Luồng tàu biển qua kênh Quan Chánh Bố: Giải pháp khả thi về mặt kinh tế

Luồng tàu biển qua kênh Quan Chánh Bố: Giải pháp khả thi về mặt kinh tế
Luồng tàu biển qua kênh Quan Chánh Bố: Giải pháp khả thi về mặt kinh tế ảnh 1

Tiếp tục loạt bài phản hồi về việc mở luồng tàu biển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong số báo này chúng tôi giới thiệu với bạn đọc quan điểm của Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học (GS-TS) Nguyễn Ân Niên, qua bài phỏng vấn sau đây của phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông Nguyễn Ân Niên, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và hiện là Viện trưởng Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước và Môi trường kiêm Chủ tịch Hội Thủy lợi TPHCM. Ông từng có rất nhiều nghiên cứu xung quanh môi trường ĐBSCL.

Chỉ 4 năm đã thu hồi vốn đầu tư

* Thưa GS-TS, quan điểm của ông về việc mở luồng tàu biển cho ĐBSCL như thế nào?

* Đây là vấn đề cấp bách đối với sự phát triển của ĐBSCL, do vậy tôi ủng hộ những nỗ lực tìm kiếm luồng tàu biển mới cho miền đất này. Trong tất cả những phương án mở luồng tàu mới (4 phương án: làm cảng nổi, nạo vét cửa Trần Đề, nạo vét cửa Định An, làm kênh mới nối biển với kênh Quan Chánh Bố - Báo SGGP đã giới thiệu) thì phương án đào một kênh mới nối từ kênh Quan Chánh Bố ra biển theo tôi là khả thi nếu nhìn ở góc độ kinh tế. Phương án này dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 200 triệu USD. Chỉ cần thu phí tàu biển ra vào ĐBSCL và tiết kiệm phí vận tải hàng hóa đến các cảng biển xa (từ ĐBSCL đến hệ thống cảng TPHCM) mỗi năm cũng đã có được số tiền vào khoảng 50 triệu USD. Như vậy, chỉ cần 4 năm là Nhà nước đã thu hồi được vốn đầu tư cho công trình.

Kênh Quan Chánh Bố hiện nay khá sâu, chỉ có vài đoạn nông, có thể nạo vét dễ dàng. Khu vực bờ biển-nơi dự kiến sẽ “trổ” kênh mới ra cũng khá sâu, rất thuận tiện cho tàu có trọng tải lớn ra vào. Mở một luồng tàu biển mới theo hướng này trước mắt là rất thuận tiện. Thế nhưng, tôi chỉ băn khoăn cho 20 năm nữa. Đó là lúc thiên nhiên đã “chấp nhận” con kênh mới này như một phần của mạng lưới sông, kênh rạch tự nhiên của ĐBSCL. Lúc ấy, các dòng nước mang phù sa từ thượng nguồn đổ xuống cũng sẽ chảy vào con kênh mới này tương tự các sông kênh khác hiện nay của ĐBSCL. Kênh mới rồi cũng có thể sẽ bị sa bồi nặng nề như Định An, Trần Đề.

* Như vậy, theo GS-TS thì có nên làm luồng tàu biển này không?

* Trước khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức nghiên cứu luồng tàu biển nêu trên, chế độ cũ Sài Gòn cũng đã tính đến việc mở luồng tàu biển như vậy. Đây là phương án khả thi nhất cho đến thời điểm hiện nay. Tôi chỉ muốn lưu ý đến một số vấn đề về môi trường mà Bộ GTVT cần quan tâm khi tiến hành dự án. Đó là những tác động đến hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn của khu vực. Sự ô nhiễm từ hoạt động vận chuyển của các tàu thuyền khi ra vào cảng. Riêng đối với chính quyền địa phương thì cần quan tâm đến cuộc sống của những người dân trong khu vực. Chắc chắn cuộc sống người dân ở đây sẽ có một sự thay đổi lớn khi vùng đất này từ một vùng sâu, xa nhất của tỉnh Trà Vinh, trở thành một khu vực có hoạt động giao thương sầm uất. Có lẽ ngay từ bây giờ chính quyền địa phương nên chuẩn bị cho người dân những điều kiện cần thiết để thích ứng với cuộc sống mới, đặc biệt đối với những người phải di dời, giải tỏa để làm kênh.

Vẫn tiếp tục nghiên cứu nạo vét Định An và Trần Đề

* Một luồng tàu biển mà chỉ dùng được khoảng 20 năm. Theo ông có quá ngắn so với tuổi thường có ở các thương cảng nổi tiếng trên thế giới. Ngay như luồng tàu biển Lòng Tàu của TPHCM, dẫn vào hệ thống cảng biển nằm trên sông Sài Gòn cũng đã hơn 100 tuổi…?

Luồng tàu biển qua kênh Quan Chánh Bố: Giải pháp khả thi về mặt kinh tế ảnh 2

Một góc kênh Quan Chánh Bố (Trà Vinh). Ảnh: THÀNH TÂM

* Song song với việc làm kênh mới, Chính phủ cũng nên tiếp tục cho nghiên cứu khả năng nạo vét cửa Định An và Trần Đề. Hiện nay lượng phù sa, sa bồi mỗi năm ở hai cửa này vào khoảng 60 triệu tấn. Tuy nhiên, chúng đang có xu hướng giảm dần vì phía thượng nguồn của sông Mê Kông trên phần đất của Trung Quốc và Lào, người ta đã xây dựng nhiều hồ chứa nước. Nước được giữ lại thì phù sa cũng bị giữ lại. Mặt khác, trên dòng sông này, người ta cũng đang khai thác cát để san lấp và xây dựng. Lượng cát đổ về hạ nguồn, ra biển vì thế cũng đang ít đi. Cửa Định An và Trần Đề ít bị sa bồi thì việc phát triển luồng tàu biển ở đây là rất khả thi.

* Tại sao không chờ luôn đến thời điểm đó để sử dụng luồng Định An và Trần Đề làm luồng tàu biển mới cho tàu lớn ra vào, thưa ông?

* Như tôi đã nói ở trên, đây là vấn đề cấp bách đối với sự phát triển của ĐBSCL nên không thể chờ được.

* Theo dự báo của GS-TS thì lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về các cửa biển của ĐBSCL ngày càng ít đi thì điều này cũng có nghĩa là 20 năm nữa chưa chắc luồng tàu biển mới qua kênh Quan Chánh Bố sẽ bị sa bồi như ông đã từng lo lắng?

* Nói là giảm phù sa nhưng từ 60 triệu tấn xuống còn 55 triệu tấn hay ít hơn thì có đáng là bao? Hơn nữa, điều này chỉ thấy tác động rõ trong một thời gian dài, ước một vài chục năm. Thế nhưng, tôi cũng lo rằng lúc đó, với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì mọi thứ sẽ khác đi.

* Cảm ơn ông. 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục