Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM

Với tiềm năng về giao thông thủy cùng nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, hàng loạt điểm tham quan bằng đường sông giàu tiềm năng khai thác du lịch, TPHCM hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến hấp dẫn về du lịch đường sông trong khu vực. 

Thế nhưng, thực tế cho thấy việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sông vẫn chưa được như kỳ vọng. Để gỡ rối "nút thắt" về du lịch đường sông, chiều nay 28-11, Sở Giao thông Vận tải TP phối hợp cùng Sở Du lịch TP, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM”.

Đậm chất du lịch của Sài Gòn xưa với trên bến dưới thuyền

Theo ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, du lịch đường thủy của TPHCM đang thiếu điểm nhấn. Làm sao để TP có được sản phẩm du lịch riêng, đậm chất du lịch của Sài Gòn xưa với trên bến dưới thuyền?

Nếu so sánh với thủ đô du lịch đường sông Bangkok (Thái Lan), rõ ràng TPHCM có lợi thế hơn hẳn, nhưng thực tế chúng ta chưa làm được như du lịch của bạn.

Hay như, nếu du khách có dịp du lịch dọc theo sông Seine (Pháp), thường chọn buýt sông với nhưng điểm dừng hai bên bờ sông là các công trình văn hóa lâu đài của Pháp. Ví dụ như bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà Notre Dame, tháp Eiffel... Qua đó, du khách được tham quan cả TP Paris với giá rất rẻ, ban ngày cũng đẹp, buổi tối vô cùng thơ mộng.

Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 1 Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP phát biểu tại  buổi tọa đàm
Theo đó, để giúp TP hình thành được sản phẩm du lịch đường thủy chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân thì nhất định phải bàn và còn rất nhiều việc phải làm. Đây là vấn đề lớn, cần tổng kết lại thời gian qua đã làm tới đâu, làm được gì, cần phải đặt mục tiêu rõ ràng...
Song song đó cần lồng ghép yếu tố văn hóa vào du lịch, để toát lên được nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn xưa, giúp đa dạng sản phẩm du lịch đường sông của TP.
Tôi cho rằng, TP cần quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, tạo cơ chế mở thông thoáng, ưu ái cho doanh nghiệp...
Thêm nữa, TP cần lưu tâm đến cơ chế quản lý mô hình phát triển du lịch đường thủy. Thực tế cho thấy, hiện tại ngành du lịch chúng ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nên chăng, cần xem xét kết nối du lịch sông đến các tỉnh, TP khác trong khu vực, để qua đó giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng tốc phát triển ngành du lịch thủy. 

Bất cập phát triển du lịch đường thủy trong mắt doanh nghiệp

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy nêu ra hàng loạt bất cập trong việc phát triển du lịch đường thủy.

Nói về vấn đề này, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Triều (kinh doanh tàu du lịch) cho rằng, TP vừa đưa tuyến buýt sông vào hoạt động, buýt sông khi di chuyển tạo sóng rất mạnh gây khó khăn cho hoạt động các tàu du lịch, vì vậy cần lưu ý về vận hành mô hình này.

TP cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bến bãi, cầu phao, hiện một số nơi không có nhà chờ, nhà vệ sinh, thu phí quá cao (1 triệu đồng/chuyến đi và về).

Đặc biệt, khâu dự báo bão hiện nay cần chính xác và phân vùng cấm tàu thuyền chứ không thể cấm đại trà như thời gian qua khiến doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.

Cần kết nối bến cảng Phú Mỹ cho tàu du lịch cập bến vì bến này hiện nay chỉ phục vụ tàu hàng hóa.

Chủ doanh nghiệp du lịch ELISA Nguyễn Hải Linh cho rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch rất yếu, vì vậy TP cần phải ưu tiên các đơn vị du lịch đường sông tại khu vực trung tâm nếu làm những khu vực khác không thuận lợi làm sao du lịch đường thủy phát triển được.

Muốn phát triển tốt du lịch bằng đường sông không ai bằng kinh nghiệm của các đơn vị làm du lịch đường thủy. Ông Linh kiến nghị TP nên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp du lịch đường thủy phát triển.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng, muốn du lịch đường sông phát triển Nhà nước cần quan tâm bằng những chính sách cụ thể chứ không nói chung chung như xưa nay nữa.
Cụ thể, phát triển bến bãi, giá cả, sản phẩm gì…? Ông Mỹ dẫn chứng ở Singapore tàu gỗ chở 40 khách chạy đầy sông, trong khi sông Sài Gòn lèo tèo…
Cần bỏ bớt các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Làm đẹp hai bên bờ sông như đã làm đẹp ở một số tuyến đường, tại sao có đường hoa Nguyễn Huệ lại không có sông hoa? Làm được đảm bảo sông hoa đẹp và độc đáo không có nước nào sánh bằng.
Về lâu dài, ngay từ bây giờ phải quy hoạch đường sông cho 20 năm sau, chỗ nào công viên, chỗ nào khu mua sắp, chỗ nào ẩm thực…
Cần phải có khu lưu trú cho khách dọc hai bên bờ sông, từng bước thay đổi thói quen du lịch đường sông...
Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ sau khi được chỉnh trang, chưa được phát triển du lịch đường sông 

Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi 

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, một số dự án đầu tư xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên tuyến sông Sài Gòn; dự án khai thông tuyến rạch Chiếc, nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai gây khó khăn giao thông thủy.
Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của TP.
Đặc biệt là từ khi bến Bạch Đằng được tạm ngưng hoạt động để chỉnh trang đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động du lịch đường thủy.
Quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn hạn chế.
Sở Giao thông - Vận tải TP kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn nhằm nâng cao tĩnh không thông thuyền đáp ứng cho nhu cầu vận tải của phương tiện thủy trên tuyến, đặc biệt là phương tiện vận tải phục vụ du lịch. UBND TP chỉ đạo UBND quận 9 đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư thực hiện Dự án khai thông tuyến rạch Chiếc nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, TP có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giao đất để đầu tư cảng, bến, công trình phục vụ công cộng, du lịch.

TPHCM có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với tổng chiều dài có khả năng khai thác vận tải đường thủy là trên 1.000km, trong đó có 975km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý, bao gồm:

- 7 tuyến/157km là tuyến hàng hải.

- 9 tuyến/203km tuyến đường thủy nội địa quốc gia (trong đó có 7 tuyến với 56,8km được Bộ GTVT ủy quyền cho Sở GTVT quản lý, bảo trì). 

- 94 tuyến/612km đường thủy nội địa địa phương và 2 tuyến chuyên dùng.

Với lợi thế của 2 sông chính là Sài Gòn - Đồng Nai chảy qua, cùng với hệ thống sông nhỏ, kênh rạch tạo ra chiều dài đường thủy gần 1.000km kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và đặc biệt là với hệ thống đường thủy của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Du lịch đường thủy luôn là một trong những đề tài được bàn luận, hiến kế sôi nổi

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, điểm thuận lợi của công tác phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn TPHCM là việc phát triển các sản phẩm du lịch đường sông đã được Thành ủy, UBND, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch TPHCM quan tâm đẩy mạnh và đã có những chủ trương, cơ chế nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.  

Đặc biệt, từ khi UBND TP phát động khai trương tuyến du lịch đường thủy vào năm 2013, hoạt động du lịch đường thủy đã bước đầu khởi sắc, các doanh nghiệp du lịch đường thủy cũng tập trung nghiên cứu và chủ động khai thác thêm một số tuyến du lịch, nổi bật gần đây nhất là việc khai trương 7 sản phẩm du lịch đường thủy (phần lớn tập trung theo 2 tuyến chính là Sài Gòn – Cần Giờ và Sài Gòn – Củ Chi) của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist.
Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 3 Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: CAO THĂNG 
Từ đầu năm 2017 đến nay, du lịch đường thủy luôn là một trong những đề tài được bàn luận, hiến kế sôi nổi trên các diễn đàn, hội nghị. Việc nạo vét kênh Lò Gốm đã hoàn thành kè bờ và nạo vét lòng kênh giai đoạn một, độ tĩnh không và thiết kế các cây cầu bắc ngang kênh phù hợp để có thể phát triển tuyến du lịch nội đô này trong tương lai.  Dự án cải tạo đập Năm Lý, thông tuyến giao thông thủy rạch Trau Trảu kết nối quận 2 đi quận 9 đã có kế hoạch triển khai trong năm 2016, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2018, giúp giảm thời gian lưu thông đi quận 9 và là định hướng quan trọng để phát triển dã ngoại cuối tuần ở Cù lao Long Phước – quận 9 cho cư dân Thành phố (đây là tuyến du lịch nội đô thứ 3 của Thành phố theo dự kiến của Sở Du lịch).  Dự án khôi phục kênh Hàng Bàng, kênh Vạn Tượng quận 5, 6 đã được triển khai và hoàn thành giai đoạn 1, theo kế hoạch đến năm 2020 toàn tuyến kênh sẽ hoàn thành, đây là điều kiện để làm phong phú sản phẩm du lịch đường thủy nội đô của TPHCM.
Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 4 Hành khách tham gia buýt sông Sài Gòn
Đặc biệt, công tác phối hợp giữa các sở, ngành chặt chẽ hơn, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tham gia khai thác du lịch đường thủy cũng được quan tâm tháo gỡ.Về du lịch tàu biển: Khách du lịch đến bằng đường tàu biển hàng năm đều rất lớn và số lượng khách hầu như được xác định ngay từ đầu năm, sử dụng phương tiện thủy hiện đại, sang trọng, thẩm mỹ cao.  Đối tượng khách phần lớn có thu nhập cao, chi tiêu cao tại các điểm đến, mang lại doanh thu cao nên cũng đòi hỏi năng lực phục vụ cao của các hãng lữ hành. Ngoài số lượng khách du lịch, còn có đội ngũ thuyền viên và nhân viên tương ứng trên tàu, đây cũng là một trong những đối tượng cần quan tâm, khai thác.   Hệ thống kiểm tra xuất nhập cảnh của Việt Nam được xem là dễ nhất trong khu vực và Châu Á, chỉ cần có thẻ xuống tàu (các hãng tàu cung cấp), sau đó được Công an cửa khẩu xác nhận đóng dấu, khách sẽ được lên bờ đi theo các tour du lịch.  Thị trường du lịch tàu biển đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau (dịp mùa đông). Trong đó, điểm đến Phú Mỹ - Vũng Tàu và TPHCM chiếm khoảng 60% điểm đến trong chương trình tour đến Việt Nam. Tuy nhiên thời gian lưu trú của khách trên đất liền không nhiều (từ 8 - 12 tiếng). Đa số khách du lịch quốc tế đến bằng đường tàu biển thường chọn các chương trình tham quan Thành phố (city tour) và đến vùng Mekong (TPHCM – Mỹ Tho). Đồng thời, đã triển khai thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển và kiểm soát người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử (e-visa).
Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 5 Du lịch đường thủy  tại TPHCM còn hạn hẹp, kém sức hấp dẫn
 Tuy nhiên, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, đi cùng với những thuận lợi là không ít khó khăn. Cụ thể:
- Việc tạm ngưng hoạt động tại bến thủy Trung tâm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch đường thủy từ năm 2015, làm giảm lượng khách tham gia vào các chương trình du lịch đường thủy và khách sử dụng dịch vụ ăn tối, thưởng ngoạn trên sông cũng như hoạt động của các doanh nghiệp du lịch đường thủy. - Các điểm dừng chân trên tuyến du lịch đường thủy còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng lẫn sự hấp dẫn, đặc biệt quan trọng đối với các tuyến tầm trung hiện nay, do đoạn đường di chuyển dài, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình nếu không phát triển điểm dừng chân phù hợp.  - Cảnh quan hai bên các tuyến kênh chưa được quy hoạch và cải tạo làm cho sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch đường thủy còn ở mức nghèo nàn, chưa tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch dường thủy.  - Ngoài ra, bên cạnh một số khó khăn như: nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm nhiều, cảnh quan còn đơn điệu, độ tĩnh không thấp khó cho tàu thuyền lưu thông... thì công tác triển khai thực hiện, việc bàn giao giữa các đơn vị vẫn còn chậm;  - Các bến thủy do Thành phố đầu tư (bến Bình Hòa, bến Bình Khánh, bến Trạm phân khu 1, Trạm phân khu 2, bến Bình Đông, bến Lò Gốm...) xét về yếu tố kỹ thuật đảm bảo an toàn cho du khách, tuy nhiên, xét về tính thẩm mỹ thì vẫn còn chưa hài hòa với cảnh quan xung quanh và còn thiếu khu vực vệ sinh dành cho khách du lịch; khu vực neo đậu cho phương tiện thủy vẫn chưa được xác định, điều này ngăn cản nhiều loại hình phương tiện vận tải phát triển tại thành phố. Về cơ sở hạ tầng:  - Quy định về giao thông đường bộ: nếu xe di chuyển trên 50 km thì phải có danh sách khách, tuy nhiên du khách tàu biển có tâm lý rất ngại cung cấp danh tính, quốc tịch…do đó nhà xe thường bị xử phạt về lỗi này.
Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 6 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: CAO THĂNG
Ngoài ra, khi xe di chuyển vào khu vực trung tâm Thành phố thì đường đi hẹp, đông đúc, nên thời gian di chuyển quá dài buộc phải rút ngắn thời gian tham quan để kịp lộ trình tour; người tham gia tour tàu biển đa số người lớn tuổi từ 50 – 60 tuổi nên việc di chuyển xa, thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, mệt mỏi, tâm lý không thoải mái. - Xe ô tô phục vụ khách du lịch tàu biển: có rất ít đơn vị vận tải được đầu tư đội ngũ xe chuyên nghiệp; còn lại đều liên kết, thuê xe bên ngoài nên không đồng đều về chất lượng phục vụ, nhất là vào những mùa cao điểm.  - Đặc điểm chung của hầu hết các cảng, cầu tàu là chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, chưa có tiêu chuẩn chung và quy chế khai thác thống nhất dành riêng cho tàu thuyền du lịch, chưa có nhiều dịch vụ bổ sung gần khu vực các bến tàu nhằm thu hút khách tham quan, mua sắm để tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế. Trong tương lai không xa, khi số lượng canô tăng cao, thành phố cần có quy hoạch các bến đậu canô tại các Công viên - cảng trung tâm, đầu mối các luồng tuyến và các điểm dịch vụ hậu cần, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của các tàu thuyền du lịch. - Từ năm 2018, vấn đề đặt ra là khu vực Cảng Sài Gòn sẽ phải di dời sang Cảng Hiệp Phước (trong khi dự án Mũi Đèn Đỏ vẫn chưa được triển khai). Nếu các tàu biển, tàu viễn dương không được tiếp tục cập Cảng Sài Gòn sẽ là một tổn thất rất lớn cho Thành phố khi các tàu này cập vào Cảng Thị Vải - Vũng Tàu. 

Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch 

Giải pháp được đại diện Sở Du lịch TP đưa ra là, kiến nghị lãnh đạo thành phố cho phép tàu du lịch nước ngoài được mở cửa khu trò chơi có thưởng, cửa hãng miễn thuế... nhằm tạo thêm thuận lợi cho du khách, tăng sự hấp dẫn của điểm đến TPHCM.

Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 7 Không gian rộng rãi cho khách ngồi chờ buýt sông

Hướng dẫn, hỗ trợ huyện Cần Giờ quy trình, thủ tục xây dựng những nhà bè, nhà nổi kết hợp nuôi trồng, chế biến thủy hải sản kết hợp phục vụ khách du lịch nhằm khai thác giá trị du lịch đường sông tại Cần Giờ.

Xem xét, giải quyết các kiến nghị của Công ty Thuyền Sài Gòn, đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng, đặc biệt là trang trí ánh sáng trên tất cả các cây cầu bắc ngang sông của thành phố và trang trí cảnh quan dọc các tuyến đường thủy. Phối hợp cùng Sở Du lịch làm việc với lãnh đạo Thảo Cầm Viên, UBND Quận 1 và Quận 3, Ban Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm về đề xuất xây dựng thêm 2 bến thủy nội địa. 

Vận động doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư phát triển sản phẩm du lịch trên tuyến kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé kết nối từ các bến do nhà nước đầu tư đến các điểm tham quan ở khu vực Quận 5, 6 và 8.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử phạt các tàu, thuyền trong việc vi phạm về vận tải khách du lịch.

Thực hiện liên kết vùng trong phát triển sản phẩm du lịch.

Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 8 Buýt sông tại TPHCM 

TPHCM có lợi thế rất lớn về giao thông thủy

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, TPHCM có hệ thống sông, kênh Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 1.000km. Đây là lợi thế lưu thông cũng như khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch đường sông.
TP hiện có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm, thuận tiện trong việc vận chuyển hành khách, chẳng hạn như tuyến sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, sông Vàm Thuật, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè…
Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 9 Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Các tàu khách quốc tế với lượng du khách lớn đều có thể vào tận trung tâm TP tại khu vực cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không cần phải trung chuyển, giúp tăng thêm thời gian cho khách lưu trú; đồng thời giảm tải vận tải hành khách bằng đường bộ do không phải sử dụng xe trung chuyển vào trung tâm TP. 
Thêm nữa, TPHCM cũng có hàng loạt điểm tham quan bằng đường sông, giàu tiềm năng khai thác du lịch như Trung tâm TP (Bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành, Hội trường Thống Nhất …); khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi; các khu di tích thuộc địa bàn huyện Cần Giờ; các đình, chùa khu vực quận 2, 8, 9, Gò Vấp, Thủ Đức…
Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM ảnh 10 Đón, trả khách tại bến Bạch Đằng (quận 1)
Trước lợi thế này, vừa qua UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy TPHCM giai đoạn 2017-2020, mục tiêu đến năm 2020, sẽ có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được đưa vào khai thác trên các tuyến sông, bao gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh nội đô. Số lượng khách du lịch đường thủy đến TP năm 2017-2018 phấn đấu đạt khoảng 450.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 15% trong những năm tiếp theo. Song song đó, TP cũng đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đi đường biển đến TP đạt 470.000 lượt/năm trong giai đoạn 2017-2018. 
Để triển khai từng bước kế hoạch nêu trên, cách nay ít ngày TP đã chính thức triển khai tuyến buýt đường sông để phục vụ người dân, du khách. Trong 10 ngày đầu khai thác, hành khách tham gia sẽ được miễn phí toàn bộ vé. Tổng chiều dài tuyến buýt sông gần 11km, có 9 trạm lên xuống đón trả khách. Các trạm này nằm rải rác ở các quận 1, quận 2, Bình Thạnh, Thủ Đức... nên rất thuận tiện cho người dân, du khách. Chương trình nhằm thu hút cũng như định hướng thói quen di chuyển từ đường bộ sang đường thủy, có thêm nhiều lựa chọn phương tiện lưu thông cho người dân. * Chiều 28-11, Sở Giao thông Vận tải TP phối hợp cùng Sở Du lịch TP, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TPHCM”. Đến tham dự buổi tọa đàm có sự góp mặt của: - Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM - Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM  - Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng - Các chuyên gia, doanh nghiệp, các hãng lữ hành, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí 

Tin cùng chuyên mục