Chuyên đề: điều gì đang xảy ra ở đội tuyển U-23

Mặc cảm, chống đối

Alfred Riedl đã từ chức. Hành động ấy ở thời điểm này có thể tốt cho cả ông lẫn cho bóng đá Việt Nam. Nhưng, không thể và không được đổ mọi trách nhiệm cho Riedl về thất bại tại SEA Games. Đấy chỉ là kết cục thảm hại của một chuỗi hệ thống mà Riedl chỉ là một lý do.

Mặc cảm, chống đối ảnh 1
HLV Riedl và BHL đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games. Ảnh: Hoàng Vy

…Năm 2005, tiền vệ Nguyễn Hoàng Thương được gọi vào đội tuyển U-23 để dự SEA Games 23. Tưởng chừng cầu thủ của nhà tân vô địch GĐT.LA sẽ đạt thêm một sự thăng tiến trong sự nghiệp của mình sau kỳ SEA Games 22 không may mắn. Thế nhưng, sau SEA Games 23 trở về, Hoàng Thương gần như “biến mất” khỏi đội hình của GĐT.LA.

Kể lại thời gian đó, Hoàng Thương cho biết anh hầu như không còn cảm giác bóng sau một thời gian dài dự bị tại đội tuyển U-23. Cả chiến dịch SEA Games 23, Thương chỉ đá được 1 trận, đó là trận đấu mang tính thủ tục với Indonesia (trận đấy Việt Nam thua 0-1). Phải đến mùa bóng 2007, Thương mới tìm lại được phong độ tại CLB. Thương từng nói, anh đã trải qua một cơn ác mộng với thời gian dự bị ở SEA Games 23.

Cũng tại SEA Games 23, tiền đạo Công Vinh từng tạo ra scandal khi tuyên bố muốn rút lui khỏi đội tuyển vì không chịu nổi cái kiếp dự bị. Chắc chắn không chỉ có Hoàng Thương và Công Vinh bị ức chế như thế tại kỳ SEA Games đó.

Đấy là một trong những điển hình về cách dùng binh của Riedl, người mà ai cũng biết khi đã tin dùng cầu thủ nào rồi thì … đừng hòng ông bỏ người đó. Các cầu thủ còn lại chỉ được tập trung theo kiểu cho đủ quân số mà thôi. Chúng tôi dám cam đoan, 90% những cầu thủ từng làm việc với ông Riedl khẳng định điều mà họ luôn biết chắc ấy.

Tại SEA Games 24 này, đã có cầu thủ thề không bao giờ lên tập trung đội tuyển nếu còn ông Riedl dẫn dắt. Không phải ghét Riedl, mà vì cách dùng người của Riedl mặc nhiên tạo cho họ suy nghĩ là họ sẽ không bao giờ được đá chính khi Riedl đã định hình bộ khung nào đó, mặc cho số còn lại tập luyện tốt bao nhiêu đi nữa. Cái này, chính là những tâm sự của Công Vinh cách đây 2 năm. Nói cách khác, không phải vì phong độ, không phải vì sự xuất sắc, chỉ cần được ông Riedl “chấm” là đương nhiên sẽ có suất đá chính.

Như trường hợp của Quý Sửu, một tiền vệ được phát hiện cùng lúc với Phan Thanh Bình, Vũ Phong. Cũng từng đá rất nhiều trận cùng Thanh Bình, Vũ Phong ở những giải U, Quý Sửu được gọi tập trung không biết bao nhiêu lần. Thế mà gần 3 năm qua, cơ hội đá chính của Quý Sửu vẫn hầu như không có. Mỗi lần được gọi, khăn gói lên tuyển rồi sau đó ngồi dự bị. Đã thế còn mang tâm trạng là biết chắc mình sẽ không được vào đá. Sau trận đấu đầu tiên tại SEA Games 24 ở phận dự bị, Quý Sửu tâm sự với đôi mắt đỏ hoe: “Có lẽ là em sẽ không được đá trận nào mấy anh ơi!”.

Hai năm trước, Công Vinh còn lên tiếng phản đối. Suốt 2 năm qua, không còn thấy ai phản  đối nữa mà đã chuyển thành một căn bệnh trầm cảm. Chưa có thống kê nào cho thấy một cầu thủ dự bị của ông Riedl lại có thể vào sân chơi tốt được. Chính trận thua Indonesia 0-1 SEA Games 23 hoặc trận thắng Lào chật vật 2-1 ở SEA Games 24 đã nói điều đó.

Và rồi, những vị trí dự bị dù không phản đối như kiểu Công Vinh 2 năm trước mà dùng “chiêu độc” cô lập một số vị trí mà Riedl ưa thích. Hãy nhìn con số đường chuyền mà Phan Thanh Bình được nhận. Hãy thống kê số lần nhận bóng trong tư thế quay mặt lại với khung thành của Thanh Bình.

Rồi còn chuyện của nhóm Đồng Tháp, nhóm Bình Dương. Không thật sự có những cuộc chiến “Nam - Bắc” hay “Thể Công - Nghệ An” như ngày trước, nhưng thực tế là trong đội tuyển cũng đã có chuyện chia năm - xẻ bảy không chơi chung với nhau, không chuyền bóng cho nhau trên sân.

Đấy là cầu thủ, ngay cả Ban huấn luyện cũng có vấn đề. Không dưới 5 lần tại SEA Games lần này, các phóng viên đặt câu hỏi về mối quan hệ của ông Riedl với các trợ lý. Tất cả đều phủ nhận nhưng rõ ràng đã có khoảng cách giữa BHL người Việt với HLV người Áo.

Phía BHL người Việt đã nhiều lần góp ý với ông Riedl về nhân sự nhưng ông thầy người Áo không nghe. Phải đến 2 trận cuối cùng, sau một loạt vị trí chơi “dở chưa từng thấy”, ông thầy người Áo mới đổi đội hình và đó là đội hình mà người ta bảo là của Mai Đức Chung. Chính vì thế, trong trận đấu với Myanmar, nếu để ý thì ông Chung mới là người chỉ đạo chính.

Tất nhiên, không thể trách ông Riedl lẫn các cầu thủ hoặc BHL trong những mâu thuẫn nội tại nói trên. Chưa thực sự là một căn bệnh trong đội tuyển nhưng nó cứ âm ỷ tàn phá đội tuyển bởi sự thờ ơ của VFF. Những người có trách nhiệm tại VFF cứ bỏ mặc ông Riedl với đội bóng. Tiếng nói của BHL người Việt hầu như không được ủng hộ còn cầu thủ thì không biết giãi bày mặc cảm với ai, nên mới nghĩ ra chuyện chống đối.

Lỗi của VFF thật ra còn lớn hơn cả của ông Riedl trong thất bại này, tại SEA Games 24.

Hồ Việt

Riedl nên từ chức !

Tin cùng chuyên mục