26-10, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 6 bị cáo nguyên là cán bộ chủ chốt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý các Dự án đường sắt Việt Nam (RPMU) về tội  “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 281 Bộ luật Hình sự.

Đây là một trong 8 vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo và thống nhất đưa ra xét xử sơ thẩm trước khi diễn ra Đại hội lần thứ XII của Đảng. Do vậy, phiên tòa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Ngay từ đầu giờ sáng 26-10 đã có khoảng 30 phóng viên đại diện nhiều cơ quan báo chí tới đưa tin về phiên tòa. Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh tại phiên tòa, phóng viên báo chí không được phép vào phòng xét xử mà chỉ được theo dõi diễn biến phiên xét xử qua màn hình đặt tại một phòng được bố trí trước.

Đúng 9 giờ, chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Trương Việt Toàn đọc quyết định tuyên bố đưa vụ án ra xét xử. Sau phần làm thủ tục tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đọc bản cáo trạng nêu rõ tội danh của 6 bị cáo gồm: Phạm Hải Bằng (nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý các Dự án đường sắt Việt Nam - RPMU), Trần Văn Lục (nguyên Giám đốc RPMU), Trần Quốc Đông (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU), Nguyễn Văn Hiếu (nguyên Giám đốc RPMU), Phạm Quang Duy (nguyên Phó Giám đốc RPMU) và Nguyễn Nam Thái (nguyên Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU). Trong vụ án này, bị cáo Phạm Hải Bằng được xác định là người cầm đầu.

Các bị cáo nguyên là quan chức ngành đường sắt

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Hải Bằng được xác định là người cầm đầu

Cáo trạng vụ án nêu rõ, tháng 10-2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1) bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý dự án tuyến số 1 cho RPMU. Để thuận lợi cho việc triển khai dự án, tháng 9-2009, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mà đại diện là Phạm Hải Bằng ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án tuyến số 1 với liên danh do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (viết tắt JTC) đứng đầu. Hợp đồng này được định giá hơn 2,9 tỷ yên Nhật Bản, tương đương trên 320 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, Phạm Hải Bằng đã nêu một số khó khăn của RPMU về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC nhằm “gợi ý”  và phía JTC đồng ý hỗ trợ kinh phí. Sau khi có thỏa thuận nêu trên, Phạm Hải Bằng thông báo cho Phạm Quang Duy (lúc đó là Trưởng phòng Dự án 3 - RPMU) cùng Nguyễn Nam Thái biết để thực hiện. Từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỷ đồng cho Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy. Mặc dù nhận được khoản tiền “lót tay” rất lớn từ phía JTC nhưng các bị cáo trong vụ án đã không đưa vào sổ sách, chứng từ theo dõi mà sử dụng toàn bộ số tiền này cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát, đặc biệt trong đó bản thân các bị can đều được hưởng lợi riêng.

Đánh giá mức độ phạm tội của 6 cựu quan chức ngành đường sắt, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định, hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận ngoài hợp đồng giữa Phạm Hải Bằng cùng thuộc cấp với các nhà thầu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam, ảnh hưởng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay, sử dụng vốn ODA. Các bị can Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy biết việc nhận tiền từ nhà thầu JTC của Phạm Hải Bằng và Nguyễn Nam Thái nhưng đồng tình để sự việc diễn ra trong thời gian dài. Quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả gồm: Bằng nộp 970 triệu đồng và 7000 USD; Duy nộp 65 triệu đồng, Thái nộp 600 triệu đồng, Lục nộp 100 triệu đồng, Đông nộp 30 triệu đồng.

An ninh tại phiên tòa được thắt chặt

Được biết, trước ngày phiên tòa diễn ra, TAND TP Hà Nội đã có lệnh bắt tạm giam 4 bị can gồm Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu và Phạm Quang Duy để đảm bảo cho công tác tổ chức phiên tòa xét xử.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 2 ngày 26 và 27-10.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục