Không chấp nhận yêu cầu thay đổi thẩm phán

Ngày 27-12, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt VNCB), nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (gọi tắt CB). Đây được xem là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Phiên xử phúc thẩm dự kiến kéo dài đến ngày 25-1-2017.
Không chấp nhận yêu cầu thay đổi thẩm phán

Xét xử phúc thẩm vụ sai phạm tại VNCB gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng

>> Hôm nay 27-12 xét xử phúc thẩm vụ sai phạm tại VNCB
>> Vụ sai phạm tại VNCB: Phạm Công Danh lãnh 30 năm tù
>> Sai phạm tại VNCB là vụ án kinh tế lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng

(SGGP).- Ngày 27-12, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt VNCB), nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (gọi tắt CB). Đây được xem là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Phiên xử phúc thẩm dự kiến kéo dài đến ngày 25-1-2017.

Kết thúc phiên xử sơ thẩm, ngày 9-9-2016 TAND TPHCM đã tuyên phạt các bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) mức án tổng hợp 30 năm tù; Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) 22 năm tù; Mai Hữu Khương (nguyên thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) 19 năm tù về hai tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Liên quan trong vụ án, 32 bị cáo khác bị tuyên từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù giam. Ngoài ra, chủ tọa phiên tòa cũng công bố các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại tòa đối với bà Phạm Thị Trang (Trang “Phố Núi”), bà Hứa Thị Phấn và một số thành viên của nhóm Phú Mỹ; ông Hoàng Văn Toàn và một số thành viên Ban Tín dụng TrustBank.

Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Công Danh làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án. 24 bị cáo khác và các nguyên đơn dân sự, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan cũng có đơn kháng cáo.

Bị cáo Phạm Công Danh được đưa vào phòng xử án trong phiên tòa phúc thẩm, sáng nay 27-12-2016

Trong ngày đầu tiên của phiên xử phúc thẩm, trong phần làm thủ tục phiên tòa, bị cáo Phạm Công Danh đề nghị hội đồng xét xử triệu tập ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Phạm Thị Trang có mặt tại phiên tòa để đối chất làm rõ một số vấn đề trong vụ án. Được biết, TAND Cấp cao tại TPHCM đã gửi giấy ủy thác triệu tập bà Phạm Thị Trang tham gia phiên tòa phúc thẩm nhưng bà không có mặt. Tương tự, ông Trần Quý Thanh cũng có đơn xin vắng mặt và ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.

Ngoài ra, các bị cáo Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết và luật sư cũng đề nghị thay đổi thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên trong thành phần hội đồng xét xử. Lý do được đưa ra là thẩm phán này đã làm chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Võ Văn Minh “tống tiền” Công ty TNHH Tân Hiệp Phát, nay Công ty TNHH Tân Hiệp Phát lại là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, nếu để bà Duyên tham gia xét xử thì sợ khó đảm bảo khách quan. Tuy nhiên, đề nghị này không được hội đồng xét xử chấp nhận vì không thuộc các trường hợp thay đổi thành phần hội đồng xét xử quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hôm nay 28-12, phiên tòa chuyển sang phần thẩm vấn.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục