Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

Mỗi đầu năm học, Bộ GD-ĐT đều ban hành công văn nhắc nhở các cơ sở giáo dục đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Song, làm thế nào để xây dựng, phát triển phong trào đọc sách, đưa văn hóa đọc trở thành một trong những hoạt động thường xuyên đối với học sinh là nhiệm vụ còn nhiều trăn trở. Cần những điều kiện gì để văn hóa đọc thật sự chuyển mình?
Học sinh say sưa đọc sách tại Ngày hội đọc sách năm 2018 do Phòng GD-ĐT quận 4 tổ chức mới đây
Học sinh say sưa đọc sách tại Ngày hội đọc sách năm 2018 do Phòng GD-ĐT quận 4 tổ chức mới đây

Khoác thêm “áo” mới cho sách

Mới đây, tại vòng chung kết cấp quận cuộc thi “Lớn lên cùng sách” năm 2018 do Phòng GD-ĐT quận Tân Bình tổ chức, Đào Khánh Ngân, học sinh lớp 6A2 Trường THCS Âu Lạc, đã có phần giới thiệu sách hết sức đặc biệt. Dựa trên cảm xúc có thật sau khi đọc tác phẩm Mặt trời bé con của nhà văn Eleanor H.Porter, Ngân đã sáng tác trên nền nhạc đàn ukelele ca khúc Ánh ban mai. Lời bài hát như đoạn phim quay chậm cuộc đời nhiều thăng trầm của cô bé Pollyanna, nhân vật chính của tác phẩm. Hơn 250 trang bản thảo được cô gái nhỏ tóm tắt cô đọng bằng giai điệu, giúp người xem không chỉ đọc được nội dung mà còn cảm được ý nghĩa của tác phẩm.

Một hình thức sáng tạo khác, Nguyễn Hồ Huyền Ngọc, học sinh Trường THCS Ngô Quyền, lại chọn hình thức vẽ tranh trên nền phim chụp X-quang, sau đó dùng đèn chiếu rọi các bức tranh lên tường, tạo ra cuốn sách chiếu bóng tái hiện câu chuyện Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen. Cách kể chuyện này giúp người đọc có cái nhìn trực quan hơn về những mảng sáng - tối đối lập trong tác phẩm. Hình ảnh cô bé bán diêm cô độc giữa đêm đông lạnh giá trở nên ám ảnh người xem nhờ vầng sáng yếu ớt tôn lên chiếc bóng lẻ loi của cô bé bán diêm. Ông Phan Văn Quang, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, đánh giá cuộc thi không chỉ tạo thêm sân chơi, cơ hội cho học sinh giao lưu, học hỏi, phát triển kỹ năng đọc sách mà qua đó còn giúp các em phát huy khả năng tư duy, cảm thụ tác phẩm tốt hơn.  

Với Dương Gia Hào, học sinh Trường THCS Quang Trung (quận 4), giải nhì cuộc thi “Lớn lên cùng sách” do Phòng GD-ĐT quận 4 tổ chức, em chọn hình thức diễn kịch để tái hiện một trích đoạn trong tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. Chia sẻ với chúng tôi, Gia Hào cho biết qua tiểu phẩm của mình, em không chỉ tái hiện tính cách nhân vật dế mèn mà còn muốn truyền đi thông điệp đến các bạn trẻ là hãy sống một cuộc đời có ích, đừng ngại dấn thân, vì tuổi trẻ một khi đã qua sẽ không trở lại. 

Cô Đặng Thị Phương Dung, giáo viên Văn Trường THCS Vân Đồn (quận 4), cho biết phát triển văn hóa đọc trong nhà trường không chỉ là việc đem các tác phẩm đến gần hơn với học sinh, mà qua đó giúp các em phát triển khả năng tư duy, có cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa sách và đời, có cái nhìn đa dạng về những gam màu cuộc sống. 

Lan tỏa tình yêu sách

Hiện nay, ngoài việc tổ chức các hoạt động giới thiệu sách, lồng ghép văn chương với các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác, các trường phổ thông đã chú ý nhiều hơn đến việc đầu tư trang thiết bị, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng để phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Tại Trường THCS Quang Trung, từ năm học 2018-2019, đơn vị phát động phong trào “Tiếp sách giúp bạn đến trường”, xây dựng tủ sách dùng chung nhằm tạo cơ hội cho học sinh chia sẻ những đầu sách hay.

Tương tự, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) nhiều năm qua đã tổ chức cho học sinh trao đổi sách đã qua sử dụng để giúp các em nhân rộng hơn số đầu sách đã đọc, đồng thời lan tỏa niềm đam mê đọc sách. Đặc biệt, bắt đầu từ học kỳ 2 năm học này, trường sẽ tổ chức ngày hội đọc sách ở sân trường, mở rộng không gian đọc sách tại thư viện ra cả khu vực hành lang, cầu thang và sân trường, tạo môi trường mở giúp học sinh có thể thoải mái chia sẻ cảm nhận sau khi đọc các tác phẩm.

Thầy Nguyễn Hoàng Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, khẳng định sự thay đổi trong cách tiếp cận sách của học sinh sẽ tác động lại nhận thức của các thầy cô giáo, giúp các thầy cô hiểu được nhu cầu, tâm tư, tình cảm của học sinh. Qua đó, sẽ có những thay đổi cần thiết trong phương pháp giảng dạy, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người học.

Một cách làm khác, Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) kết hợp tổ chức thư viện với phòng nhạc cụ truyền thống, khu vực sân khấu biểu diễn, tạo điều kiện cho học sinh có thể tiếp cận tác phẩm qua các hình thức sân khấu hóa, diễn kịch, chơi nhạc cụ, thấy được mối quan hệ gắn kết giữa các loại hình nghệ thuật. 

Tuy nhiên, những mô hình nói trên chỉ là nỗ lực tự thân của các trường, về lâu dài cần thêm sự chung tay đóng góp của nhiều nguồn lực trong xã hội, trong đó quan trọng nhất là phụ huynh. Đặc biệt, để thích ứng thời đại công nghệ 4.0, các loại hình sách điện tử, sách in 3D cần được các đơn vị quan tâm đẩy mạnh. Bên cạnh đó, để phát triển văn hóa đọc trong học sinh, đại diện nhiều trường phổ thông kiến nghị đưa đọc sách vào một trong những hoạt động học tập phân bổ chính khóa trong chương trình giáo dục phổ thông mới chứ không dừng ở mức độ ngoại khóa, bổ trợ như chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Song song đó, cơ quan chủ quản cần có thêm hướng dẫn về định hướng chuyên môn cũng như kiểm tra, đánh giá, giúp đọc sách trở thành hoạt động thường xuyên, đóng góp tích cực vào quá trình hình thành năng lực và phẩm chất cho người học.

Tin cùng chuyên mục