Equestrian

Cuộc đua nguy hiểm của các kỵ mã

Cuộc đua nguy hiểm của các kỵ mã

Ngày 7-12, trong nội dung băng đồng tại Asian Games 15, chú ngựa Bundaberg Black của kỵ sĩ Hàn Quốc Kim Hyung Chil vấp chân vào hàng rào sau khi thực hiện một cú nhảy. Cả người và ngựa đều té nhào, Kim chẳng may gãy cổ và chết trên đường đi cấp cứu.

Cuộc đua nguy hiểm của các kỵ mã ảnh 1

Trong trang phục kỵ sĩ, vận động viên cưỡi chú ngựa lực lưỡng lượn một vòng điệu nghệ, rồi tung nước đại phóng qua hàng rào cao một cách ngoạn mục giữa tiếng vỗ tay như sấm dậy. Đó là môn thể thao có tên gọi Equestrian, hay còn gọi là “Nghệ thuật điều khiển ngựa”.

Đây là môn thể thao rất ít người Việt Nam biết đến. Theo tài liệu, trước khi Equestrian được xem là môn thể thao thì nó đã xuất hiện từ 5.000 năm trước. Các chiến binh dùng ngựa để di chuyển trong chiến trận gọi là kỵ binh. Ngựa hoang được thuần hóa và huấn luyện một cách đặc biệt, có thể làm theo mệnh lệnh của các kỵ binh và giúp họ giành chiến thắng.

Khoảng giữa của các cuộc chiến, người ta tổ chức các cuộc thi đấu trên lưng ngựa xem ai điều khiển ngựa giỏi hơn như một trò giải trí. Và tất nhiên, trên thảo nguyên mênh mông, người Mông Cổ là những “ông trùm” của trò chơi này. Sau đó, các kỵ sĩ châu Âu cũng không hề kém trong việc điều khiển ngựa chiến lẫn ngựa thi.

Vào thế kỷ 19, người Anh “thể thao hóa” môn “Nghệ thuật điều khiển ngựa” nhưng cuộc thi đấu đầu tiên lại tổ chức tại Ireland. Sau đó, người ta chính thức đưa nó vào Olympic Paris năm 1900. Khi ấy Equestrian đã có 3 nội dung thi gồm nhảy ngựa, nhảy cao và nhảy xa. Hai kỳ Olympic liên tiếp vào năm 1904 và 1908 không tổ chức môn thể thao vốn còn non trẻ này nhưng đến Olympic 1912 tổ chức trở lại, với 4 nội dung và duy trì liên tục môn thể thao này cho đến ngày nay. Hiện nay, số nội dung thi đấu trong môn Equestrian đã ổn định ở con số 6 với nhảy ngựa cá nhân, đồng đội, băng đồng cá nhân, đồng đội, biểu diễn nghệ thuật trên lưng ngựa cá nhân và đồng đội.

Với Asian Games, Equestrian lần đầu góp mặt năm 1982 tại Dehli, Ấn Độ. Sau đó, Equestrian không được tổ chức ở hai kỳ Asian Games 10 và 11, rồi quay trở lại Asian Games 12 tại Hiroshima năm 1994, Bangkok 1998, Busan 2002 và Doha 2006.

Cách tính điểm của môn thể thao này cũng khá phức tạp nhưng chung quy có thể tóm gọn như sau: Phạm một lỗi bị trừ 2 điểm; phạm 2 lỗi bị trừ 4 điểm và phạm đến lỗi thứ ba thì bị loại khỏi cuộc thi.

Nhiều người rất thích thú với môn thể thao này nhưng một số tổ chức bảo vệ động vật lại lên tiếng phản đối vì trong các nội dung thi đấu có quá nhiều động tác nguy hiểm, những cú nhảy dễ làm chấn thương cả người và ngựa.

LINH GIAO

Tin cùng chuyên mục