Quy hoạch chợ truyền thống ra sao?

Trong Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng năm 2030, TPHCM xác định hệ thống phân phối truyền thống, bao gồm mạng lưới chợ và cửa hàng tạp hóa vẫn giữ vai trò quan trọng trong quá trình lưu thông hàng hóa. 
Một cửa hàng tạp hóa tại huyện Bình Chánh, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Một cửa hàng tạp hóa tại huyện Bình Chánh, TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
Còn nhiều bất cập
 Theo Sở Công thương TPHCM, hiện trên địa bàn TP có 240 chợ các loại, bán kính phục vụ bình quân 1,6km/chợ, thấp hơn 2,2 lần so với mức bình quân cả nước, đạt khả năng phục vụ bình quân khoảng 31.000 người/chợ. Về cơ bản, mạng lưới chợ đã đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng ngày của người dân, có vai trò nhất định trong hệ thống phân phối và là nét văn hóa truyền thống của TP.
Tuy nhiên, do đặc điểm hình thành lâu đời nên mạng lưới chợ vẫn tồn tại một số hạn chế, như công tác đầu tư, nâng cấp, sửa chữa chợ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để mời gọi nhà đầu tư. Đồng thời, việc bố trí, sắp xếp ngành hàng chưa hợp lý, khu vực kinh doanh chưa thật sự đảm bảo hiệu quả. Lối đi trong chợ không thông thoáng, có chỗ khuất lấp sau các lô, sạp hoặc phải đi xuyên qua quầy hàng đang hoạt động, có nơi lối đi còn thường xuyên bị lấn chiếm. Vành đai ngoài chợ hầu hết cũng bị lấn chiếm do hoạt động của các điểm kinh doanh tự phát, gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông, mỹ quan đô thị. Một số chợ bày bán trên lòng, lề đường (17/240 chợ) và vẫn còn tình trạng một số hộ tiểu thương cư trú ngay trong chợ.
Về vấn đề pháp lý, điểm kinh doanh (sạp) trong chợ chưa thống nhất, hình thành tâm lý quyền sở hữu sạp thuộc về thương nhân, gây khó khăn trong việc tái bố trí, sắp xếp ngành hàng theo hướng văn minh và đầu tư nâng cấp, xây dựng chợ. Cơ chế thu chi tài chính tại chợ chưa tạo động lực cho ban quản lý (BQL) trong quá trình công tác; đồng thời, việc phối hợp, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chưa đồng bộ và hiệu quả. 
Trong công tác đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, tính đến năm 2015, trên địa bàn TPHCM đã tiến hành xã hội hóa đầu tư, khai thác và quản lý khoảng 30% chợ truyền thống theo Quyết định số 216/2004/QĐ-UB của UBND TPHCM ban hành Quy chế đấu thầu kinh doanh khai thác và quản lý chợ loại 2 và loại 3 trên địa bàn TP, đầu tư xây dựng bằng vốn của hợp tác xã, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chợ loại 3 có diện tích nhà lồng nhỏ, số lượng tiểu thương kinh doanh cố định không nhiều, điều kiện kinh doanh không thuận lợi, mãi lực thấp, thời gian giao thầu chỉ từ 5 - 10 năm nên khó thu hút nhà đầu tư tham gia đấu thầu; nhiều chợ loại 3 thành lập lâu đời nên cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp, quy mô không còn phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành, hồ sơ pháp lý chợ chưa đầy đủ, bộ máy hoạt động của BQL chợ chưa hoàn thiện, do đó không thể tổ chức đấu thầu. Mặt khác, hầu hết đơn vị trúng thầu hiện nay chưa có kinh nghiệm trong việc xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh của tiểu thương...
Ở khu vực cửa hàng bán lẻ truyền thống có 2 dạng chính, gồm cửa hàng bán lẻ tổng hợp - tiệm tạp hóa và cửa hàng bán lẻ chuyên ngành. Đây cũng là loại hình phân phối truyền thống lâu đời, hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong kênh phân phối hàng hóa nói chung. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, loại hình này cũng phát sinh nhiều hạn chế như phát triển manh mún, nhỏ lẻ; chu kỳ phát triển không ổn định; phụ thuộc nhiều vào nguồn lực sẵn có của chủ cơ sở, hộ gia đình; gần đây, tốc độ phát triển tăng chậm lại… 
Trên đây là thực trạng của hệ thống phân phối truyền thống cần được quan tâm và đầu tư đúng mức để có thể cạnh tranh tốt hơn trong giai đoạn mới.
Không tăng thêm chợ trong khu nội thành cũ
 Trong Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng 2030 đã chỉ rõ, có 4 lĩnh vực cốt lõi bao gồm xuất khẩu; hậu cần (logicstics); hội chợ triển lãm và lĩnh vực bán buôn - bán lẻ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, sớm đưa TPHCM trở thành trung tâm thương mại trọng yếu ở khu vực Đông Nam Á. Trong 4 lĩnh vực trên, bán buôn và bán lẻ được xem là hoạt động căn bản, giúp tạo nên vị thế “đầu tàu” của ngành thương mại TP cũng như cả nước.
Đi vào cụ thể, ngành thương mại TPHCM xác định, đối với chợ bán lẻ sẽ không tăng thêm số lượng chợ trong khu vực nội thành cũ (gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú); thay vào đó, các chợ này sẽ sửa chữa, nâng cấp, sắp xếp kinh doanh hợp lý, kết hợp phát triển du lịch. Rà soát, xem xét chuyển đổi công năng các chợ có diện tích từ 800 - 1.000m2 trở lên thành các loại hình phân phối hiện đại. Ở khu vực nội thành phát triển (gồm quận: 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) cũng hạn chế xây chợ mới. Khu vực ngoại thành (gồm các huyện: Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ) sẽ xem xét xây mới chợ loại III; xây mới chợ loại I hoặc loại II ở khu vực trung tâm huyện. 
Đối với bán buôn, sẽ nâng cấp 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm là Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu và địa điểm tham quan du lịch, mua sắm của khu vực phía Nam. Ngoài ra, TPHCM còn hệ thống chợ bán buôn chuyên ngành và đa ngành như chợ vải Soái Kình Lâm, chợ bán sỉ Bình Tây, chợ phụ liệu ngành may mặc Tân Bình... cũng sẽ được duy tu, nâng cấp nhằm củng cố vai trò đầu mối bán buôn và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch đối với TP và các tỉnh phía Nam.
Theo quy hoạch, TP tiến hành xây dựng, hoàn thiện các công trình phụ trợ (bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng…) và nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng chợ đã xuống cấp; đồng thời, phát huy hết công suất hoạt động của các chợ hiện hữu. Hoàn thiện căn cứ pháp lý về việc thuê và sử dụng điểm kinh doanh tại chợ. Tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác. Xây dựng chính sách kết hợp giữa ngân sách nhà nước và xã hội hóa để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu xây dựng, nâng cấp, sửa chữa chợ. Tiến hành rà soát, đổi mới công tác quản lý chợ; xây dựng phương án chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ đối với những chợ hoạt động không hiệu quả.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, TPHCM cũng đề ra các nhóm giải pháp, bao gồm vốn và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Cụ thể, về nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng chợ được xác định từ ngân sách nhà nước, vốn từ các thành phần kinh tế, vận động thương nhân đóng góp. Theo đó, khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa từ các thành phần kinh tế, thương nhân kinh doanh tại chợ. Ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ đối với các chợ do nhà nước đầu tư nhưng khó thu hút nguồn vốn xã hội hóa.
Về nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, gồm nâng cao an toàn thực phẩm trong hệ thống phân phối. Xây dựng và thực hiện mô hình “chợ thí điểm an toàn thực phẩm” trên địa bàn TP; từ đó, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn làm cơ sở triển khai nhân rộng mô hình đối với các chợ khác trên địa bàn. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chợ, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm, chống hàng gian, hàng giả, phòng cháy chữa cháy… phù hợp với trình độ, điều kiện thực tiễn của cán bộ, nhân viên quản lý chợ.  
Đối với hệ thống cửa hàng tạp hóa sẽ hướng dẫn thủ tục pháp lý để khuyến khích các hộ kinh doanh, cá nhân mạnh dạn thành lập doanh nghiệp phân phối ở các cấp độ, quy mô khác nhau; gắn kết các nội dung trên vào chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân của TP. Đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể. 
Hy vọng với đề án Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, bộ mặt ngành thuơng mại nói chung, hệ thống phân phối truyền thống nói riêng sẽ ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân TP theo hướng văn minh, hiện đại, an toàn và tiện lợi.

Tin cùng chuyên mục