Công chức hải quan ký xác nhận khống để nhận tiền bồi dưỡng

Sáng nay 13-6, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tổ chức buôn lậu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT tiếp tục phần thẩm vấn để làm rõ trách nhiệm của các công chức hải quan trong vụ án.
Công chức hải quan ký xác nhận khống để nhận tiền bồi dưỡng

Tổ chức buôn lậu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT

(SGGPO).- Sáng nay 13-6, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án tổ chức buôn lậu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT tiếp tục phần thẩm vấn để làm rõ trách nhiệm của các công chức hải quan trong vụ án.
 
Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM, các bị cáo nằm trong tổ chức tội phạm mang tính chất xuyên quốc gia, bao gồm người trong nước cấu kết với pháp nhân nước ngoài thành lập các công ty “ma” tại nước ngoài; sau đó ký kết các hợp đồng kinh tế giả tạo với mặt hàng giá trị cao, xuất khẩu các mặt hàng có giá trị thấp hoặc lập khống nhằm tạo dựng bộ hồ sơ xuất khẩu hoàn chỉnh để hoàn thuế GTGT, qua đó chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước, chiếm đoạt 80,3 tỷ đồng.

Các bị cáo cầm đầu đường dây tổ chức buôn lậu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT

 
Điều đáng chú ý là trong vụ án này có sự tiếp tay của 31 nguyên cán bộ, công chức hải quan của TPHCM và tỉnh An Giang. Dù không thực hiện kiểm hóa hàng theo quy định nhưng các công chức hải quan vẫn ký xác nhận khống đã kiểm hóa, ký duyệt tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu sai quy định… Việc làm này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hành vi lừa đảo trên các hợp đồng ngoại thương bán thuốc lá giả tạo, qua đó chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước.
 
Tại phiên tòa, bị cáo Đinh Văn Trí (nguyên công chức Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV – Cục Hải quan TPHCM) thừa nhận khi được phân công tham gia kiểm hóa 2 tờ khai hải quan đã không mở container và từng kiện hàng theo tỷ lệ được phê duyệt là 5% để kiểm tra xem hàng hóa trong container xuất khẩu có đúng là thuốc lá hay không. Theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Tiến Lộc (nguyên công chức Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV), bị cáo Trí chỉ xem bên ngoài, không kiểm tra bên trong và ký xác nhận đã kiểm hóa hàng xuất khẩu, đổi lại được Lộc mời đi ăn uống và đưa tiền bồi dưỡng 1 triệu đồng.
 
Qua những lời khai nhận của các bị cáo nguyên là công chức hải quan, hội đồng xét xử đặt vấn đề: “Trách nhiệm của lãnh đạo Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV như thế nào khi để lọt những bộ hồ sơ xuất khẩu chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo như quy định?”.

Ông Phan Bình Tuy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV cho rằng theo quy trình hải quan điện tử, việc tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hàng hóa, thông quan hàng hóa do công chức hải quan trực tiếp làm, lãnh đạo chỉ căn cứ thông tin trên hệ thống để ghi nhận kết quả, tỷ lệ kiểm tra. “Vậy Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV và Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện những sơ hở này chưa, đã có kiến nghị gì với Tổng cục Hải quan?”, hội đồng xét xử tiếp tục hỏi. Đến đây, ông Tuy trả lời: “Lãnh đạo phải mở (lô hàng) ra xem thì không còn ý nghĩa của quy trình hải quan điện tử, không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nữa”.

Theo Điều 26 Nghị định 119/2007/NĐ-CP ngày 18-7-2007 của Chính phủ, việc kinh doanh các sản phẩm thuốc lá phải có giấy phép của Bộ Công thương. Trong khi đó, từ tháng 5-2011 đến ngày 31-8-2011, Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn chưa được Bộ Công thương cấp giấp phép kinh doanh thuốc lá nhưng bị cáo Lê Hà (nguyên công chức Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực IV) vẫn tiếp nhận hồ sơ ký duyệt và trình cho lãnh đạo duyệt lệnh hình thức kiểm tra 10% hàng hóa của các tờ khai hải quan. Hội đồng xét xử hỏi ông Vương Thanh Liêm, đại diện Cục Hải quan TPHCM: “Đối với công ty xuất khẩu, quy định là khi xuất khẩu thuốc lá phải có giấy phép do Bộ Công thương cấp. Thế nhưng doanh nghiệp không có giấy phép mà các công chức hải quan vẫn cho là hồ sơ hợp pháp là đúng hay sai?”, ông Liêm trả lời: “Như vậy là sai hoàn toàn” - “Việc phân luồng xanh – vàng – đỏ khi kiểm tra hàng hóa nhằm tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng cũng đã xuất hiện những kẻ hở để vi phạm pháp luật. Ông có thấy những kẻ hở này?” – “Ngành hải quan cũng ý thức được điều này nhưng không đủ nhân lực để kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu; đồng thời việc này cũng gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp nên chúng tôi chấp nhận rủi ro”  - “Vậy ngành hải quan có biện pháp gì để khắc phục sơ hở này?” – “Ngành hải quan TPHCM không dám hứa khắc phục 100% nhưng có những biện pháp để hạn chế kẻ hở. Chẳng hạn như thường xuyên cập nhật dữ liệu thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trên hệ thống”.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục