Quy hoạch Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển quốc gia

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1289/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đảo Phú Quốc tiếp tục giữ vững định hướng là trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Ảnh: QUỐC BÌNH

Đảo Phú Quốc tiếp tục giữ vững định hướng là trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Ảnh: QUỐC BÌNH

Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Kiên Giang và phần không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Theo quy hoạch đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng ĐBSCL; là trung tâm kinh tế biển quốc gia. Các thành phố: Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển.

Trong đó, Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; thành phố Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; thành phố Hà Tiên là đô thị di sản.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng. Ngành du lịch đạt khoảng 23,7 triệu khách, trong đó khách nội địa là 22 triệu lượt và khách quốc tế 1,7 triệu lượt.

Du khách quốc tế tới đảo Phú Quốc – trung tâm du lịch và phát triển kinh tế hướng biển của Kiên Giang và cả nước. Ảnh: QUỐC BÌNH

Du khách quốc tế tới đảo Phú Quốc – trung tâm du lịch và phát triển kinh tế hướng biển của Kiên Giang và cả nước. Ảnh: QUỐC BÌNH

Giai đoạn sau năm 2030, sẽ thành lập Khu kinh tế ven biển Rạch Giá. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành; trọng tâm phát triển về thương mại, dịch vụ, logictics cảng biển, đô thị - dịch vụ - du lịch, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, lợi thế của đô thị tổng hợp - chuyên ngành, trung tâm đầu mối về thủy sản và cảng hàng không Rạch Giá.

Ngoài ra, sẽ thành lập Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Kiên Giang bao gồm Khu kinh tế cửa khẩu (quốc tế) Hà Tiên và khu vực cửa khẩu (quốc gia) Giang Thành.

Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. Phú Quốc là trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.

Quy hoạch cũng nêu các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của tỉnh Kiên Giang. Cụ thể, phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh kết nối du lịch, đầu tư, thương mại, sản xuất, tiêu dùng giữa đất liền với hải đảo, trọng tâm là Phú Quốc; khai thác hải sản bền vững, dịch vụ hậu cần nghề cá, công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp năng lượng tái tạo.

Tạo bước đột phá phát triển thành phố Phú Quốc với cơ chế đặc thù, vượt trội về chính sách ưu đãi để tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm cho Phú Quốc.

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước với khoảng 6.300 chiếc. Ảnh: QUỐC BÌNH

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước với khoảng 6.300 chiếc. Ảnh: QUỐC BÌNH

Phát triển hướng biển, mở rộng không gian, lấn biển theo quy định pháp luật, sáng tạo, độc đáo, giàu bản sắc; hình thành không gian đô thị - dịch vụ đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện và năng lực tự nhiên. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền số; nâng cao hiệu quả quản trị công và cải cách thủ tục hành chính.

Tin cùng chuyên mục